Trao "ngựa" cho Táo quân một cách văn minh

ANTĐ -  Phong tục phóng sinh cá chép trong ngày 23 tháng Chạp (Lễ ông Công, ông Táo) là một nét đẹp trong văn hóa dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, từ nhiều năm nay vẫn tồn tại thực trạng các ao hồ, dòng sông trở nên xấu xí, ô nhiễm vì những túi nilon đựng cá phóng sinh, túi đựng tro vàng mã hay đồ lễ cúng bị vứt lung tung bởi một số người dân kém ý thức.

Trao "ngựa" cho Táo quân một cách văn minh ảnh 1Các tình nguyện viên kêu gọi: Thả cá, xin đừng thả túi nilon

Túi nilon và các đồ thờ cúng bỏ đi là tác nhân gây ô nhiễm môi trường nước, tắc nghẽn cống, gây nguy hại cho thủy sinh dưới hồ, làm mất cảnh quan đô thị. Những địa điểm tại Hà Nội như: cầu Long Biên, cầu Chương Dương, hồ Hoàn Kiếm… là nơi người dân đến thả cá phóng sinh rất đông và vô tư vứt bỏ túi đựng. Trước thực trạng này, một nhóm bạn trẻ đã thành lập dự án mang tên Đường Táo Quân với thông điệp “Thả cá, đừng thả túi nilon” nhằm mục đích tuyên truyền ý thức gìn giữ môi trường đến tất cả mọi người. Hành động tuy nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, giúp cho môi trường Thủ đô trong sạch hơn đã thu hút sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo người dân. 

Ngày 29-1, chiến dịch truyền thông này đã chính thức được phát động tại khu vực cầu Long Biên. Thay vì về quê ăn Tết sớm cùng cha mẹ, các bạn trẻ chia nhau đứng ở các điểm cầu với khẩu hiệu “Thả cá, đừng thả túi nilon” để tuyên truyền, nhắc nhở người dân.

Hoàng Hồng Vi, thành viên của dự án hiện đang học tại trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: “Cũng như những năm trước, ý tưởng và kế hoạch hoạt động của nhóm đã được xây dựng từ cách đây nhiều tháng. Từ khâu thiết kế poster tuyên truyền đến việc phân công thành viên trực tại mỗi điểm cũng cần sự rõ ràng, tỉ mỉ, sao cho vừa gây được thu hút và thiện cảm với người dân, vừa có được sự tác động sâu sắc cần thiết. Ngoài mục đích bảo vệ môi trường, dự án còn thể hiện ý thức của giới trẻ trước các vấn đề xã hội cũng như niềm tin vào khả năng tạo ra sự thay đổi tích cực trong cộng đồng”.

Để có buổi ra quân chính thức này, trước đó 10 ngày các nhóm tuyên truyền đã đứng trực ở các khu vực ven sông, hồ… nơi nhiều người qua lại trên toàn địa bàn thành phố để tạo sự chú ý cần thiết. Ngoài ra, Đường Táo Quân còn có một đội đạp xe mang thông điệp của dự án đi dọc các con phố Hà Nội nhằm quảng bá, tuyên truyền việc gìn giữ môi trường. Đặc biệt năm nay, nhóm bắt đầu vận động người dân ký cam kết hạn chế sử dụng túi nilon.

Một hoạt động khiến nhiều người ấn tượng nhất của Đường Táo Quân, đó là trực tiếp thu gom túi nilon, đồ thờ cúng và hỗ trợ người dân thả cá tại các điểm sông, hồ vào ngày 23 tháng Chạp. Thay vì thả thẳng từ trên thành cầu Long Biên xuống dưới dòng nước khiến cá chẳng thể sống được, các thành viên sẽ giúp người đến phóng sinh trút cá vào thùng nhựa được chuẩn bị sẵn. Sau đó thùng sẽ được chuyển xuống dưới sông bằng dây dù và nhẹ nhàng đưa cá xuống nước. Việc này sẽ hạn chế tối đa túi nilon đựng cá bị vứt xuống sông mà sẽ gom lại, phân loại rồi tập kết ở nơi quy định.

Cô Lê Thị Toàn trú ở phường Phúc Xá, quận Hoàn Kiếm nói: “Tôi ủng hộ những hành động đẹp của các bạn trẻ. Mô hình này rất có ý nghĩa và cần nhân rộng để ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân được nâng cao. Hy vọng, mọi người sẽ cùng hưởng ứng và góp sức để môi trường trong sạch hơn chứ không chỉ riêng dịp ông Công ông Táo”.

Đây là năm thứ ba dự án Đường Táo Quân được thực hiện với sự tham gia của 150 tình nguyện viên và sự phối hợp của một số nhóm tình nguyện khác như: Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, Hội Đồng hương Nam Định… Những lời cảm ơn của người dân chính là niềm vui, động lực để các bạn trẻ cùng nhau hành động và bảo vệ môi trường thủ đô.