Trẻ hái nhầm “trái đắng”

ANTĐ - 2 năm trước, bộ sách “Kiến thức cho thiếu nhi” được xuất bản bởi sự liên kết giữa Nhà xuất bản Kim Đồng và Công ty CP Văn hóa giáo dục Long Minh đã từng gây “choáng” cho các bậc phụ huynh khi bày cho trẻ em từ cách gian lận trong thi cử, nói dối cô giáo khi không làm bài tập về nhà và cả cách lăng mạ người khác bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, sự “nhầm lẫn trong khâu biên tập” này chưa là gì khi thời gian gần đây, các loại sách kiến thức, sách tham khảo còn có những “nhầm lẫn” kinh khủng hơn.

Những sai sót giật mình trong sách thiếu nhi

Hậu quả của liên kết 

Chỉ trong một thời gian ngắn, các phương tiện truyền thông liên tục phát hiện sai phạm trong các bộ sách tham khảo dành cho thiếu nhi, từ cờ Trung Quốc cắm trước cổng trường học Việt Nam, có cuốn in cả đường lưỡi bò phi pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam. Có cuốn sách không hiểu quy trình đọc soát biên tập thế nào mà nhầm lẫn ngớ ngẩn về lịch sử nước nhà khi thay vì Ngô Quyền lại dạy học sinh rằng, Lý Thường Kiệt đã đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng.

Chừng ấy ví dụ vẫn chưa phải đã hết về những “trái đắng” của cuộc hôn nhân dưới tên gọi: Liên kết xuất bản. Có sách cho học sinh lớp 1 giải bài toán ““Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao nên bị cụt mất đi hai ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay?”. Có cuốn sách Toán nâng cao cũng dành cho học sinh lớp 1 câu đố khó thế này: “Bạn Bình có 10 cây bút chì màu và có 5 cây bút chì bi. Hỏi bạn Dũng có bao nhiêu bút chì các loại???”. Phụ huynh học sinh, trình độ có cao siêu đến mấy, khi giảng bài cho con vấp phải câu hỏi này chỉ có nước bó tay. Không chỉ sai về những lỗi kiến thức, trong các sản phẩm sách tham khảo còn có vô vàn những lỗi chính tả, không thể chấp nhận được, ví như: “dỗ tổ” (viết đúng là giỗ tổ), cây lêu (viết đúng là cây nêu)… 

Bộc lộ kẽ hở trong quản lý lưu chiểu

1.600 đầu sách là số sách mà một cán bộ thuộc Phòng Quản lý Xuất bản - Cục Xuất bản phải đọc (lưu chiểu) trong một năm. Theo ông Phạm Quốc Chính - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, cho biết mỗi đơn vị sách sau khi được in, kiểm tra chất lượng phải nộp lưu chiểu lên Cục Xuất bản. Sau ít nhất 10 ngày, nếu không vi phạm những quy định của Luật Xuất bản thì sách đó được phép phát hành. Mỗi năm, 12 cán bộ biên chế thuộc Phòng Quản lý Xuất bản tiếp nhận trên 20.000 đầu sách để kiểm tra lưu chiểu, phân loại sách… Nếu làm phép tính đơn giản, mỗi năm một người phải xử lý trên 1.600 đầu sách – đó là một con số khổng lồ.

Cũng theo đánh giá của ông Phạm Quốc Chính, hiện lực lượng chuyên viên làm công tác đọc lưu chiểu còn mỏng, chất lượng đội ngũ biên tập viên ở các NXB cũng rất đáng lo ngại. Trong khi tiêu chuẩn đối với biên tập viên của NXB trong Luật Sửa đổi bổ sung Luật Xuất bản 2008 mới chỉ quy định: “… có trình độ đại học, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về xuất bản và phẩm chất chính trị, đạo đức tốt”. Đã từng có trường hợp, 100 biên tập viên tại một NXB thi lên ngạch BTV chính thức thì số lượng người đủ tiêu chuẩn chỉ có… 2. Đó là chưa kể, để đủ điều kiện dự thi lên BTV chính thức, phải có 9 năm kinh nghiệm công tác biên tập. 

Phân tích về những sai sót xảy ra với một loạt sách phổ biến kiến thức trong thời gian vừa qua, lãnh đạo Cục Xuất bản cho rằng, đó còn là do áp lực cạnh tranh từ thị trường, các NXB “chạy đua” nhằm đưa sách đến tay người đọc “càng sớm càng tốt”. Thêm một lý do nữa là khi nhiều đầu sách chưa kịp phát hành, sách giả đã được in và bán tràn lan. Để cạnh tranh với sách lậu, NXB và đơn vị liên kết đã tự ý cắt xén quy trình. Nhiều NXB chậm trễ, dồn nhiều đầu sách lại nộp lên cho Cục Xuất bản hoặc không nộp vẫn cho xuất bản. Sách đã phát hành cả tháng nhưng bản lưu chiểu… còn chưa đến tay Cục Xuất bản. Một số NXB sau khi nộp lưu chiểu cho Cục Xuất bản cũng không có sự thông báo lại có phát hành hay không. Việc thiếu liên kết giữa các NXB và Cục Xuất bản, cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động xuất bản khiến cho việc quản lý số lượng và nội dung sách được phát hành trên thị trường còn thiếu triệt để. 

Rõ ràng, việc quản lý nộp lưu chiểu lâu nay cũng bộc lộ nhiều kẽ hở khi chưa có hình thức xử phạt đủ mạnh đối với những đơn vị chậm trễ hoặc cố ý làm trái quy định như đã nêu ở trên. Ông Phạm Quốc Chính cho rằng, đối với những sai phạm trong việc nộp lưu chiểu bên cạnh việc sớm bổ sung Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xuất bản cần có những biện pháp nặng tay hơn như tước giấy phép, đình chỉ hoạt động của các NXB, các đơn vị liên kết. Để tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý hoạt động xuất bản, cần phải làm rõ hơn nữa trách nhiệm của giám đốc, tổng biên tập các NXB, đối tác liên kết cũng như biên tập viên tham gia kiểm tra nội dung sách.

(Còn nữa)