"Trẻ hóa" nghệ thuật bằng triển lãm trực tuyến

ANTD.VN - Không đến trực tiếp để xem tác phẩm như cách thức truyền thống, bằng một vài thao tác trên thiết bị điện thoại di động, người xem có thể chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật ngay trên màn hình. Nghe có vẻ lạ, nhưng hình thức triển lãm trực tuyến đang mở ra một cách tiếp cận mới mẻ giữa người nghệ sỹ với công chúng yêu nghệ thuật ở Việt Nam. 

Người xem chỉ cần quét mã là có thể chiêm ngưỡng tác phẩm qua màn hình điện thoại

Ngắm tác phẩm trên màn hình

Đến triển lãm “In_ur_screen” (tạm dịch: Trên màn hình), người xem sẽ không thấy bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật nào được trưng bày hay trình chiếu ở đây. Thay vào đó, các tác phẩm đều được mã hóa thành các đường link hay mã QR (mã phản hồi nhanh). Chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh được tải ứng dụng quét mã QR, truy cập được Internet là có thể tiếp cận được với vô số tác phẩm.

Chỉ sau 5 giây, người xem có thể được chiêm ngưỡng một loạt những tác phẩm trong triển lãm. Không phải là những hình ảnh hay khối tĩnh, những tác phẩm được giới thiệu tại đây được thể hiện dưới dạng kỹ thuật số khá lạ mắt. Một chuỗi ảnh động liên tiếp tạo thành ảo giác, hay một trò chơi tương tác dạng kể chuyện trên mạng xã hội Instagram.

Một nhóm tác giả khác thì lại dùng những đoạn Glitch – hiểu nôm na là những hình ảnh người ta thường gặp khi có sự cố hay những lỗi trục trặc trên hệ thống máy tính, điện tử để truyền tải thông điệp về những sự kiện bất thường xảy ra trong cuộc sống. 

Đây có thể nói là lần đầu tiên một triển lãm trực tuyến như thế này được tổ chức tại Việt Nam. Nghệ sỹ Lê Giang, người sáng tạo không gian Six Space, nơi tổ chức sự kiện cho biết: “Ban đầu người xem khá lúng túng khi tiếp cận với hình thức trưng bày này, nhưng chỉ qua một vài hướng dẫn, khán giả có thể truy cập một cách khá dễ dàng. Nhiều khán giả tương đối lớn tuổi nhưng khi đến xem triển lãm, họ lại tỏ ra khá thích thú vì được thưởng thức nghệ thuật theo cách mới lạ”.

Thay đổi cách thưởng thức nghệ thuật hàn lâm

Cao Hoàng Long, tác giả thuộc nhóm Glitch khi tham gia triển lãm cho biết, ưu điểm của mô hình triển lãm này đó là giúp cho người nghệ sỹ có khả năng giới thiệu tác phẩm của mình đến công chúng một cách rộng rãi mà không cần phải đưa khán giả vào trong một “chiếc hộp” trưng bày.

“Không phải ai cũng muốn xem tác phẩm trong một không gian trang trọng, mang tính hàn lâm và toàn những chuyên gia. Nhưng triển lãm này được cho là  gần gũi hơn khi người xem có thể tự do truy cập một tác phẩm theo cách của riêng mình” - tác giả Cao Hoàng Long cho biết. Không những vậy, với cách trưng bày trực tuyến, một tác phẩm khó hoặc không có khả năng di chuyển hay không có công cụ hỗ trợ để trưng bày vẫn có thể đến được với công chúng. 

Cũng theo chị Lê Giang, mô hình triển lãm trực tuyến hay New Media Arts (nghệ thuật đa phương tiện/truyền thông mới) không phải mới được hình thành. Từ 20-30 năm trước, mô hình này đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, như Anh hay Singapore và đã được đưa vào giảng dạy trong các trường đại học.

Nhận định về tiềm năng của mô hình triển lãm này ở Việt Nam, chị Lê Giang cho biết, đây có thể mở ra hướng tiếp cận hoàn toàn mới giữa người nghệ sỹ, tác phẩm và công chúng. Thay vì xem một cách tương đối bị động, khán giả được tự do lựa chọn những gì mình thích, thậm chí gửi những phản hồi tới tác giả. 

Chị Lê Giang cho biết thêm, cách thức này cũng có thể đưa vào các bảo tàng hay triển lãm nghệ thuật để hỗ trợ trưng bày các tác phẩm bằng việc cung cấp thêm những thông số, chi tiết về tác phẩm, nghệ sỹ thay vì chỉ được xem trên mặt phẳng hay hình khối thông thường.

Ngoài ra, nếu cải tiến công nghệ, mô hình này hứa hẹn sẽ mở ra những dự án hấp dẫn như bảo tàng ảo cho phép người xem bước vào một không gian trưng bày mà không cần phải di chuyển đến bất cứ đâu.

“Với mô hình triển lãm trực tuyến này, chúng tôi hy vọng sẽ giới thiệu đến khán giả một cách thưởng thức nghệ thuật gần gũi, không quá hàn lâm, mà qua đó ai cũng có thể sáng tạo cũng như thưởng thức tác phẩm theo cách của riêng mình”.