Trẻ ăn dặm sớm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường

ANTĐ - Các nhà khoa học Mỹ cảnh báo, không nên cho trẻ ăn dặm (ăn thức ăn đặc) quá sớm trước 6 tháng tuổi vì nó sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh béo phì, tiểu đường và bệnh celiac làm cho trẻ kém hấp thu.

Một cuộc khảo sát được tiến hành bởi các nhà nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh ở Mỹ đối với 1.334 phụ nữ mới sinh. Họ phát hiện ra rằng, có 93% các bà mẹ trẻ cho con ăn dặm trước 6 tháng tuổi, 40% các bà mẹ cho con làm quen với ăn dặm khi được 4 tháng và thậm chí có 9% cho con ăn dặm khi con được 4 tuần tuổi. Khi các nhà nghiên cứu đặt câu hỏi, tại sao cho con ăn dặm sớm như vậy? Các bà mẹ trẻ đưa ra câu trả lời rằng, con họ đã “đủ lớn”, một số người khác thì sợ con đói, làm theo nhiều người khác hoặc đổ lỗi cho bác sĩ tư vấn.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học còn chỉ ra rằng, những bà mẹ quá trẻ, nghèo và học hành dang dở thường có xu hướng cho con ăn dặm sớm hơn những người khác. Nguyên nhân của tình trạng này cũng được các bà mẹ trẻ giải thích rằng, sữa mẹ không đủ và giá sữa bột thì quá cao cộng thêm những quan niệm sai lầm là trẻ sẽ ngủ ngon hơn nếu được cho ăn thức ăn đặc. Còn các chuyên gia dinh dưỡng Mỹ cho rằng, thức ăn đặc trong thời kỳ cho bé ăn dặm có hàm lượng dinh dưỡng thấp và lượng calo thì cao.

Do vậy, nó chính là nguyên nhân làm tăng nguy cơ trẻ bị béo phì, tiểu đường và bệnh celiac. Ngoài ra, họ khuyến cáo các bà mẹ không nên cho con ăn dặm sớm vì trẻ sẽ bú ít hơn và giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể. Tác giả nghiên cứu Kelly Scanlon cho biết: “Sau khi sinh, các bà mẹ phải được các nhân viên y tế hướng dẫn và hỗ trợ thực hiện lời khuyên của các chuyên gia y tế, nên hoàn toàn nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, và sau 6 tháng hãy bắt đầu cho trẻ ăn dặm”.