Tráo biển số để lấy xe, trộm cắp hay lừa đảo?

ANTD.VN - Tháng 12-2016, Trần Văn Hùng rủ hai người bạn đi uống cà phê. Qua trò chuyện, cả ba đều than thở không có tiền tiêu Tết nên bàn cách “làm ăn lớn”. Kế hoạch đề ra là cả nhóm sẽ đến một trung tâm thương mại gửi xe cũ của mình, sau đó xem xe nào mới, có giá trị thì lấy biển số giả mang theo (giống xe vừa gửi vào), dùng băng dính hai mặt dán vào biển số xe định lấy rồi dắt ra ngoài bằng vé của xe ban đầu. Mọi việc diễn ra khá hoàn hảo khi 2 đồng bọn trong nhóm của Hùng đã đưa được hai chiếc xe ra ngoài và… biến mất. 

Tuy nhiên, đến lượt Hùng, vừa ra khỏi bãi giữ xe khoảng 10 m thì bị bảo vệ và chủ xe phát hiện, truy đuổi, bắt quả tang.

Vấn đề đặt ra là với việc đánh tráo biển số xe để chiếm đoạt tài sản hành vi của Trần Văn Hùng và đồng bọn đã phạm tội trộm cắp hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Ảnh: Minh họa

Ý kiến bạn đọc 

Phạm tội trộm cắp tài sản

Hành vi nhóm của Trần Văn Hùng có dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản. Việc nhóm Hùng công nhiên đi vào gửi xe, thay biển số giả, thản nhiên đưa vé xe để đi ra chỉ là yếu tố phụ. Phải xác định rõ hành vi chính là nhóm của Hùng đã lén lút (không ai biết), bí mật chuyển dịch xe máy của người bị hại một cách trái pháp luật... Đây là hành vi trộm cắp tài sản chứ không thể coi là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bởi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó. Rõ ràng, các đối tượng này không hề có động thái gian dối nào để chủ sở hữu giao tài sản mà đã lén lút lấy tài sản của người khác. Do đó theo tôi cần phải xử lý các đối tượng này về hành vi trộm cắp tài sản.

Đoàn Quốc Anh (Đông Hà - Quảng Trị)

Không có hành vi lén lút

Bản chất của vụ việc là ngay từ đầu, nhóm của Trần Văn Hùng đã thực hiện hành vi gian dối khi làm sẵn biển số xe giả lắp vào những xe có giá trị để chiếm đoạt. Trong vụ này, nhóm Hùng không hề có hành vi lén lút trộm mà đã công khai đi vào, đi ra. Với hoàn cảnh này, cần xác định người bị hại là người giữ xe (người quản lý tài sản) chứ không phải chủ sở hữu chiếc xe. Nhóm của Hùng đã lừa được người giữ xe khiến họ nhầm tưởng là xe của khách nên mới cho đi ra. Chắc chắn khi dắt xe của người khác ra khỏi bãi gửi xe, nhóm của Trần Văn Hùng đàng hoàng đưa vé cho người giữ xe với mục đích để chứng minh đây là xe của mình và hành vi trên đã cấu thành tội lừa đảo… Do đó theo tôi phải xử lý theo hướng nhóm Hùng đã phạm tội lừa đảo.

Hoàng Thị Thu (Lê Chân - Hải Phòng)

Trần Văn Hùng đã dùng thủ đoạn gian dối

Trong vụ việc này Trần Văn Hùng và đồng bọn đã dùng thủ đoạn gian dối là cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật bằng cách lấy biển số giả mang theo (giống biển số xe vừa gửi vào bãi xe của siêu thị) rồi dùng keo hai mặt dán vào biển số xe định lấy để nhằm làm cho bảo vệ tin xe đó là của mình. Hậu quả của hành vi gian dối này Trần Văn Hùng và đồng bọn đã chiếm đoạt được tài sản là chiếc xe máy gửi trong trung tâm thương mại. Theo tôi được biết, quy định của pháp luật về lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó. Trong vụ việc này đối tượng Trần Văn Hùng và đồng bọn đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Do vậy các đối tượng này đã phạm tội lừa đảo.

Vũ Quốc Tuấn (TP Yên Bái - Yên Bái)

Bình luận của luật sư 

Cũng giống như các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt khác, hành vi chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu không thể thiếu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội trộm cắp tài sản. Đó là hành vi cố ý dịch chuyển một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành tài sản của mình hoặc cho người khác mà mình quan tâm.

Trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phạm tội đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Cụ thể là người phạm tội đã đưa ra những thông tin không đúng sự thật làm cho chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản do nhầm tưởng mà tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu về tài sản hoặc chuyển giao quyền quản lý tài sản cho người phạm tội. Như vậy, thủ đoạn gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao gồm 2 dấu hiệu.

Thứ nhất, người phạm tội đã có hành vi gian dối như bằng lời nói, hành động hoặc những thủ đoạn khác nhằm cung cấp những thông tin sai lệch về sự việc (nói dối, trái sự thật, nói không thành có, nói ít thành nhiều, tẩy xóa con số để được nhiều hơn…).

Thứ hai, chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản đã nhầm tưởng, tin vào các thông tin không đúng sự thật đó nên đã tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền quản lý tài sản cho người phạm tội. Người phạm tội chỉ chiếm đoạt được tài sản khi dùng thủ đoạn gian dối và chỉ dùng thủ đoạn gian dối mới chiếm đoạt được tài sản.

Trong tội lừa đảo, sau khi người phạm tội chiếm đoạt được tài sản một khoảng thời gian nhất định người quản lý tài sản mới phát hiện được là mình bị lừa đảo. Đối với tội trộm cắp tài sản, người phạm tội có hành vi lén lút lấy tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản mà không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực hoặc bất cứ một thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần của người quản lý tài sản.

Thông thường người phạm tội lợi dụng sự mất cảnh giác của người quản lý tài sản để lấy tài sản mà người quản lý tài sản không hề biết. Đặc điểm nổi bật của tội trộm cắp tài sản là người phạm tội lén lút (bí mật) lấy tài sản mà chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không biết mình bị mất tài sản, chỉ sau khi mất tài sản họ mới biết bị mất tài sản. Tính chất lén lút (bí mật) của hành vi trộm cắp tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội giấu giếm hành vi phạm tội của mình. 

Giữa 2 tội trộm cắp tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường ít khi bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, thực tế vẫn xảy ra những vụ trộm cắp mà người phạm tội có sử dụng thủ đoạn gian dối trong quá trình thực hiện tội phạm. Ngược lại cũng có những vụ lừa đảo mà thủ đoạn gian dối của người phạm tội lại có thêm tính chất lén lút. Vì vậy mới xảy ra chuyện nhầm lẫn giữa hai tội này.

Trong vụ việc nêu trên, nhóm của Trần Văn Hùng đã bàn bạc và dùng thủ đoạn gửi xe cũ rồi lấy biển số giả dán vào biển số xe định lấy, sau đó đàng hoàng dắt ra ngoài bằng vé gửi xe cũ. Nếu cho rằng đây là thủ đoạn “lén lút” của Hùng và đồng phạm cũng không sai, bởi bản chất của hành vi gian dối là “bí mật”, nếu không thì chẳng ai bị lừa cả. Tuy nhiên, hành vi lén lút trong tội trộm cắp là lén lút đối với chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản; người phạm tội trộm cắp lấy tài sản một cách “bí mật” đối với chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản và với những người khác.

Trong trường hợp này, nếu Hùng và đồng phạm không dùng thủ đoạn lấy biển số giả dán vào biển số xe định lấy thì không thể qua mặt được bảo vệ. Bằng thủ đoạn này, Hùng và đồng phạm không chỉ qua mặt bảo vệ mà còn qua mặt được người xung quanh. Hành vi lấy biển số giả dán vào biển số xe định lấy là nhằm lừa người quản lý tài sản (người bảo vệ). 

Ở đây, người quản lý tài sản tin nhầm là xe bị dắt ra khỏi bãi để xe là của Hùng và đồng bọn nên mới để chúng dắt đi. Tuy không có việc giao xe (tài sản) nhưng không phải trường hợp nào người bị lừa đảo cũng phải giao tài sản cho người phạm tội. Việc giao nhận ở đây là hình thức kiểm tra biển số xe có đúng với phiếu gửi xe hay không chứ không nhất thiết người quản lý xe (bảo vệ) phải dắt xe giao cho Hùng và đồng phạm.

Bên cạnh đó, cũng không vì Hùng và đồng phạm mới dắt xe ra khỏi bãi xe khoảng 10 m thì đã bị phát hiện mà cho rằng hành vi của Trần Văn Hùng và đồng phạm không phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu hành vi của chúng bị phát hiện sớm, chúng chưa lấy được xe máy thì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chúng ở giai đoạn chưa đạt. Như vậy, hành vi và thủ đoạn mà Hùng và đồng phạm thực hiện hội tụ đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)