Nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sỹ:

Tri ân những anh hùng

ANTĐ - “Anh tôi hy sinh đã 40 năm, nỗi đau chiến tranh cướp mất người ruột thịt trong gia đình cũng đã vơi dần. Vậy mà không ngờ, đến bây giờ các anh vẫn còn nhớ. Thế mới biết, cái tình đồng ngũ, cái nghĩa đồng đội nặng thế nào”. Câu nói từ đáy lòng của anh Nguyễn Văn Chiến, em ruột Anh hùng lực lượng vũ trang, Liệt sỹ công an Nguyễn Văn Uân khiến cả đoàn công tác chúng tôi nghẹn ngào…

Đại diện Báo ANTĐ và CAQ Hai Bà Trưng tặng quà gia đình anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Uân


Nhớ những người ngã xuống

Trong danh sách những liệt sỹ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của UBND phường Bạch Mai, quân Hai Bà Trưng có một cái tên khiến người ta chú ý: anh hùng Liệt sỹ Nguyễn Văn Uân, quê quán xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Chú ý bởi đây là liệt sỹ duy nhất của phường được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngay sau khi anh hy sinh.

Bác Hà Đình Thung, nguyên cán bộ Công an quận Hai Bà Trưng vẫn còn nhớ như in những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh phá hoại 12 ngày đêm miền Bắc của không quân Mỹ. Ông kể: Tôi vẫn còn nhớ đó là ngày 28-12-1972, lúc đó trận Điện Biên Phủ trên không của ta đã sang ngày thứ 10. Cả Hà Nội lúc này tan hoang vì bom Mỹ. Tôi và đồng chí Uân được giao nhiệm vụ bảo vệ nhân dân, bảo vệ tài sản và giúp đỡ bà con tránh bom mỗi khi có báo động. 13h hôm đó, thành phố lại kéo còi báo động. Sau khi đưa đồng bào xuống hầm trú ẩn tại khu phố Mai Hương xong xuôi, anh Uân mới chịu nhảy xuống một chiếc hố cá nhân gần đó.

Sau đợt tấn công của máy bay cường kích là hàng bầy B52 kéo tới. Bom tấn, bom tạ, bom bi các loại thi nhau trút xuống. Mỗi chiếc B52 mang theo 35 tấn bom. Và một quả bom trong số đó đã rơi ngay trước cửa ngôi nhà mà đồng chí Uân đang trú gần đó. Sau tiếng nổ kinh hoàng của quả bom B52, từ phía ngôi nhà bỗng vang lên tiếng khóc của con trẻ. Nghe tiếng khóc xé lòng, từ hố cá nhân, anh Uân chồm dậy lao về phía ngôi nhà. Kéo được bé gái đang gào lạc cả giọng vì sợ hãi từ gầm giường ra, anh Uân cắp cô bé vào nách rồi khom người chạy về nơi trú ẩn. Nhưng đã quá muộn, anh chỉ kịp thả cô bé xuống hố cá nhân thì một quả bom khác nổ ngay bên sườn. Bác Thung rưng rưng: “Tôi chỉ kịp nhìn thấy Uân lảo đảo, máu ướt đẫm bộ sắc phục kaki rồi sau đó chính tôi cũng tối tăm mặt mũi vì hàng loạt bom cùng đất đá rơi rầm rầm xuống đầu. Năm ấy anh Uân mới 24 tuổi”.

Món quà của nghĩa tình

Em bé được cứu sống, nhưng chiến sỹ công an Nguyễn Văn Uân đã ra đi. Cuộc chiến hôm đó khốc liệt đến nỗi phải đợi đến nửa đêm, ngớt bom mới đưa anh đi mai táng được. Câu chuyện về người chiến sỹ công an quên mình cứu dân - theo bác Thung - sau đó đã được Sở Công an Hà Nội phát động thành tấm gương để mọi chiến sỹ học tập. 40 năm sau câu chuyện này với Công an quận Hai Bà Trưng vẫn còn nguyên ý nghĩa lịch sử. Bằng chứng là UBND quận, Công an quận Hai Bà Trưng, UBND, Công an phường Bạch Mai và Báo An ninh Thủ đô đã về thăm, thắp hương và tặng quà cho gia đình anh hùng liệt sỹ Uân để tưởng nhớ người con đã hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc.

Món quà đoàn công tác gửi tới gia đình liệt sỹ Uân, chỉ hơn 20 triệu đồng, nhưng cũng khiến Trung tá Nguyễn Văn Tâm, em ruột liệt sỹ Uân hiện đang công tác tại Công an huyện Văn Yên rưng rưng nắm tay Thượng tá Nguyễn Việt Cường - Phó Trưởng Công an quận Hai Bà Trưng: “Điều xúc động nhất là ngay cả những thế hệ sau của đơn vị anh tôi vẫn nhớ đến người đã nằm xuống. Đó là niềm động viên lớn nhất cho cả gia đình, nhất là trong dịp cả nước đang hướng tới 65 năm kỷ niệm Ngày thương binh liệt sỹ”.

Cũng trong chuyến về thăm gia đình liệt sỹ Uân, đoàn công tác chúng tôi ghé thăm UBND xã Yên Phú và trao tặng hơn 50 suất quà trị giá mỗi suất 200.000 đồng cho các gia đình thương binh, chính sách của xã. Nói về việc làm mang ý nghĩa “uống nước nhớ nguồn” này, Thượng tá Nguyễn Việt Cường chia sẻ: “Món quà chúng tôi mang đến nhân dịp 27-7 chẳng thấm vào đâu so với mất mát những người anh, người cha của chúng ta đã bỏ ra suốt tuổi thanh xuân vì đất nước. Nhưng đó là tất cả những gì mà những người lính chúng tôi có thể san sẻ với đồng đội”.