Trao yêu thương nhận lấy nụ cười

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tây Bắc hay núi rừng vùng biên viễn luôn để lại nhiều cảm xúc cho những ai đã từng đặt chân đến. Đó có thể là tình yêu về thiên nhiên, là sự cảm thông và chia sẻ gian khó với người dân sở tại. Hành trình 45 năm của Báo An ninh Thủ đô - nơi tôi đã, đang đóng góp bằng tình yêu nghề trong 1/3 chặng đường cũng đầy ắp bao tình cảm như thế!
Phóng viên Báo An ninh Thủ đô trao tặng quà xã hội tình nghĩa đến đồng bào vùng lũ ở Hà Giang

Phóng viên Báo An ninh Thủ đô trao tặng quà xã hội tình nghĩa đến đồng bào vùng lũ ở Hà Giang

Một lần đi là thêm một nỗi nhớ…

Với những người thích xê dịch và đặc biệt đối với nghề báo, ai cũng hiểu rằng cứ rời Hà Nội sẽ dễ dàng và mềm mại hơn trong từng câu chữ. Thứ tình cảm của núi rừng luôn đặc biệt và mang lại cho người yêu thiên nhiên cảm nhận cung bậc khác nhau. Đã từ lâu, Báo An ninh Thủ đô có chương trình hành động xuyên suốt mấy chục năm qua, đó là Quỹ “Bầu ơi thương lấy bí cùng”. Cánh phóng viên chúng tôi, ai đi ít cũng vài lần được trải nghiệm những chuyến đi như thế. Với tình yêu thương của những người chiến sĩ Công an Thủ đô làm báo, luôn trăn trở san sẻ yêu thương vùng đồng bào vùng sâu, vùng xa, khó khăn, thiên tai, bão lũ... - chúng tôi luôn lên đường vào những lúc người dân cần nhất.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng” được hình thành từ những tấm lòng nhân ái với mong muốn giúp đỡ người nghèo vơi bớt khó khăn đi, người gặp hoạn nạn trong thiên tai vượt qua lúc cam go, khổ ải. Niềm tin từ bạn đọc được vun đắp bởi những việc làm cụ thể, bền bỉ qua những chuyến trao gửi, tặng quà. Và cho đến tận bây giờ, hành trình 45 năm với công tác xã hội tình nghĩa bằng tên gọi “Bầu ơi thương lấy bí cùng” đã trở thành cây cầu nối vững vàng, thân thương của người dân, bạn đọc và nhà hảo tâm trên mọi miền Tổ quốc.

Tôi còn nhớ mái trường ở vùng sâu của xã Púng Giắt, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên mang tên “Mái trường An ninh Thủ đô”. Dòng chữ mộc mạc ấy được các thầy trò viết bằng than củi trên tấm gỗ treo ở hàng rào. Cách đây khoảng hơn chục năm, chúng tôi trở lại để trao quà và lắp thiết bị học tập cho các em nhân dịp chuẩn bị ngày khai trường. Cô giáo Nguyễn Thu Hương, phụ trách điểm trường Púng Giắt xúc động rơi nước mắt: “Chỉ là tre nứa giản dị, vách quây bằng ván gỗ, nhưng nếu để một mình chúng tôi dựng lên thì không biết bao giờ các cháu mới có lớp học. Các anh ở mãi Thủ đô mà sao lại thấu hiểu được thầy trò chúng tôi đang rất cần những thứ này!”.

Cơ sở y tế mang tên Trạm xá An ninh Thủ đô

Trong đợt trao quà “Vui Tết cùng người nghèo” ở Lai Châu, tôi bất chợt nhận ra cơ sở y tế mang tên “Trạm xá An ninh Thủ đô” nằm ở cạnh bản xã Mường So, huyện Phong Thổ. Công trình này do Báo An ninh Thủ đô chung tay xây dựng và khánh thành vào năm 2001, nhằm bảo vệ sức khỏe cho bà con dân tộc thiểu số. Nhiều năm sau, mỗi lần chúng tôi trở về vùng này để trao những món quà Tết chung vui với người nghèo mỗi dịp Tết đến xuân về, khi nhắc tên đoàn công tác của Báo An ninh Thủ đô, nhiều người địa phương đều nhớ đến công trình ý nghĩa được xây cất trên vùng đất gian khó, bởi tấm lòng của các chiến sĩ Công an Thủ đô làm báo.

