Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa

ANTĐ - Mỹ và phương Tây đã tiến thêm một bước trong việc công nhận lực lượng đối lập tại Libya khi để đại diện ngoại giao của họ tiếp quản các Đại sứ quán sau khi trục xuất hết các nhà ngoại giao của chế độ               Muammar Gaddafi.

Đại diện chính quyền Gaddafi kéo cờ tại Đại sứ quán Libya ở Washington tháng 2 vừa qua

Chính quyền Mỹ cho biết họ đã chuyển giao Đại sứ quán Libya tại Washington cho Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC), được xem là chính quyền của lực lượng đối lập tại quốc gia Bắc Phi này. Đây là bước đi tiếp theo của Mỹ trong việc công nhận NTC là chính phủ hợp pháp duy nhất của Libya, chứ không phải chính quyền của nhà lãnh đạo Gaddafi.

Đại diện của chính quyền Mỹ và NTC cũng đã ký các văn bản liên quan tới việc chuyển giao Đại sứ quán Libya mà không lâu trước đó là cơ quan đại diện của chính quyền Gaddafi ở Washington. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ Victoria Nuland đã xác nhận các thông tin trên.

Cùng với Mỹ, chính quyền Anh ngày 9-8 cũng đã chuyển giao trụ sở Đại sứ quán Libya tại London cho các nhà ngoại giao của NTC. Trong khi đó, các nước phương Tây khác như Đan Mạch, Canada... cũng đã tuyên bố trục xuất tất cả các nhà ngoại giao thuộc chính quyền của ông Gaddafi để dọn đường đón đại diện ngoại giao của NTC.

Việc Mỹ và phương Tây chuyển giao các Đại sứ quán của Libya cho đại diện NTC không chỉ để công nhận tính hợp pháp của chính quyền phe đối lập tại Libya mà còn nhằm bác bỏ tính hợp pháp của chính quyền Gaddafi. Không lâu sau khi phát động cuộc tấn công quân sự vào Libya tháng 3 vừa qua, Mỹ và phương Tây đã lên tiếng khẳng định “chính quyền Gaddafi là bất hợp pháp”.

Tuy nhiên, việc Mỹ và phương Tây công nhận NTC là chính quyền hợp pháp của Libya đang làm dấy lên không ít tranh cãi. Điều quan trọng nhất là NTC mới chỉ được lập để quản lý phần phía Đông Libya mà lực lượng đối lập chiếm giữ chứ chưa phải là một chính phủ lâm thời của phe đối lập. Vì thế, Ngoại trưởng Anh William Hague đã phải lên tiếng giải thích rằng "đây là trường hợp đặc biệt" bởi chính London từng tuyên bố rằng "chỉ công nhận các nước, chứ không phải các chính phủ".

Chính quyền nhà lãnh đạo Gaddafi đã lên án và chỉ trích các quyết định và việc làm của Mỹ, Anh mà họ cho là "điều chưa từng có trong lịch sử ngoại giao thế giới”. Thứ trưởng Ngoại giao của chính phủ Gaddafi, ông Khaled Kaim, cho rằng nếu nước khác cũng làm như vậy thì sẽ dẫn tới sự "đảo lộn nền ngoại giao quốc tế".

Song điều mà Mỹ cũng như các nước phương Tây e ngại chẳng phải sự phản đối của chính quyền Gaddafi mà là liệu việc tuyệt giao chính quyền này để "chơi" với NTC có mang lại lợi ích cho họ hay không. Dù hoàn toàn chưa "danh chính ngôn thuận" nhưng chính quyền của phe đối lập đã bộc lộ những bất ổn hết sức đáng lo ngại.

Giới quan sát đã dùng tới cụm từ "nội chiến trong nội chiến" để mô tả vụ sát hại tướng Abdel-Fattah Younes, nhân vật được xem là Tổng Tư lệnh của lực lượng đối lập. Do hình thành từ khoảng 40 nhóm vũ trang khác nhau nên không ít người lo ngại về tình trạng "hỗn quân hỗn quan" của lực lượng đối lập.

Bắt tay với một lực lượng như vậy thì khác nào "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa".