Trẻ thấp còi vì... quảng cáo

ANTĐ - Có một nghịch lý là tình trạng suy dinh dưỡng, bệnh tật ở trẻ em nước ta trong những năm đầu đời vẫn chưa được cải thiện, trong khi chế độ dinh dưỡng mà các ông bố, bà mẹ dành cho trẻ đã cải thiện rất nhiều lần.

Bú mẹ hoàn toàn giúp trẻ tránh nguy cơ suy dinh dưỡng

30% trẻ dưới 5 tuổi bị thấp còi

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, tình trạng suy dinh dưỡng nói chung, nhất là suy dinh dưỡng thể thấp còi (SDDTC - chiều cao quá thấp so với tuổi) ở trẻ em nước ta vẫn còn chiếm tỷ lệ cao. Đặc biệt ở trẻ em dưới 5 tuổi, vẫn còn đến gần 30% số em bị thấp còi, tương đương khoảng 2,3 triệu trẻ em trên cả nước. Ông Lê Danh Tuyên - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, tỷ lệ SDDTC được coi là một chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng sinh học của con người và phản ánh sự phát triển kinh tế-xã hội.

Báo cáo của Bộ Y tế chỉ ra, SDDTC bắt nguồn từ tình trạng dinh dưỡng kém trong giai đoạn thai nhi và 2 năm đầu đời. Trong đó, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng và giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn của trẻ, nhưng ở nước ta mới chỉ có 10% trẻ sơ sinh được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Bên cạnh vấn đề về nhận thức, các chuyên gia chỉ ra rằng nguyên nhân sâu xa và có tác động mạnh mẽ dẫn đến tình trạng này chính là các sản phẩm sữa bột hiện vẫn đang được cấp phép quảng cáo một cách rất tràn lan, quá sự thật. Chính Bộ Y tế phải đưa ra nhận định rằng, quảng cáo nuôi trẻ bằng sữa bột trên phương tiện thông tin đại chúng tăng bao nhiêu thì tỷ lệ trẻ được bú sữa mẹ giảm xuống bấy nhiêu.

Quản chặt quảng cáo

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21 năm 2006, trong đó quy định chặt chẽ việc kinh doanh, quảng cáo và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, tuy nhiên vì lợi nhuận, nhiều nhà sản xuất không ngừng quảng cáo về sự ưu việt của sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, khiến không ít các bà mẹ vì muốn con thông minh và phát triển tốt đã lạm dụng quá mức việc cho ăn bổ sung sữa ngoài ngay từ những tháng đầu đời. Thay vì cho con bú, các bà mẹ trẻ cho con mình ăn các sản phẩm dinh dưỡng được sản xuất, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về thể chất, tinh thần cũng như làm giảm sức đề kháng, gia tăng bệnh tật ở trẻ. Theo kết quả điều tra, cứ 100 cơ sở kinh doanh sữa bột, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ thì có tới 70 cơ sở bán lẻ vi phạm, hơn 20 công ty sữa vi phạm về nhãn mác.

Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục ATVSTP, Bộ Y tế phân tích, các doanh nghiệp thường nghiên cứu rất kỹ về Luật Quảng cáo và tìm cách để lách luật nên rất khó cho cơ quan quản lý trong việc không cấp phép quảng cáo cho họ. Nghị định 21 cũng quy định cấm quảng bá sản phẩm thay thế sữa mẹ, cấm bán thức ăn cho trẻ dưới 6 tháng tuổi hoặc sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tại BV, cấm trưng bày sản phẩm thay thế sữa mẹ ở BV, nghiêm cấm cán bộ y tế nhận lợi ích vật chất hoặc sản phẩm có tên, biểu tượng của hãng sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi; cấm hướng dẫn, tư vấn cho phụ nữ sử dụng sản phẩm dinh dưỡng thay thế cho trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi trừ trường hợp cần thiết… Tuy nhiên, theo nghiên cứu vừa được Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc thực hiện tại các BV có khoa sản - nhi ở 63 tỉnh, thành trên cả nước cho thấy, đa phần các bà mẹ thường dùng sản phẩm thay thế sữa mẹ theo lời khuyên của nhân viên y tế. Trước thực trạng đó, nhiều chuyên gia cho rằng cần tăng cường các hình thức xử phạt có tính răn đe cao hơn đối với hành vi vi phạm Nghị định 21 và thường xuyên giám sát.