“Mái trường An ninh Thủ đô”

“Chỉ là tre nứa giản dị, vách quây bằng ván gỗ, nhưng nếu để một mình chúng tôi dựng lên thì không biết bao giờ các cháu mới có lớp học. Các anh ở mãi Thủ đô mà sao lại thấu hiểu được thầy trò chúng tôi đang rất cần những thứ này!”.

Cô giáo Nguyễn Thu Hương (Phụ trách điểm trường Púng Giắt, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên)

Khi kể về kỷ niệm sau mỗi chuyến đi, tôi đã gọi điện cho chị Phạm Thị Hương - Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Mường Tè. Đầu dây bên kia, chị Hương rất phấn khởi thông tin về điểm trường do Báo An ninh Thủ đô xây dựng tặng bà con vào năm 2009: “Điểm trường ở xã Pa Vệ Sủ vẫn là công trình dấu ấn và các cô trò luôn treo cờ đỏ sao vàng vào mỗi mùa khai giảng.

Nhiều năm qua, điểm trường đã là nơi gieo con chữ cho những em học sinh trên bản xa, nhiều học sinh sau đó trưởng thành làm công tác dưới huyện”. Khi đó, để đến được với xã Pa Vệ Sủ dựng và khánh thành điểm trường này, chúng tôi phải mất gần 1 ngày trầy trật vượt núi. Bản giữa rừng, đường đi khó khăn, khúc khuỷu, nên việc dựng được điểm trường cho các cháu nhỏ là câu chuyện gian nan. Nhưng cũng chính cái gian khó đó là mục tiêu để Báo An ninh Thủ đô đến tận nơi san sẻ yêu thương.

Lạnh tê tái. Cái lạnh khiến cỏ cây ở vùng địa đầu Tổ quốc Lũng Cú, Hà Giang biến thành những khóm băng trắng xóa. Đúng dịp Tết 2011, tôi được phân công cùng nhà hảo tâm mang 500 bộ quần áo, giày dép, chăn ấm trao tặng các học sinh dân tộc nội trú ở xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ. Trao tặng xong điểm trường này, ngày mai chúng tôi phải đi tiếp trao ở điểm trường thuộc huyện Mèo Vạc.

Nhà báo Đức Tuấn

Nhà báo Đức Tuấn

Do không kịp thời gian, đêm đó chúng tôi phải ngủ lại Cán Tỷ. Đêm biên giới rét buốt da buốt thịt, không giường chiếu, tôi phải ngả tấm bảng gỗ của lớp học ra nằm chống lại cái lạnh mà vẫn không ngủ được. Hôm sau lên đường đến huyện Mèo Vạc, chúng tôi mượn xe máy của Công an huyện Mèo Vạc để vào tiền trạm một ngôi trường tại Khau Vai. Dù lúc đi trời vẫn lạnh tê tái như thế, nhưng do muốn kịp tiến độ, chúng tôi vẫn quyết lên đường sau một đêm thức trắng. Khi quay ra, những cơn gió từ đỉnh núi thổi xuống buốt như quất roi vào mặt...

Và “Tết vui cùng người nghèo” bao giờ cũng là những chuyến đi vào mùa đông và điểm đến là vùng rẻo cao, nơi biên cương có đồng bào khó khăn. Những lần đi ấy, chúng tôi đều mang theo những chuyến xe chở đầy lương thực, thực phẩm, quà Tết, bánh kẹo để trao tặng bà con, với mong muốn người dân nơi đây có mùa xuân sum vầy, ấm áp. Chúng tôi đi để cảm nhận và san sẻ vất vả, trao yêu thương đổi lấy nụ cười ở vùng đất còn nhiều gian khó.

Mỗi lần đi để cảm nhận điều thú vị dù chỉ là địa danh tên đất, tên làng mà khi phát âm như bản tình ca về vùng cao như La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha (Mù Cang Chải, Yên Bái), hay Lản Nhì Thàng, Mồ Sì San, Sì Lờ Lầu, Tung Qua Lìn, Vàng Ma Chải (Phong Thổ, Lai Châu) và Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Toong, Sín Thầu (Mường Nhé, tỉnh Điện Biên)… - Đó chỉ là những cái tên ghi trong nỗi nhớ suốt chặng đường đồng hành 45 năm cùng Báo An ninh Thủ đô mà tôi đã hằng có!