Trào lưu "tân thời" và sự thay đổi của phụ nữ Hà Nội xưa

ANTD.VN - Năm 1927, một nhóm các cô gái con nhà tư sản, con các gia đình gia giáo, có nề nếp của Hà Nội thời Pháp thuộc đã thành lập ban kịch “Nữ tài tử”. Họ  tập vở “Trang tử cổ bổn” và diễn tại Nhà hát Lớn. Việc diễn kịch nhằm vào hai mục đích, trước hết là dùng “luân lý mới” để khuyên răn phụ nữ, thứ hai là để lấy tiền ủng hộ đồng bào ở Thái Bình thiếu ăn vì bị bão lụt.

Trào lưu "tân thời" và sự thay đổi của phụ nữ Hà Nội xưa ảnh 1Phụ nữ Hà Nội với kiểu áo dài tân thời

1. Dù chỉ diễn mấy đêm và khán giả hầu hết là phụ nữ, nhưng vở diễn gây tiếng vang lớn trong cả nước. Sở dĩ ban kịch gây tiếng vang vì trong nhiều thế kỷ, phụ nữ Việt Nam dù có vai trò quan trọng nhưng đạo đức Nho giáo lại coi thường họ, buộc họ phải phụ thuộc vào đàn ông theo quan niệm tam tòng, tứ đức.

Các báo thời đó có ý kiến khác nhau, thậm chí xung đột quan điểm về vở diễn này. “Hà Thành Ngọ báo” cho rằng, phụ nữ con nhà gia giáo, phụ nữ có giáo dục không nên vác bộ mặt hoa da phấn lên sân khấu múa may quay cuồng. Tuy nhiên  tờ “Thời báo” lại ủng hộ những chị em đã tham gia đóng kịch, coi đó như “bổn phận đối với bản thân mình và đối với xã hội” và “người ta bất cứ trai hay gái đều có chức vụ tự đào luyện cho nhân cách thực hoàn toàn đủ phát triển được hết tài năng”. Dù các cô gái này không phải mở đầu cho phong trào phụ nữ “tân thời” nhưng họ đã làm phong trào này lan rộng hơn. 

Trước đó, đầu thế kỷ 20, một số phụ nữ Hà Nội đã hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh khởi xướng, có người tẩy răng đen thành răng trắng, đi học chữ Pháp và chữ Việt. Nhiều chị em dám chải tóc ngôi lệch, dù kiểu này bị cho là lẳng lơ, không chính chuyên thay vì kiểu chải ngôi giữa truyền thống. Trong thập niên 20, phụ nữ Hà Nội bắt đầu chịu ảnh hưởng của văn hóa và lối sống phương Tây nhiều hơn. Điều đó là sự thách thức những giá trị đạo đức Nho giáo, đồng thời  khẳng định nhu cầu được thể hiện giá trị cá nhân, mở ra những đấu tranh ban đầu về bình đẳng giới.

Trào lưu "tân thời" và sự thay đổi của phụ nữ Hà Nội xưa ảnh 2Poster quảng cáo của nhà may tân thời Cát Tường thời Pháp thuộc

2. Đầu thập niên 30, phong trào phụ nữ “tân thời” lan rộng khắp Hà Nội. Hình ảnh một cô gái “tân thời” Hà Nội được báo “Phụ nữ Thời đàm” số ra ngày 29-10-1933 mô tả: “Họ ăn mặc và trang sức theo kiểu mới. Quần trắng, áo màu, giày cao gót, để răng trắng, rẽ đường ngôi lệch và nói chuyện với đàn ông bằng tiếng Pháp, thỉnh thoảng viết bài đăng nhật trình, trên danh thiếp có đề chữ nữ sĩ…”. Tuy nhiên bài báo cũng nhấn mạnh: “Gái tân thời phải có học thức mới, tư tưởng mới, giỏi ra nữa phải có cách sinh hoạt mới như thế mới là tân”. Còn báo “Phong hóa” đăng tải ý kiến của chị em: “Chúng em ưa chiếc quần lụa bạch êm mát hơn cái quần sồi dày cồm cộp, trên đó người ta không phân biệt được những giống bẩn thỉu gì, nhưng các cụ bảo sạch vì nó đen…”. 

Trước quan niệm về phụ nữ đang đổi thay, báo “Phụ nữ Thời đàm” (ra đời năm 1930, ban đầu khá bảo thủ và khư khư giữ quan niệm cũ) phản đối “tân thời”, nhưng từ khi ông Phan Khôi làm chủ bút thì báo thay đổi hẳn, họ quay sang ủng hộ “tân thời”, ủng hộ phụ nữ đi nhảy đầm. Dù vậy, một bộ phận dân chúng vẫn phản đối, họ làm vè chế giễu: 

Tân thời chẳng đáng là bao

Hai xu đôi guốc, một hào đôi hoa

Cái quần lĩnh tía hào ba

Cái áo hào rưỡi thành ra tân thời. 

Trào lưu "tân thời" và sự thay đổi của phụ nữ Hà Nội xưa ảnh 3Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

3. Bất chấp phản ứng của một số tờ báo giữ quan điểm Nho giáo theo kiểu “nam nữ thụ thụ bất thân”, không ít các cô dám sánh vai cùng bạn trai tới các rạp chiếu phim, rạp hát. Khi các sàn khiêu vũ xuất hiện ở phố Khâm Thiên, họ đi tập và đến đây khiêu vũ. Một nhóm đông chị em còn mặc quần soóc đi bộ từ Hà Nội vào chùa Trầm và báo chí gọi họ là “Tiểu thư đi bộ”. Lại có số nữ sinh  tham gia đội  hockey (khúc côn cầu) nữ như cô Tân (mẹ ca sỹ Khánh Ly).

Cô Tân cùng nhiều người khác còn dám mặc đồ bơi vùng vẫy ở hồ bơi Quảng Bá. Phong trào tập thể thao của phụ nữ Hà Nội thời kỳ này là biểu hiện quan niệm mới: cái đẹp gắn với sự khỏe mạnh. Con gái “tân thời” không chỉ trở thành đề tài của báo chí mà còn thành đề tài của văn chương. Nhà văn Ngô Tất Tố có truyện ngắn “Cô Kếu tân thời” kể về sự phân vân giữa cái cũ và cái mới của cô Kếu.

Các cô gái Hà Nội trong các cuốn tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn như Mai (trong “Nửa chừng xuân”), Loan (trong “Đoạn tuyệt”) hay các nhân vật nữ trong “Hồn bướm mơ tiên”, “Lạnh lùng”… đã đấu tranh để bảo vệ danh dự và giá trị của bản thân cũng như đấu tranh cho hạnh phúc của mình. Phong trào “tân thời” đã làm cho đường phố Hà Nội mềm mại hơn, duyên dáng hơn. Vào ngày nghỉ lễ hay Tết Nguyên đán, những cô gái duyên dáng trong chiếc áo dài tân thời nhiều màu sắc hoặc thời trang của họ là sự pha trộn  giữa y phục truyền thống với  thời trang Pháp.

Trong nhiều năm, chủ đề “tân thời” và chuyện các cô gái Hà Nội bước ra khỏi ngôi nhà của họ để tham gia các hoạt động đã góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội. Sự tự tin và mong muốn được cống hiến chính là hành trang cho họ bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập sau này.