Trẻ con và tiền bạc

ANTĐ - "Cái này bao nhiêu tiền, mai mẹ em sẽ mang tiền đến đền cho nhà trường". Nghe thấy thế, thầy giáo rất giận, đã đuổi An Khánh ra khỏi lớp và báo cáo sự việc lên Ban giám hiệu.

Đi về con. Thời buổi này tiền thì thiếu chứ trường thiếu gì. Về rồi mẹ tìm cho cái trường tử tế mà học.

Vừa nói, người phụ nữ vừa kéo tay thằng con đang học lớp mẫu giáo lớn đi nhanh ra cổng.

Chuyện bắt đầu từ việc An Khánh, thằng bé hiếu động nhất lớp trong lúc chơi đùa đã làm vỡ cái vòng đeo tay của một bạn gái trong lớp. Cô bạn gái òa khóc nức nở chạy đến mách cô giáo. Cô giáo gọi An Khánh lại và yêu cầu xin lỗi bạn nhưng cậu bé bướng bỉnh không nghe theo cô giáo phạt An Khánh đứng úp mặt vào tường.

 

Chuyện chỉ có thế, trước sự chứng kiến của cả lớp thế nhưng không hiểu về nhà An Khánh nói gì với mẹ mà ngày hôm sau, mẹ cậu đến lớp với khuôn mặt tức giận. Chưa hỏi đầu đuôi sự việc, mẹ An Khánh đã làm ầm lên cho rằng cô giáo hành hạ con mình. Trước mặt con trẻ, người phụ nữ ấy còn mở ví rút tiền ra rồi buông những lời lẽ cay nghiệt:

- Ngần này tiền dư sức mua cả chục cái vòng, hành hạ trẻ con như vậy có ngày mang tội đấy.

Cô giáo thấy đau nhói nơi lồng ngực. Hơn 10 năm trong nghề đây là lần đầu tiên cô gặp phải tình huống như vậy. Không cất nổi thành lời, khi mẹ con An Khánh bước ra khỏi lớp, cô ngước đôi mắt ăm ắp nước nhìn theo, buồn vì cách hành xử của một người mẹ có học.

An Khánh không quay lại trường mầm non ấy nữa. Có lẽ người mẹ đó đã tìm cho con một ngôi trường mới theo ý muốn. Mỗi năm lại một lớp học sinh ra trường, đón các bé ở lớp dưới lên, câu chuyện về cậu bé An Khánh không còn nhức nhối nhưng mỗi lần chạm đến, cô giáo vẫn thấy buồn đến nao lòng. Có lúc cô giáo tự hỏi: Có một người mẹ như thế liệu An Khánh lớn lên sẽ như thế nào?

Và đúng vào lúc sắp nghỉ hưu, cô giáo đã có được câu trả lời. Hôm đó, một buổi chiều muộn, lúc đã trả hết trẻ, cô giáo khóa cửa lớp chuẩn bị ra về thì nghe sau lưng cất lên giọng nói: - Dạ, chào... cô giáo ạ. Cô giáo quay lại. Khuôn mặt của người đối diện sau gần 10 năm trời dẫu thay đổi nhiều nhưng cô giáo vẫn nhận ra đó là mẹ của An Khanh. Cô giáo không giấu nổi vẻ ngạc nhiên trong khi mẹ An Khánh ái ngại mở lời xin phép được nói chuyện với cô giáo. Câu chuyện hơi dài dòng, có khi bị ngắt quãng bởi sự im lặng nhưng cô giáo đã hiểu ra mục đích của mẹ An Khánh đến tìm gặp mình là để nói lời xin lỗi vì chuyện của nhiều năm về trước.

Cũng qua lời kể của mẹ An Khánh cô giáo biết được, An Khánh đang bị nhà trường buộc tạm nghỉ học vì những sai phạm trong đó có cả việc hỗn láo với thầy cô. Trong giờ thực hành ở phòng thí nghiệm, vì phật ý với thầy giao An Khánh đã hất đổ cả dụng cụ thí nghiệm. Thầy giao yêu cầu An Khánh thu dọn thì cậu bé vênh mặt lên bảo:

- Cái này bao nhiêu tiền, mai mẹ em sẽ mang tiền đến đền cho nhà trường. Thầy giáo rất giận đã đuổi An Khánh ra khỏi lớp và báo cáo sự việc lên Ban giám hiệu. Nhà trường đã gửi giấy mời bố mẹ An Khánh đến gặp. Lúc về nhà, bố mẹ đã bắt An Khánh viết bản kiểm điểm nhưng mặt An Khánh lạnh tanh:

- Làm vỡ đổ thì đền tiền chứ có gì đâu mà phải viết.

Trong cơn tức giận, bố An Khánh đã đánh con nhưng thằng bé không sợ mà còn thách thức:

- Đã thế, con đếch thèm đi học nữa.

- Thú thật, tôi đã rất ân hận và bị giày vò trong một thời gian dài. Tôi biết mình sai, trăm lần sai, nghìn lần sai trong cách dạy con và cả trong cách ứng xử với cô giáo... Có lẽ vì thế mà con tôi mới thành ra như vậy.

Mẹ Án Khánh vừa nói vừa khóc khiến cô giáo không khỏi bùi ngùi. Xóa bỏ những gì đã bị mẹ An Khanh gieo vào lòng cách đây 10 năm về trước, cô giáo nắm lấy tay mẹ An Khánh an ủi:

Những bài học đầu tiên về cách sử dụng đồng tiền, trẻ không học ở nhà trường mà học ở bố mẹ. Vậy nên để con cái hư hỏng vì tiền, bố mẹ là người có lỗi trước hết. Điều quan trọng là em đã nhận ra cái sai của mình. Để sửa sai cũng cần phải có thời gian, với con trẻ cần cả sự kiên trí khéo léo, sự nghiêm khắc và cả tình yêu thương con nữa.

Mẹ An Khánh dường như đã hiểu ra, chị khẽ gật đầu.