Trao giải cuộc thi "Viết về cuốn sách yêu thích của em"

ANTD.VN - Hơn 6000 bài dự thi của các em là học sinh thuộc mọi lứa tuổi, từ bậc tiểu học đến trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội và mọi miền của đất nước đã gửi về tham dự cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” do Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức năm 2019.

Sáng 15/9, Lễ trao giải cuộc thi "Viết về cuốn sách yêu thích của em" lần thứ 9 - 2019 vừa diễn ra. Sau 5 tháng phát động (1/4/2019 – 31/8/2019), cuộc thi đã nhận được hơn 6000 bài dự thi của các em học sinh đến từ khắp các tỉnh thành cả nước và nước ngoài gửi về. Số lượng này gấp đôi so với năm ngoái.

Các em nhỏ giao lưu trả lời câu hỏi tại buổi Lễ trao giải

Năm nay, Ban Tổ chức đã đón nhận những bài viết của các em qua thư điện tử, qua đường bưu điện từ khắp các tỉnh, thành như: Điện Biên, Lai Châu, Hải Dương, Kiên Giang, Cà Mau… Đặc biệt, lần đầu tiên cuộc thì có sự tham dự của các du học sinh Việt Nam đang theo học tại một số tường học ở Mỹ như trường Northland Scholar Academy, Medeira – Viginia…

Ban Giám khảo của cuộc thi gồm: nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Trương Quý, bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội và bà Lê Quỳnh Trang – Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô.

Theo đánh giá của Ban Giám khảo, chất lượng các bài thi năm nay đem đến cảm xúc rất mới, biên giới đọc mở rộng không còn tập trung vào những tác giả, tác phẩm lớn. Thêm nữa, các bài dự thi đã thực sự thể hiện được tình yêu với sách, với tri thức.

Một điều bất ngờ so với các năm trước đó là các bài thi của năm nay đa số là về đề tài lịch sử với những cảm thụ về đề tài chiến tranh, rất nhiều bài viết về Trường Sa, về người lính hải quân thể hiện tình yêu quê hương, đất nước qua các cuốn sách như: Trường Sa nơi tôi đến, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Những ngôi sao xa xôi, Bạch Thái Bưởi – Khẳng định doanh tài nước Việt…

“Đọc những bài cảm thụ của các em học sinh về cuốn sách mà các em thích, tôi thấy thực sự xúc động. Các em đã dũng cảm thể hiện cá tính của mình mà không phụ thuộc vào những thứ có sẵn. Nhiều bài cảm thụ về các tác phẩm kinh điển nước ngoài khiến tôi bất ngờ về năng khiếu và vẻ đẹp ngôn từ của các em. Hy vọng các em sẽ trân trọng sách để nuôi dưỡng một tâm hồn tốt đẹp”, nhà văn Nguyễn Trương Quý dù vắng mặt vẫn gửi thư tới các em nhỏ.

Thêm một điều mới của bài thi năm nay nữa đó là Ban Tổ chức nhận được hàng chục bài dự thi viết về những cuốn sách đề cập đến nạn ấu dâm, một vấn đề rất thời sự mà xã hội đang đối diện và lên án gay gắt. Hay như vấn đề nạn rác thải, thói quen sử dụng túi nilon gây ô nhiễm môi trường cũng là đề tài thu hút các em khi viết về những cuốn sách bảo vệ môi trường, bảo vệ biển đảo, nói không với túi nilon.

Cách lựa chọn tác phẩm đề viết, cách cảm thụ của các em trước những vấn đề cuốn sách đặt ra đã cho thấy những suy nghĩ đầy trách nhiệm của các em trước cuộc sống xung quanh mình và mạnh dạn bày tỏ quan điểm cá nhân. Đó cũng chính là những gì mà cuộc thi mong muốn hướng tới.

Trao giải cuộc thi "Viết về cuốn sách yêu thích của em" ảnh 2

Bé Tạ Ngân An giành Giải Nhất với bài viết về cuốn sách "Trường Sa nơi ta đến".

Trong gần 1 vạn bài dự thi gửi về, Ban Giám khảo đã chọn được 70 bài viết vào Chung khảo và có 22 bài dự thi xuất sắc được trao giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích và nhiều giải thưởng phụ khác.

“Cuốn sách “Trường Sa nơi ta đến” đã giúp em thay đổi suy nghĩ, không phải cái gì cũng lấp lánh cũng chứa đựng những màu sắc thú vị, đôi khi giản dị lại mang tới hương vị tuyệt vời. Nhờ cuốn sách này mà em hiểu về Trường Sa, thấy tự hào và yêu đất nước mình hơn, trân trọng giá trị hòa bình hơn. Cũng nhờ thói quen đọc sách mà em biết không nên vòi vĩnh cha mẹ hay giảm bớt thời gian sử dụng điện thoại”, em Tạ Ngân An (Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt - Hà Nội), giành Giải Nhất chia sẻ.

Cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” lần thứ 9 do Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức là một hoạt động thường niên và là sân chơi có ý nghĩa nâng cao văn hóa đọc, nâng cao tri thức và chắp cánh tâm hồn cho thế hệ tương lai của đất nước.