Trật tự đô thị nhìn rõ sự tốt lên: “Kỳ tích” không tự nhiên đến

ANTĐ - Sự bài bản, quyết liệt trong xây dựng và triển khai những biện pháp, kế hoạch đã góp phần đem lại chuyển biến tích cực bước đầu về TTĐT ở nhiều tuyến đường, phố. Song, đó là công sức, thậm chí mất mát, hy sinh của lực lượng thực thi nhiệm vụ để đạt được những “kỳ tích” bước đầu trên lĩnh vực này.

Đường thông, hè thoáng trên phố Chùa Bộc, Hà Nội

Hai Cảnh sát trật tự - ngày… 4 ca

Trong 2 tháng trở lại đây, quận Đống Đa đang triển khai thí điểm lập lại TTĐT trên 10 tuyến đường, phố chính. Chiếm 1/3 khối lượng công việc này là phường Trung Liệt, với 3 trục Thái Hà, Chùa Bộc và Tây Sơn. Trưa thứ bảy, 8-12, đi thực tế ở 3 trục đường này chúng tôi thực sự bất ngờ vì sự thông thoáng của các tuyến vỉa hè. Phố Tây Sơn, gần như không có bóng dáng xe máy, xe đạp dựng trên hè. Điều này hết sức hợp lý, vì gần như toàn tuyến vỉa hè ở phố này diện tích rất hẹp; chỉ 1 chiếc xe máy đỗ ngang lập tức người đi bộ sẽ bị… đẩy xuống lòng đường. Sang phố Thái Hà, vẫn tươi mới những nét sơn trắng kẻ dọc chiều dài, cách mép hè bên trong chừng 2 mét, đều tăm tắp. Bên trong vạch sơn là vị trí sắp xếp xe máy, mà như phản ánh của Trung tá Lê Văn Mậu - CSTT CAP Trung Liệt: “Người dân rất ủng hộ cách bố trí xe như thế này; vừa có lối cho người đi bộ, vừa hạn chế được hiện tượng kẻ gian lấy trộm xe máy”. 

Quay lại địa bàn Trung Liệt tối cùng ngày, điều bất ngờ khác được ghi nhận, là phố Chùa Bộc đã hết hẳn “đội quân” quần áo, giày dép, túi mũ “hàng thùng” kinh doanh trên hè. Chừng tháng 6, tháng 7 vừa rồi, phố Chùa Bộc còn “nổi tiếng” bởi hiện tượng chợ đêm trên vỉa hè. Vậy mà nay hết hẳn! Hỏi chuyện Trung tá Lê Ngọc Thanh - Phó trưởng CAP Trung Liệt, được biết, “nạn” chợ đêm chấm dứt được gần 2 tháng nay. Ngay cả những cửa hàng mặt phố cũng giảm hẳn tâm lý tranh thủ kinh doanh ngoài vỉa hè. Cách làm của Trung Liệt được Trung tá Thanh chia sẻ, là nhờ sự kết hợp hài hòa giữa tuyên truyền và nhắc nhở, xử lý, đặc biệt “kéo” vào cuộc của cán bộ đoàn thể. Họp các hộ kinh doanh mặt phố, họp khu dân cư, đề nghị cử người cùng CAP tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý các vi phạm.

 “Đặc thù của công tác đảm bảo TTĐT là phải có lực lượng ứng trực thì mới hiệu quả”, đồng chí Phó trưởng CAP Trung Liệt tâm sự. Trong 2 tháng qua, chỉ huy CAP cùng 2 CSTT và gần 20 đội viên tự quản đô thị, cứ thế đều đặn ngày chia 4 ca, từ 7h30 đến 22h, đi nhắc nhở, kiểm tra, xử lý. Tinh thần làm việc của các tổ công tác là xử lý không cứng nhắc, giải thích có tình, có lý. “Mưa dầm thấm lâu”, chuyển biến đầu tiên đến từ các hộ kinh doanh mặt phố, rồi lan sang những cá nhân từ nơi khác đến từng “mượn” vỉa hè để kinh doanh. Những trường hợp vi phạm bị nhắc nhở mà không chuyển, sẽ bị áp mức phạt lên đến cả triệu đồng. Tinh thần của phường Trung Liệt, chúng tôi bắt gặp ở nhiều địa bàn từng “nóng” khác; như Hàng Bồ (Hoàn Kiếm), Văn Quán (Hà Đông); Minh Khai (Hai Bà Trưng), Đồng Xuân (Hoàn Kiếm)…

