Tránh tác động tiêu cực

ANTĐ - Năm 2013 đã đi qua hai phần ba chặng đường, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng qua, Thủ tướng Chính phủ nhận định, nền kinh tế tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, các lĩnh vực. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định rằng, những kết quả đạt được có mặt chưa vững chắc, có mặt còn chậm, có chỉ số bị giảm như tốc độ phát triển công nghiệp. Nhiệm vụ đặt ra cho những tháng cuối năm và thời gian tới là hết sức nặng nề, còn nhiều khó khăn, thách thức.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, 8 tháng qua thu ngân sách chưa vượt qua mức 60% dự toán. Cả năm nay khả năng sẽ hụt thu 21.000 tỷ đồng so với dự toán. Bộ trưởng Tài chính kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để nuôi dưỡng nguồn thu, tăng cường xử lý nợ thuế. Việc cân đối thu chi cần nỗ lực rà soát cắt giảm tối đa các khoản chi không cần thiết. Sự sụt giảm của tỷ lệ tổng thu ngân sách/Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tuy có làm cho cân đối ngân sách gặp khó khăn, nhưng đây là kết quả tích cực, thể hiện tinh thần “khoan thư sức dân”, nuôi dưỡng nguồn thu.

Trong điều kiện cân đối ngân sách khó khăn, nhưng nhiều khoản chi cho lĩnh vực xã hội vẫn giữ được tiến độ, một số khoản chi còn tăng theo diễn biến thực tế. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cần phải tìm giải pháp khắc phục những tổn thương của hệ thống tài chính và ngăn chặn những rủi ro. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế tiềm ẩn những rủi ro chéo giữa khu vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Hiện chưa có số liệu công bố về cán cân thanh toán quốc tế, song khoản trả nợ gốc đã chiếm khoảng ¾ số vay nợ mới. Điều này cảnh báo cần cẩn trọng trong vay nợ và phải nâng cao hiệu quả sử dụng cũng như trách nhiệm trả nợ của các tập đoàn, tổng công ty, tránh gây gánh nặng cho ngân sách, cho người dân. Đảm bảo nguyên tắc thu ngân sách thu đúng, thu đủ, kịp thời, hạn chế thất thu do buôn lậu, chuyển giá, nợ đọng thuế…

Một trong những điểm nhấn được Chính phủ quan tâm là, hiện nay giá điện bao cấp, thu dưới giá thành chiếm 25% tổng sản lượng điện. Trong đó, 16% sản lượng cấp cho hộ nghèo, hơn 8% bao cấp cho các khu công nghiệp, khu chế xuất. Sắp tới sẽ phải siết lại những khu vực đang bán giá điện bao cấp. Tuy vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ trong kiểm soát, điều hành giá cả, tránh tác động tiêu cực do điều hành giá đến mục tiêu kiềm chế lạm phát khoảng 7%.