Trẻ em bị buôn bán sau những trận thiên tai

ANTĐ - Trong vai một doanh nhân tìm trẻ giúp việc nhà, một phóng viên báo The Sun (Anh) đã phanh phui đường dây buôn người, nhằm vào trẻ mồ côi sau trận động đất ở Nepal cũng như con cái trong những gia đình nghèo khó ở Ấn Độ. Những bé trai, bé gái khoảng 10 tuổi được bán đến Anh với giá 500.000 rupee (khoảng 5.250 bảng) để làm việc không lương. 

Trẻ em bị buôn bán sau những trận thiên tai ảnh 1

Những đường dây băng nhóm buôn người

Makkhan Singh công khai thừa nhận mình là người đứng đầu đường dây buôn bán trẻ em sang Anh và đã có thâm niên 8 năm trong nghề. “Bọn trẻ Nepal là những người giúp việc nhà chu đáo, lại biết nấu ăn ngon”, Singh “chào hàng”. Theo Singh, hiện Ấn Độ tràn ngập các bé trai Nepal theo dòng người đổ về đây sau trận động đất, vì thế mà việc mua bán trẻ em ở đây diễn ra rất đơn giản, nhanh gọn. Gã chỉ cần đến các gia đình nghèo, thỏa thuận việc mua bán.

Tờ The Sun tiết lộ, bọn buôn người giam lỏng lũ trẻ, huấn luyện các em làm việc nhà trong thời gian chờ giấy thông hành, có khi kéo dài đến vài năm. Hành trình cuối cùng là đưa các em đến Anh như trẻ mồ côi được nhận làm con nuôi hay trẻ giúp việc nhà hợp pháp của các thành viên trong đường dây.

Khi phóng viên tờ The Sun hỏi có “món hàng” nào dưới 10 tuổi hay không, Singh nói “không” và giải thích: “Tuổi đó quá nhỏ chưa thạo việc, lại hay khóc vì nhớ nhà”. Singh cũng cho biết, riêng đường dây của gã có 20 người chuyên cung cấp “hàng”. Vì vậy mà gã thường giải quyết một thương vụ chỉ trong vòng 5-10 phút, rất chuyên nghiệp.

Ngay sau khi tờ The Sun tiết lộ thông tin, Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May đã yêu cầu cảnh sát lập tức điều tra vụ việc này.

Ngoài việc lên án nạn buôn bán trẻ em là “một tội ác ghê tởm”, bà May cũng đã yêu cầu Cơ quan Điều tra tội phạm quốc gia Anh điều tra ngay vụ việc. Bà Theresa May cũng kêu gọi tờ The Sun cung cấp các thông tin đã biết để giúp cơ quan điều tra nhanh chóng triệt phá đường dây buôn người. “Không được để một trẻ em nào trên thế giới bị bắt khỏi gia đình và phải làm việc như một nô lệ. Vì vậy, trong năm 2015 chúng tôi đã ban hành đạo luật chống buôn bán nô lệ mới để tăng cường bảo vệ trẻ em cũng như bỏ tù bọn buôn bán”, bà May nhấn mạnh. The Sun cũng cho biết, hầu hết những đứa trẻ bị bán là nạn nhân sống sót từ vụ động đất 7,8 độ richter vào tháng 4-2015 tại Nepal khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.

Các báo cáo của Trung tâm Tư pháp xã hội Anh cho thấy, việc thực thi pháp luật đã tạo “kẽ hở” cho tội phạm có tổ chức. Điều này dẫn tới nhiều nhóm tội phạm sử dụng các trường đại học “ma”, kết hôn giả, tài liệu giả cùng mạng lưới các luật sư và tài khoản bất hợp pháp để buôn người và sử dụng lao động bất hợp pháp. Ở Anh, không ít các nạn nhân đến từ Liên minh châu Âu đã bị các băng nhóm tội phạm lợi dụng, lừa đảo và phải bán sức lao động để “gán nợ”. Những băng nhóm tội phạm tuyên bố rằng, các nạn nhân đã nợ chúng chi phí đi lại, ăn ở, tài liệu nên phải làm việc để trừ vào tiền mua thực phẩm và chỗ ăn ở.

Bị lạm dụng tình dục

Thật đau lòng khi tình trạng trẻ em bị buôn bán, lạm dụng sau những trận thiên tai không chỉ xảy ra ở Nepal, Ấn Độ mà còn ở một số nơi khác. Hơn 6 năm kể từ ngày xảy ra trận động đất ở Haiti, những tổn thương tinh thần và thể xác vẫn hành hạ những đứa trẻ vô tội. 220.000 người chết, 400.000 ngôi nhà bị phá hủy khiến 1,6 triệu người lâm vào cảnh vô gia cư, 5.000 trường học chỉ còn là những đống đổ nát. “Cháu không an toàn ở đây. Mọi người không tôn trọng nhau. Cháu phải chứng kiến những bạn khác bị lạm dụng tình dục”, Marie Darline (15 tuổi) chia sẻ cảm giác nhiều năm sống tạm bợ tại một trại tập trung.

Đối với những đứa trẻ sống sót sau trận động đất Haiti thì cơn ác mộng kinh hoàng nhất chỉ mới bắt đầu. Nạn cưỡng hiếp không phải quá mới mẻ ở Haiti, nhưng sau trận động đất, nạn cưỡng hiếp ở các trại tập trung tăng 20 lần so với bình thường. Ở một số bệnh viện dã chiến gần các trại tập trung có những nạn nhân chỉ 5-10 tuổi bị cưỡng hiếp tập thể, thậm chí có cả đứa bé mới 2 tuổi. “Một cô bé ở gần lều của cháu bị một nhóm đàn ông cũng sống ở đây làm nhục. Cô bé suy sụp trong thời gian dài vì xấu hổ. Một số nữ nhân viên tình nguyện cũng trở thành nạn nhân bị xâm hại. Ở đây là thế, chẳng có gì thay đổi sau bao nhiêu năm. Cháu không biết ngày mai của mình sẽ ra sao”, Marie Darline kể. 

Lovely (14 tuổi) không sống ở trại như Marie, nhưng em bất đắc dĩ trở thành người giúp việc cho một gia đình để sống qua ngày sau khi bố mẹ qua đời vì động đất. Em thường xuyên hứng chịu những trận đòn của chủ nhà. Lovely là một trong số 225.000 trẻ từ 5-17 tuổi đang giúp việc nhà tại Haiti. “Tôi ngày càng ít thấy ánh mắt tinh nhanh, nụ cười hồn nhiên của các em. Đòn roi và sự tủi nhục đang giết chết tâm hồn thơ ngây của bọn trẻ. Điều này thật đáng sợ. Nguy hiểm hơn đó là khi những kẻ môi giới vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và sẵn sàng “săn” các em như những món hàng. Các em chẳng thể thoát thân”, ông Kevin Novotny, người phụ trách tổ chức Save the Children (Tổ chức cứu trợ trẻ em) ở Haiti nói.