Trì hoãn đến bệnh viện vì sợ Covid-19, nhiều bệnh nhân cao tuổi biến chứng nguy kịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện thời gian này giảm khoảng 30% nhưng số ca nặng lại tăng lên, đặc biệt có trường hợp người cao tuổi tử vong vì trì hoãn đến viện sớm...
Khám bệnh cho người cao tuổi trong mùa dịch Covid-19

Khám bệnh cho người cao tuổi trong mùa dịch Covid-19

Mới đây, tại Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ghi nhận một bệnh nhân nam (85 tuổi, ở TP.Hà Nội) tử vong do đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Đáng nói, bệnh nhân có biểu hiện bệnh trở nặng khoảng một tuần trước khi nhập viện nhưng do sợ lây nhiễm COVID-19 tại cơ sở y tế nên đã trì hoãn, mãi khi có tình trạng thở ngáp, nguy kịch gia đình mới đưa đến viện.

“Khi tiếp nhận người bệnh từ Trung tâm Cấp cứu 115 chuyển đến, bệnh nhân đã ngưng tuần hoàn khoảng 20 phút. Sau nỗ lực cấp cứu hơn 15 phút thì tuần hoàn của bệnh nhân được tái lập và tiếp tục hồi sức tích cực. Tuy nhiên, một ngày sau, bệnh nhân đã tử vong vì suy đa tạng” - PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực của bệnh viện Đại học Y chia sẻ.

Cũng tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ở đợt dịch trước đó cũng ghi nhận một bệnh nhân ngoài 70 tuổi (địa chỉ tại TP.Hà Nội) đến viện trong tình trạng rất muộn, suýt nữa đã không qua khỏi. Bệnh nhân này có biểu hiện đau ngực, tăng huyết áp vài ngày nhưng kiên quyết ở nhà, dùng các loại dầu để xoa bóp. Tới lúc không thể chịu được, bệnh nhân chuyển tới viện thì đã bị nhồi máu cơ tim...

Theo bác sĩ Hoàng Bùi Hải, những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân giảm khoảng 1/3 so với bình thường. Lượng bệnh nhân giảm có một phần từ tâm lý sợ dịch nên hạn chế tới bệnh viện, ngay cả trong nhiều tình huống phải cấp cứu.

Thực tế, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, ngành y tế cũng khuyến cáo người dân hạn chế đến các cơ sở tập trung đông người khi không thực sự cần thiết, người bệnh nhẹ có thể chăm sóc tại tuyến dưới. Song với các bệnh nhân diễn biến nặng, nhất là người già có sức đề kháng yếu, nếu thấy dấu hiệu bệnh chuyển nặng vẫn cần phải đến viện điều trị kịp thời.

Bác sĩ Hoàng Bùi Hải khuyến cáo, tình hình dịch COVID-19 phức tạp rất nguy hiểm với người có bệnh nền, nhất là người bệnh cao tuổi vì đây là đối tượng có nguy cơ tử vong cao hàng đầu nếu dương tính.

Vì thế, bệnh nhân nên giữ liên lạc với bác sĩ để có thể tư vấn trong điều kiện cần thiết. Khi có biểu hiện như: khó thở, tức ngực, đi ngoài ra máu, đau bụng dữ dội… thì không thể ở nhà mà buộc phải tới bệnh viện để được cấp cứu kịp thời, không nên quá hoang mang, lo sợ về việc đến bệnh viện có thể nhiễm COVID-19.

Hà Nội xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại nhà

Về vấn đề này, Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở đã giao Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chỉ đạo Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã của thành phố thường xuyên tổ chức thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; đổi mới hình thức tuyên truyền phổ biến kiến thức về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng bệnh phù hợp với diễn biến dịch Covid-19.

Trong đó, Trung tâm Y tế các quận huyện của Hà Nội thường xuyên hướng dẫn người cao tuổi các kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe tại nhà; Khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi tại Trạm Y tế và tại nơi cư trú của người cao tuổi; hướng dẫn các cộng tác viên xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; theo dõi, ghi chép tình hình sức khỏe của người cao tuổi được phân công...