Trên 95% lao động đã làm việc bình thường

ANTD.VN - Tại các khu công nghiệp - khu chế xuất trên địa bàn Hà Nội, hầu hết công nhân, người lao động đã chủ động trở lại làm việc ngay từ những ngày đầu xuân.

Sau 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đã trở lại làm việc ổn định. Tỷ lệ công nhân quay lại nhà máy khá cao, không khí lao động khẩn trương, tích cực ngay trong những ngày đầu năm mới.

Trên 95% lao động đã làm việc bình thường ảnh 1Người lao động trở lại làm việc đầy đủ ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. ẢNH: PHÚ KHÁNH

Doanh nghiệp thở phào

Sau Tết, chuyện công việc đình trệ, nhiều doanh nghiệp, nhà máy không tuyển đủ lao động vì lý do tháng Giêng - tháng ăn chơi vốn là nỗi lo thường trực. Năm nay, nhiều doanh nghiệp thở phào vì số lượng công nhân trở lại làm việc gần như tuyệt đối. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết, tính đến chiều 3-2, gần 100% các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp - khu chế xuất trên địa bàn thành phố đã trở lại làm việc bình thường với số lao động làm việc trên 95%. 

Khác với mọi năm, dù kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay ngắn hơn nhưng tỷ lệ công nhân trở lại làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp khá cao. Theo báo cáo nhanh của các doanh nghiệp tại khu công nghiệp - khu chế xuất Hà Nội, sau Tết tình trạng thiếu hụt lao động không đáng kể.

Tại nhiều nhà máy, không khí ngày làm việc đầu năm mới đã rộn ràng trở lại. Người lao động đi làm sớm hơn ngày thường để gặp gỡ, chúc nhau năm mới sức khỏe, thuận lợi trong công việc và cuộc sống. Ngày đầu tiên đi làm, các công ty thường bố trí giờ làm muộn hơn để lãnh đạo công ty có thời gian gặp gỡ, chúc Tết và mừng tuổi người lao động. Việc người lao động trở lại làm việc ổn định sau Tết xóa bỏ lo lắng về việc thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, hiện nay, chưa có doanh nghiệp nào thông báo số lao động bỏ việc sau Tết, chỉ có một số lao động quê xa xin nghỉ thêm phép năm hoặc gặp khó khăn về tàu xe nên chưa trở lại làm việc kịp. Dự kiến, số lao động này sẽ trở lại làm việc vào ngày thứ hai, 6-2 tới. 

Tỷ lệ công nhân trở lại làm việc cao thể hiện sự gắn bó của người lao động với doanh nghiệp. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, bên cạnh phân công nghỉ Tết hợp lý, các doanh nghiệp sẵn sàng chi trả cho người lao động mức lương cao hơn trong ngày nghỉ, tạo động lực cho công nhân sớm quay lại làm việc. Tình hình biến động lao động sau Tết ở các doanh nghiệp thấp, hoạt động sản xuất ở các nhà máy, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố không bị đảo lộn.

Hết “đứng núi này, trông núi nọ”

Lý giải về tỷ lệ công nhân trở lại làm việc sau Tết ổn định, ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp - khu chế xuất Hà Nội cho rằng, thực tế này phản ánh những chuyển biến tích cực trong chính sách giữ chân người lao động. Các doanh nghiệp đã ý thức được việc giữ chân người lao động bằng việc thay đổi các chính sách đãi ngộ, chú trọng đến các vấn đề an sinh xã hội, có lợi cho người lao động.

Đánh giá dựa trên báo cáo của các doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết, những năm gần đây, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã có nhiều hoạt động nhằm giữ chân người lao động từ trước Tết như đảm bảo công việc ổn định, lương và phúc lợi xã hội được cải thiện, chăm lo Tết chu đáo tới từng lao động có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ đưa và đón miễn phí lao động trước và sau kỳ nghỉ Tết. Năm nay, người lao động có mức thưởng Tết ổn định, tại nhiều doanh nghiệp cao hơn so với năm trước, khuyến khích người lao động gắn bó với công ty hơn.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia lao động, việc thiếu hụt lao động sau Tết vẫn sẽ xảy ra ở một số doanh nghiệp sản xuất với quy mô nhỏ lẻ hoặc một số ngành nghề đặc thù như: dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản. Đặc biệt, là những ngành nghề sử dụng nhiều lao động thời vụ, có hợp đồng làm việc từ 3-6 tháng, lao động bán thời gian như: nhân viên nhà hàng - khách sạn, giao hàng, sửa chữa xây dựng, dịch vụ giúp việc gia đình… Đối với các khu công nghiệp - khu chế xuất, một vài năm trở lại đây, người lao động có công việc ổn định, mức lương hấp dẫn nên phần lớn công nhân lao động không còn tư tưởng “đứng núi này, trông núi nọ” mà thường xác định gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.