“Trị” tận gốc giá thuốc

ANTĐ - Cuộc “giằng co” giá thuốc chữa bệnh, tăng giá do mua bán lòng vòng, đấu thầu thuốc tại các bệnh viện bất hợp lý, mỗi nơi mỗi giá, có nơi giá cao hơn giá thị trường… sẽ chấm dứt khi hai thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ Tài chính tạo cú đột phá vào những bất cập trong công tác đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế. Bộ Y tế vừa công bố chi phí tiền thuốc của các bệnh viện đã giảm xuống còn 30%. Trước đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tiền thuốc chiếm tới 60-70% trong tổng chi phí khám chữa bệnh được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán cho người bệnh.

Từ lâu, một câu hỏi đã được dư luận đặt ra là: Vì sao cùng một loại thuốc giống nhau nhưng mỗi bệnh viện giá thuốc đấu thầu, trúng thầu khác nhau? Có loại thuốc chênh lệch từ 10-20% thậm chí cao gấp nhiều lần. Bệnh viện này không thể biết giá thuốc đấu thầu của bệnh viện kia, chỉ đến khi cuộc đấu thầu ngã ngũ, danh mục thuốc trúng thầu được công bố, các bệnh viện mới “ngã ngửa” vì giá cả hỗn loạn, chênh nhau quá sức tưởng tượng. Bản thân Bộ Y tế  cũng biết rõ giá thuốc trong bệnh viện cao hơn giá thuốc ngoài cổng. BHXH Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng về tình trạng thuốc đấu thầu vào bệnh viện cao hơn khoảng 10-30% so với giá bán lẻ và giá thuốc giữa các bệnh viện chênh lệch nhau, không ít nơi thuốc đắt tiền lại trúng thầu. Nguyên nhân của thực trạng này đã được chỉ rõ là do giá thuốc vẫn do doanh nghiệp cung ứng thuốc tự định giá, tự chịu trách nhiệm kê khai giá. Điều này dẫn đến tình trạng cùng một sản phẩm thuốc khi đấu thầu, nhưng các công ty lại đưa ra nhiều giá khác nhau. Cơ sở y tế thì tự đấu thầu, nên cùng loại thuốc, cùng hãng sản xuất, nhưng mỗi bệnh viện lại trúng thầu một giá. Còn hội đồng xét thầu không có một mức giá chung tương đối để làm căn cứ. “Độc chiêu” làm ăn rất phổ biến của các  công ty dược tham gia đấu thầu là nhóm thuốc giá rẻ được trúng thầu giá cao.

Chẳng hạn,  giá của nhóm thuốc thông thường giá rẻ nhưng có tên thương mại đã được “biến hóa” thành giá của nhóm biệt dược để đẩy giá thuốc tăng cao thêm 20-30%.  Trò này đã mang lại lợi nhuận “khủng” cho các doanh nghiệp đấu thầu. Biện pháp được kỳ vọng sẽ giảm thiểu tình trạng giá thuốc bị đẩy lên cao sau khi “chạy” lòng vòng qua nhiều khâu trung gian đã được Bộ Y tế thực hiện. Theo đó, bắt đầu từ ngày 1-4-2013, Bộ thí điểm quản lý giá thuốc bằng phương pháp thặng số bán buôn tối đa đối với các loại thuốc do ngân sách Nhà nước và BHYT chi trả tại 9 đơn vị trong cả nước. Việc minh bạch thông tin về giá thuốc trúng thầu sẽ được công khai đưa lên mạng và công bố giá phổ biến để các địa phương so sánh. Theo Trưởng ban Dược và Vật tư y tế, giải pháp này sẽ thu hẹp biên độ dao động giá của các loại thuốc đấu thầu sử dụng trong các cơ sở y tế được Quỹ BHYT thanh toán. Năm 2013 này, BHYT Việt Nam sẽ tiếp tục đưa ra mức giá phổ biến với khoảng 500 thuốc thành phẩm. Đây là cơ sở để các hội đồng duyệt giá trúng thầu giảm tình trạng thuốc bị “thổi” giá quá cao gây bất lợi cho người bệnh.

Bước đầu ghi nhận, giải pháp của ngành  y tế và BHXH đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của các đơn vị thí điểm. Đừng để người bệnh phải chịu thiệt đơn, thiệt kép! Có tới 60% trong tổng số 40.000 tỷ đồng chi cho khám chữa bệnh là để mua thuốc, chỉ cần tiết kiệm được 1-2% từ khoản chi khổng lồ này sẽ có thêm  nhiều người được chữa bệnh. Nếu không “trị” tận gốc giá thuốc cao phi lý thì người bệnh còn bị “móc túi” vô tội vạ mà không biết kêu ai.