Trên 1.600 lái xe 'nhậu' xong vẫn điều khiển phương tiện, đã bị Cảnh sát giao thông Thủ đô xử lý

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sử dụng rượu bia nhưng vẫn tham gia giao thông không khác gì kẻ giết người hàng loạt, điều này đã được nhìn thấy từ những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trên cả nước trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, không ít người vẫn chưa nhận thức được nguy cơ này, nên vẫn cầm lái dù trong cơ thể có cồn. Chỉ trong 1 tháng vừa qua, đã có hơn 1.600 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn bị xử lý, cho thấy sự quyết liệt của lực lượng Cảnh sát giao thông CATP Hà Nội về vấn đề này.

Sáng 27-7, Công an thành phố Hà Nội tổ chức sơ kết 1 tháng triển khai, thực hiện Kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông của Bộ Công an và Cục Cảnh sát giao thông. Thượng tá Phạm Việt Công - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an dự hội nghị. Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc CATP Hà Nội chủ trì hội nghị.

Những con số biết nói

Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, sau 1 tháng triển khai cao điểm (từ 20-6 đến 20-7-2022), lực lượng Cảnh sát giao thông - trật tự CATP Hà Nội đã xử lý 27.921 trường hợp lái xe vi phạm các quy định về TTATGT, xếp thứ 2/63 tỉnh thành trên cả nước, sau TP. HCM. Trong đó, 1.616 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 7.194.000.000 đồng; 604 trường hợp vi phạm về tốc độ; 286 trường hợp vi phạm trên lĩnh vực đường thủy nội địa và 1.106 trường hợp vi phạm về quá khổ, quá tải, tự ý cơi nới thành thùng xe.

Đáng chú ý, cũng trong 1 tháng triển khai cao điểm, toàn thành phố xảy ra 72 vụ tai nạn giao thông làm 35 người chết, 49 người bị thương. So với cùng kỳ năm ngoái giảm 27 vụ, giảm 16 người chết và giảm 23 người bị thương.

Hơn 1.600 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, bị lực lượng Cảnh sát giao thông - trật tự, CATP Hà Nội xử lý

Hơn 1.600 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, bị lực lượng Cảnh sát giao thông - trật tự, CATP Hà Nội xử lý

Điều đáng nói, trong số các vụ tai nạn giao thông kể trên, không có vụ nào nguyên nhân liên quan đến người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, tốc độ; không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy và không có vụ nào xuất phát từ phương tiện chở quá tải trọng, quá khổ giới hạn, cơi nới thành thùng.

Qua đó cho thấy, việc đồng loạt vào cuộc xử lý theo Kế hoạch cao điểm của tất cả các đơn vị trong Công an thành phố đã đạt được những kết quả tích cực. Dù rằng, vẫn còn để xảy ra tai nạn giao thông nhưng không đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Để có được kết quả đáng ghi nhận trên, các đơn vị trong CATP, chủ công là Phòng Cảnh sát giao thông đã quán triệt, chỉ đạo 100% cán bộ chiến sĩ nêu cao tinh thần trách nhiệm, chú trọng công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, chủ động xây dựng kế hoạch của từng đơn vị, phù hợp với đặc điểm của mỗi địa bàn quản lý.

Một số trường hợp điều khiển phương tiện chở hàng chục hành khách trên xe, nhưng vi phạm nồng độ cồn vượt mức kịch khung quy định

Một số trường hợp điều khiển phương tiện chở hàng chục hành khách trên xe, nhưng vi phạm nồng độ cồn vượt mức kịch khung quy định

Theo ghi nhận của phóng viên An ninh Thủ đô, vi phạm liên quan đến nồng độ cồn chủ yếu là do thói quen của người dân, nhất là vào mùa nắng nóng, việc tụ tập uống rượu, bia trở nên phổ biến hơn. Ngoài ra, có một nguyên nhân khác còn bắt nguồn từ tập tục văn hóa truyền thống sử dụng bia rượu trong các ngày lễ, Tết…

Không ít trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức Nhà nước. Hoặc nhiều trường hợp khi bị lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý, ngay lập tức "gọi điện thoại cho người thân” để can thiệp, gây khó cho cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ.