Đại úy Vũ Quốc Toản - Phó trưởng CAP Đồng Xuân chia sẻ: “Không tính ban ngày, ca trực đêm của anh em không hôm nào được nghỉ trước 4h sáng”. Khu chợ đêm Đồng Xuân, danh chính ngôn thuận được hoạt động đến 2h sáng. Và ăn theo chợ đêm, 11 tuyến phố ở phường Đồng Xuân, chỉ cần lực lượng chức năng “lơi” phút nào là vô số hàng quán tranh thủ hoạt động. Hơn 10 CSTT, gần 20 tự quản chuyên trách, vậy mà không mấy khi ngơi việc. Chỉ huy phường phải tăng cường CSKV và CSHS vào tuyên truyền, xử lý. Hàng quán, vi phạm manh nha hình thành sẽ được nắm bắt kịp thời, xử lý ngay. Kiên trì, quyết liệt, phức tạp về TTĐT cứ thế dần bị đẩy lùi.

“Cuộc chiến” cam go

Hết sức nhầm lẫn nếu nghĩ rằng, giải quyết TTĐT chỉ thuần túy là tuyên truyền, nhắc nhở và xử phạt hành chính. Có một đúc kết chính xác về đặc thù vỉa hè thế này: nếu như ùn tắc giao thông, khi bị tắc đường này phương tiện sẽ tìm cách đi con đường khác. Ngược lại, đối với TTĐT, khi những người đã chọn vỉa hè để mưu sinh, nghĩa là họ đã không còn “con đường” khác, và bằng mọi cách, họ bám trụ ở vỉa hè! 

Nói như vậy để khái quát tính chất quyết liệt hàng ngày, hàng giờ đối với lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự vỉa hè, lòng đường. Bị “ác cảm” nhất, bị nghe những lời nói thiếu văn hóa, bị phản ứng nhiều nhất, có lẽ, chính là lực lượng CSTT, tự quản đô thị. Trung tuần tháng 11 vừa qua, TAND quận Cầu Giấy mở phiên xét xử lưu động, sơ thẩm vụ án “chống người thi hành công vụ” liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, kinh doanh quá giờ. Bị cáo là Đào Lệ Thủy. Tài liệu truy tố thể hiện: rạng sáng 24-10, tổ công tác CAP Dịch Vọng do đồng chí Bùi Đăng Trung, Phó trưởng CAP làm tổ trưởng, trong quá trình làm nhiệm vụ phát hiện cửa hàng kinh doanh của Thủy tại số 347 đường Cầu Giấy bán hàng quá giờ quy định, lấn chiếm vỉa hè. Sau khi bị nhắc nhở, Thủy vẫn cố tình không chấp hành, lăng mạ lực lượng chức năng. CAP Dịch Vọng kiên quyết lập biên bản, thu giữ bàn ghế vi phạm. Bất ngờ, Thủy lao vào tấn công 1 thành viên trong tổ công tác. Tại phiên xét xử, bị cáo Thủy thừa nhận hành vi vi phạm, và phân trần “vì tiếc số bàn ghế nên mới có hành động như vậy”. 

Một vụ việc xảy ra cách đây không lâu tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. Tổ công tác CAP Ô Chợ Dừa do 1 đồng chí Phó trưởng CAP làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự công cộng tại khu vực vỉa hè tuyến phố Hào Nam. Lúc ấy đã gần nửa đêm; lực lượng chức năng nhắc nhở các hộ kinh doanh dọn dẹp bàn ghế. Tuy nhiên, một quán bún vẫn không chấp hành. Thậm chí, chủ quán còn lăng mạ, chửi bới các thành viên trong tổ công tác. Đỉnh điểm của sự việc là chủ quán đã cùng con trai là Phạm Trung Hiếu đá nồi nước trên bếp lò về phía lực lượng chức năng, làm nước bắn tung vào 1 thành viên trong tổ công tác, gây bỏng nặng ở vùng cổ, ngực. Đối tượng sau đó đã bị CAQ Đống Đa bắt giữ, xử lý…

(Còn tiếp)