Trào lưu nuôi gián làm mỹ phẩm và chữa bệnh ung thư, AIDS

ANTĐ - Trào lưu làm kem đắp mặt, dưỡng da và chế thuốc chữa nhiều bệnh liên quan tới viêm dạ dày, u xơ ruột, lao phổi, thậm chí cả ung thư, AIDS… từ những con gián đất đang khiến nông dân Trung Quốc đua nhau xây trang trại, nuôi dưỡng hàng trăm triệu con côn trùng này.

“Thần dược” giá rẻ 

Suốt 10 năm qua, Wang Fuming, 43 tuổi, một nông dân ở Sơn Đông làm giàu từ việc chăn nuôi gián. Ông Wang được xem là người đầu tiên kinh doanh gián lớn nhất ở Trung Quốc và trên toàn thế giới. Hiện ông đang sở hữu 6 trang trại với tổng số hơn 10 triệu con gián. Bên trong trại nuôi gián của ông là hàng trăm tổ côn trùng, được bắt vít với nhau từ trên mái ngói bê tông và xếp thành hàng ngay ngắn trong bóng tối. Các cửa ra vào được giăng lưới, nhưng một số con gián vẫn túm tụm trên trần nhà thấp và không khí nồng nặc mùi hôi đặc trưng của loài gặm nhấm này.

Được biết, ông Wang từng nuôi một loại côn trùng có danh pháp khoa học là Eupolyphaga Sinensis và cũng được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc trong suốt 10 năm. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, nhu cầu về gián đã tăng vọt, nên ông Wang đã chuyển toàn bộ trang trại của mình sang nuôi giống gián Mỹ (Periplaneta americana), vì chúng có giá trị chữa bệnh. 

Sau khi thu hoạch xong, ông Wang đem bán toàn bộ lượng gián thu được cho các công ty dược phẩm và mỹ phẩm châu Á với lợi nhuận không phải là nhỏ. Kể từ năm 2011, ông Wang đã tăng gấp 5 lần hoạt động sản xuất, lên hơn 100 tấn gián mỗi năm và hiện đang thuê 8 lao động. Ông Wang chia sẻ: “Tôi nghe họ nói, bột gián có thể chữa bệnh hói đầu, thậm chí cả AIDS và ung thư”. Trên thực tế, một số công ty thu mua bột gián không thể nói đầy đủ về những thuộc tính kỳ diệu của nó, nhưng vẫn ưa sử dụng nó trong các sản phẩm của mình xem như là một “thành phần bí mật” hay “bí quyết”.

Giáo sư Liu Yusheng ở Đại học Nông nghiệp Sơn Đông kiêm lãnh đạo Hiệp hội Côn trùng tỉnh Sơn Đông cũng khẳng định: “Chúng thực sự là loại thuốc màu nhiệm. Chúng có thể chữa một loạt bệnh và hiệu quả nhanh hơn nhiều các loại thuốc khác”. Giáo sư Liu giải thích, theo y học cổ truyền Trung Quốc, chất chiết xuất từ loài gián có thể trị nhiều bệnh như: ung thư, giảm chứng viêm nhiễm và tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể. Dược sĩ Hy Lạp - Pedanius Dioscorides (thế kỷ I) thậm chí còn khuyến khích dùng gián làm thuốc bằng cách pha chúng với tinh dầu hoặc luộc lên. Trong thập niên 1870, thậm chí người Orlean còn uống trà có gián “luộc” ở trong. Hiện một loại kem làm từ gián đã được sử dụng như thuốc chữa bỏng tại một số bệnh viện Trung Quốc, xác gián còn được dùng làm mặt nạ làm đẹp ở Hàn Quốc. Trong khi đó, một loại si-rô làm từ gián do một công ty dược ở Tứ Xuyên tạo ra lại hứa hẹn chữa nhiều bệnh liên quan tới viêm dạ dày, u xơ ruột và lao phổi. 

Ngoài ra, Giáo sư Liu cũng tiết lộ thêm: “Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề dân số già. Vì thế, chúng tôi đang cố tìm các loại thuốc mới dành cho người già và chúng thường có giá rẻ hơn Tây dược. Ngoài ra, ở đất Sơn Đông này chúng tôi còn có truyền thống ăn côn trùng, nhất là gián”.

Nguồn thu nhập cao

Xiao Zhongwu, một nông dân 49 tuổi cho biết kể từ khi chuyển sang nuôi gián, kinh tế gia đình ông trở nên khá giả. “Gián mới là thứ giúp đưa tới thu nhập lớn. Tiền thu được rất ổn định” - ông Xiao vui mừng nói. Xiao cũng cho biết, ông đã đầu tư gần 200.000 USD vào việc xây một loạt trang trại nhỏ chuyên nuôi gián. Đổi lại, Xiao thu được ít nhất 48.000 USD mỗi năm từ những con côn trùng này và thậm chí là tới 150.000 USD nếu được mùa. Hoạt động chăn nuôi khá đơn giản: chỉ cần giữ ấm và chúng sẽ rất ổn. 

Trước đây, các trại nuôi gián thường hoạt động ngấm ngầm, do phần lớn mọi người không có thiện cảm với loài côn trùng này. Mới đây, nghề nuôi gián bắt đầu được truyền thông nhắc tới nhiều sau sự cố 1 triệu con gián sổng chuồng ở tỉnh Giang Tô hồi tháng 8 vừa qua.

Theo một số nguồn thống kê, hiện có khoảng 100 trại nuôi gián ở Trung Quốc, và chắc chắn con số sẽ tiếp tục tăng thêm. Một chủ trại nuôi gián nhẩm tính, doanh thu sẽ gấp hơn 7 lần chi phí đầu tư. Thực tế, giá bán khoảng 1 kg gián ở Trung Quốc có lúc đến 180 USD.

Tính chính xác về công hiệu đặc biệt của bột gián có lẽ vẫn cần những kiểm chứng nghiêm túc. Tuy nhiên, cơn sốt giàu sụ từ nghề nuôi gián ở tỉnh Sơn Đông đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân trên thế giới, đặc biệt là những người nông dân. Có nhiều luồng phán đoán rằng rất có thể chỉ trong một thời gian ngắn nữa, nông dân sẽ đổ xô chuyển sang nuôi gián, hình thành và phát triển ngành công nghiệp nuôi gián.

Theo người dân ở tỉnh Sơn Đông, phía Bắc Trung Quốc cách chính xác để ăn gián là phải rán hai lần trong chảo dầu nóng. Sau khi chế biến xong, người ta nhẹ nhàng đổ ra đĩa. Khi ấy, gián có ruột màu vàng như phô mai, mang vị của đất cùng chút mùi amoniac. Những con gián tròn, cánh hơi xòe ra được rắc thêm một lớp bột mỳ ăn liền vị cải muối trước khi thưởng thức, và sẽ ngon hơn nếu có thêm vài quả ớt.