Trên lưng trời có... “hội”

ANTĐ - Đêm trăng ngàn ở Lao Chải dường như sáng hơn mọi bận. Ánh trăng tỏ rõ từng gương mặt trẻ thơ lem luốc hội tụ ở sân trường. Có lẽ, hiếm khi bản và trường học được vui như hôm nay. Một đêm trăng đặc biệt, đổ tất cả ánh sáng xuống sương mờ phủ lên từng nấc thang núi ở Mù Cang Chải, Yên Bái.

Các em học sinh Trường THCS Lao Chải phấn chấn về những đồ dùng được gửi tặng


Đem niềm vui đến tận tay

 “Nhiều ô tô quá!” - tiếng học sinh xôn xao, lạ lẫm khi đoàn xe chở hàng đỗ xịch trên sân trường. Những ánh mắt lạ lẫm, mang theo trong ánh mắt là những câu hỏi, họ lên đây làm gì mà nhiều xe thế? Miền rẻo cao, quanh năm chỉ có núi chắn tầm mắt và mây bám vào gót chân ngựa. Đêm nay, giữa rừng già thâm u trên cao độ 1.300m so với mực nước biển, lại xuất hiện những đoàn xe ô tô mang lặc lè hàng hóa, thì quả là điều kỳ diệu và lần đầu tiên có ở Lao Chải bản xa!

Xe đỗ chật sân trường. Bọn trẻ vây kín rồi xuýt xoa. Cái này đẹp quá! “Các em, đứng xa để các chú làm việc” - thầy hiệu trưởng trường THCS Lao Chải - Nguyễn Xuân Trường nhỏ nhẹ. Thầy nói vừa dứt lời, đứa khác lại hô toáng lên, cái này bánh to hơn. Ở những nơi chỉ nghe tên bản thôi đã thấy vời vợi, cao chon von, như Háng Gàng, Hú Trù Lìn, Dào Cu Nha, Tà Tê... thì đây là lần đầu tiên có ô tô con vào tận bản. Xe đi đến đâu, trẻ chạy theo sau xem đến đó, người lớn đang cuốc đất bên nương dừng lại nhìn cho đến khi xe khuất, bà mẹ đang cho con bú dán mắt nhìn theo đoàn ô tô ngang qua bản. Lần đi đến những địa danh này, đoàn công tác từ thiện mong muốn hỗ trợ giáo dục cho những trẻ vùng cao nhân những ngày đầu khai trường. Những món quà nào sách vở, mực bút, cặp... ngoài đồ dùng học tập, đoàn còn mang theo chăn ấm - trong đó có 200 chiếc chăn bông do Báo An ninh Thủ đô gửi tặng và gạo ngon để giúp các em học sinh ở bán trú dài thêm những ngày học tập ở trường mà không phải vượt núi cao về bản xin gạo từ gia đình.

Bản Lao Chải vui như được mùa thảo quả. Trước khi đoàn xe lên, cả bản mang cuốc xẻng lấp ổ trâu, ổ voi để xe không bị sa lầy. Thầy Trường cũng vui lắm. Thầy vui vì được nhận tình cảm, quan tâm từ những người bạn, người đồng nghiệp, và các em học sinh ở miền xuôi. “Ở nơi này món quà nào cũng quý. Các em còn thiếu thốn, thiếu cái ăn, đồ dùng học tập... Điểm trường Lao Chải 1, và 2 được cho là “trung tâm” của những điểm còn lại. Song, để đến được với điểm chính này thôi, tôi đã thấy được tấm lòng của các anh chị thật là chu đáo” - thầy Nguyễn Xuân Trường bày tỏ.

Trời nhá nhem tối cũng là lúc những chuyến hàng chuyển đến trường Lao Chải đã gọn ghẽ trong phòng. Thầy Nguyễn Xuân Trường để ngăn nắp sách vở, chăn màn theo từng món. “Mùa đông này các em sẽ ấm áp hơn. Ở trên núi cao mùa này đêm bắt đầu lạnh rồi, giữa mùa đông thì lạnh rụng tai” - thầy Trường cảm động. Ngoài sân trường sương đã xuống, đám trẻ vẫn bám quanh những chiếc xe ô tô.