Tuy nhiên, các cán bộ chiến sĩ được quán triệt xử lý nghiêm, hoàn toàn không có “vùng cấm”, không có ưu tiên hay chịu bất cứ sự tác động nào từ bên ngoài.

Phải coi Kế hoạch là "chiến dịch dài hơi”

Tại Hội nghị, Thượng tá Phạm Việt Công - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an khẳng định, Kế hoạch cao điểm xử lý vi phạm giao được đánh giá là nỗ lực của toàn Ngành Công an trong việc kiềm chế tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người tham gia giao thông.

“Chúng ta đang làm rất tốt, tôi tin rằng lực lượng Cảnh sát giao thông có thể làm tốt hơn nữa. Các đồng chí phải coi Kế hoạch là "chiến dịch dài hơi", không phải chỉ có cao điểm mới làm và nhất là phải tăng cường tuần tra kiểm soát ban đêm. Vất vả và có thể hy sinh, nhưng quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho người dân, không để vi phạm lắng xuống khi cao điểm, rồi lại bùng lên khi kết thúc cao điểm…” - Thượng tá Phạm Việt Công nhấn mạnh.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội khẳng định, không chỉ cao điểm mà Kế hoạch này sẽ được Công an thành phố triển khai thường xuyên, liên tục

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội khẳng định, không chỉ cao điểm mà Kế hoạch này sẽ được Công an thành phố triển khai thường xuyên, liên tục

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội phân tích thêm, mỗi ngày trên địa bàn thành phố vẫn xảy ra 2-3 vụ tai nạn giao thông. Nếu chỉ làm tốt công tác hướng dẫn, phân luồng thôi chưa đủ, mà còn phải điều tra cơ bản những tuyến, trục đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông để có biện pháp xử lý.

“Công tác nghiệp vụ cơ bản là rất quan trọng, vì vậy, Phòng Cảnh sát giao thông, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an các quận, huyện, thị xã phải thường xuyên đánh giá lại công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình địa bàn, có ngay những phương án phù hợp với đặc thù từng khu vực, tuyến để hoàn thành tốt nhiệm vụ” - Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky đề nghị.

Việc xử lý nghiêm các vi phạm giao thông sẽ giúp kiềm chế tai nan giao thông, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng

Việc xử lý nghiêm các vi phạm giao thông sẽ giúp kiềm chế tai nan giao thông, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng

Hội nghị cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Kế hoạch, trong đó tập trung vào các trang thiết bị kỹ thuật còn thiếu, yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác như: máy đo nồng độ cồn hết niên hạn sử dụng; 11 cân trọng tải, 3 thiết bị đo tốc độ ghi hình ảnh bị hư hỏng…

Ngoài ra, việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định đối với phương tiện cơi nới thành thùng cũng gặp khó khăn do một số tuyến, địa bàn thiếu nhân công, phương tiện hàn, cắt. Hoặc việc các phương tiện dừng đỗ trên đường giao thông để sang tải, hạ tải cũng gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, gây nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông.

Trước sự quyết liệt, đồng loạt vào cuộc của lực lượng Cảnh sát giao thông - trật tự toàn thành phố, thời gian vừa qua, một số chủ phương tiện có các vi phạm trên đã đối phó bằng cách tạm dừng hoạt động để nghe ngóng, hoặc lén lút hoạt động trên cung đường ngắn, cử người cảnh giới để thông báo cho lái xe né tránh điểm tuần tra, cắm chốt của lực lượng chức năng…

Đối với những khó khăn vướng mắc, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky yêu cầu Phòng Cảnh sát giao thông đánh giá, báo cáo cụ thể để khắc phục, đồng thời thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị trong Công an thành phố, không để tình trạng có đơn vị còn lơ là, triển khai chưa hiệu quả.

Đồng chí Phó Giám đốc CATP thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP biểu dương những kết quả lực lượng Cảnh sát giao thông toàn thành phố đạt được sau 1 tháng triển khai cao điểm và khẳng định: "CATP Hà Nội quán triệt thực hiện thường xuyên, liên tục kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, xem đó là giải pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, từ đó giúp người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân khi tham gia giao thông".