Trẻ con sẽ hư khi bắt đầu hiểu người lớn

ANTĐ - Anh Bùi Quốc Huy (36 tuổi, Bắc Thành Công, Hà Nội) gọi điện cho bạn cả sáng để xin đề thi Văn tốt nghiệp THPT hôm trước.

- Nghiên cứu đề thi làm gì thế anh?

- Đề thi năm nay rất thời sự, thực tế, tôi rất tâm đắc. Nhất là câu thứ 2: viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ về “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội”. Thật vui khi năm nay đề thi có một câu hay và rất thời sự nhưng cũng cảm thấy buồn và thất vọng…

- Vì từ lâu thói dối trá đã hiển hiện trong xã hội chúng ta như một căn bệnh?

- Đôi khi căn bệnh đó được truyền lại từ những thế hệ trước. Nếu người lớn vẫn nói dối không ngượng miệng, cán bộ nói dối mà vẫn ung dung lĩnh lương, thì đừng trách lớp trẻ sao không nói thật.

- Liệu có phải chúng ta đang sống trong môi trường mà biết nói dối, biết tán thưởng, khen tụng mới được lợi?

- Không thể phủ nhận là nhiều nơi đang có tình trạng đó. Không ít người giờ sống chỉ vì lợi ích, tham vọng cá nhân bất chấp tất cả. Họ lừa dối chính bản thân huống hồ người khác... Khổ nỗi dối trá đã quá quen đến nỗi người ta không nhận ra là mình dối trá! 

- Rất nguy hiểm nếu không trị dứt ngay căn bệnh này!

- “Nhà dột từ nóc”! Trong một gia đình nếu cha mẹ luôn thành thật với nhau trong cuộc sống chắc hẳn con cái sẽ không dối mẹ, lừa cha. ở công ty, nếu người đứng đầu không lừa lọc cấp dưới, luôn sống gương mẫu thì nhân viên hoặc công nhân đâu dám dối ai... Chính vì vậy, để trị dứt căn bệnh này, những người lớn, những người lãnh đạo phải biết làm gương từ trong công việc đến cuộc sống và cần có những hình thức quy định xử phạt những sự việc dối trá gây hậu quả nghiêm trọng, như vậy, mới hi vọng có được một xã hội trong sạch. Nên nhớ “Trẻ con sẽ hư khi bắt đầu hiểu người lớn”!