“Khu bếp” của học sinh nội trú Lao Chải

“Du học” ở Lao Chải

9h sáng, khi tôi đang đứng ngoài cổng trường đợi đoàn mang hàng đến điểm trường Háng Gàng đã thấy một học sinh mang nồi cơm ngang qua. Đó là Lý Tả Chìn, học sinh lớp 8 trường THCS Lao Chải. Em nấu cơm cho bữa ăn trưa để học ca chiều. Bữa cơm của Chìn như thường lệ, chỉ có cơm... không. Chìn và 2 bạn khác nấu chung và cùng ăn. Giờ ăn, chẳng cần bát đũa mà là mỗi đứa múc một môi, cứ lần lượt thế cho đến hết nồi cơm. Lý Tả Chìn chỉ cho tôi “khu bếp” của học sinh bán trú. Phải đi vòng vèo xoáy chôn ốc xuống núi khoảng 100m thì đến “bếp”. Gọi là bếp là vì nó dùng để đun nấu chứ thực ra nó là căn lều trống huếch, lụp sụp không vách. Bọn trẻ kê vài viên đá, đặt nồi nấu góc nào cũng được, tùy ý thích. Nhìn nồi cơm trắng ngà, gương mặt thơ ngây nhọ nhem mà lòng như chùng xuống. “Như thế này là tốt hơn ở nhà rồi ạ” - Tả Mẩy, một học sinh lớp 7 trả lời khi được hỏi. Hầu hết những bữa cơm của các em chỉ có cơm. Nhiều bữa “sang” hơn thì có thêm bột canh, muối hoặc rau cải. Các em tự cải thiện bằng rau rừng kiếm được. Những mầm măng chưa lớn, những hoa chuối đã già cũng có thể là thức ăn của các em.

Ở miền rẻo cao, cái nghèo đói, cái khó khăn đã làm cho những đứa trẻ chưa kịp lớn đã phải già, vừa học vừa phải lo toan đủ thứ. Cái khó đã rèn luyện tính tự lập của các em học sinh vùng cao thì phải, có lẽ đức tính này những trẻ cùng tuổi ở vùng xuôi thật khó có được. Từ khi em đi học bố mẹ đã đến trường thăm em lần nào chưa?. “Không đâu. Còn ở nhà đi nương. Bố còn bảo về đi bẻ bắp. Lớp học xa lắm! Đi học thì ngô bỏ trên nương à? - Tả Mẩy rụt rè nói. Lớp học cách nhà Tả Mẩy chừng 20 cây số đường ngựa đi. Em đi học đến khi hết gạo lại đi bộ về nhà xin bố mẹ. Ngày khai giảng vừa qua, Tả Mẩy cho cậu em trai 4 tuổi “hạ sơn” để xuống Lao Chải học mẫu giáo. Sáng đưa em đi học, chiều đón em về nơi bán trú. Vất vả hơn, nhưng cũng may lớp học của Tả Mẩy và lớp học của em ở gần nhau. Thế nên khi nào em đói thì chị mang cơm nguội cho em ăn. Tan học, Tả Mẩy đón em về nơi bán trú...

Chưa đêm nào trăng đại ngàn lại sáng như hôm ở Lao Chải. Cả bản đến sân trường, các em học sinh thì lần đầu tiên được chơi trăng và nhận những phần quà đầy ý nghĩa. Đã qua ngày khai trường gần 10 ngày, vậy mà có em mới được cầm trên tay những tập sách, những hộp bút lần đầu tiên nhìn thấy. Vùng rẻo cao là những nơi con chữ khó khuất phục đói nghèo nên việc học hành của các em là chuyện thật dài và gian nan, vất vả. Thầy, cô giáo vận động các em đến lớp đủ cũng là sự công phu khó gì sánh được.

Những ngày ở Lao Chải, ghi nhận được những nỗ lực của thầy cô và chính bản thân sự tự lập của các em, sự vượt khó của các em đã là thành quả của tất cả những tấm lòng hướng đến các em, hướng đến nơi gian khó một cách chân thành.

Tôi được biết, trong đoàn xe đi Mù Cang Chải đều là những người chung một sở thích. Họ mê chơi xe hơi. Độ xe hơi để chinh phục những cung đường gian khó. Để làm gì? Để khám phá, để hiểu được những điều khó, vùng khó trên lãnh thổ Việt Nam. Những chuyến như thế, là những lần thực tế để hiểu về cuộc sống đồng bào, để họ suy nghĩ và hành động về những điều tốt đẹp nhất. Những tình cảm thiết thực được họ chiết ra từ những chuyến tận cùng của nơi nghèo khó. Để rồi, khi trở về họ vận động các thành viên thiện nguyện chung tay đóng góp gửi tặng các em ở những vùng khó. Lần đi nào cũng chung mục đích là khám phá, chia sẻ để bản làng nghèo bớt khó hơn.