Tranh luận về tuổi nghỉ hưu

ANTĐ - Ngày 23-5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Chế độ thai sản và có nên kéo dài tuổi nghỉ hưu cho lao động nữ là những vấn đề được cả xã hội quan tâm.

ĐBQH Bùi Thị An trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ

Về một số chính sách đối với lao động nữ, trong đó có thời gian nghỉ thai sản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, quy định người lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. Quy định này nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của tất cả các ĐBQH.

Tuy vậy, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) bổ sung, Bộ luật Lao động hiện nay mới quan tâm đến lao động nữ là cán bộ viên chức hay trong các doanh nghiệp, tổ chức... và có thực hiện chế độ bảo hiểm. Trên thực tế, còn có số lượng khá lớn lao động nữ tự do, lao động trong nông nghiệp... không có chế độ bảo hiểm xã hội nên không có trợ cấp thai sản. Ông đề nghị: “Nên có trợ cấp thai sản cho những lao động nữ này ở mức phù hợp. Chẳng hạn mỗi lần sinh được trợ cấp 1 tháng lương tối thiểu...”.

Đồng tình với phương án phụ nữ nghỉ thai sản 6 tháng, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) yêu cầu, cần phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan sử dụng lao động nữ, để hạn chế tình trạng khi họ nghỉ sinh con xong bị mất việc hoặc không còn được ở vị trí trước khi nghỉ. Liên quan đến tuổi nghỉ hưu của lao động nữ, ĐB Ngô Thị Minh băn khoăn, do nghỉ hưu trước 5 năm, nhiều cơ hội cho chị em phụ nữ bị hạn chế: “Nên chăng có quy định nam 3 năm tăng một bậc lương, nữ 2,5 năm tăng một bậc lương. Về lâu dài, tôi cho rằng nên quy định tuổi nghỉ hưu như nhau giữa nam và nữ, phù hợp với nội dung của Công ước xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ”. 

ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) có góc nhìn riêng: “Nghỉ hưu là quyền chứ không phải là cái gì thiệt thòi, bởi vì chúng ta được nghỉ, nghỉ ngơi và chúng ta được hưởng bảo hiểm xã hội chăm lo cho chúng ta về việc thu nhập. Tôi đồng ý giữ mức độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay”. Đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng ĐB Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) đề nghị giới hạn ở một số nhóm đối tượng: “Tăng tuổi nghỉ hưu nhưng không quá 5 năm đối với các nhà khoa học, nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hoặc làm công tác quản lý chủ chốt là hợp lý”. 

Chiều 23-5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, lao động là nhu cầu và quyền của tất cả mọi người, tức là phải bình đẳng như nhau. Khẳng định quy định phụ nữ nghỉ hưu ở tuổi 55 là “vô cùng lãng phí”, ĐB Bùi Thị An nói: “Trong luật phải đặt vấn đề rằng mọi người đều làm việc đều nghỉ như nhau, trừ những trường hợp lao động độc hại, nặng nhọc, vũ trang... mới được quyền nghỉ sớm. Bộ Y tế nên xây dựng một đề tài đánh giá năng lực lao động nữ độ tuổi từ 55-60 và so với nam xem như thế nào. Các đồng chí luôn ca ngợi chúng tôi trong ngày 8-3, ngày 20-10 nhưng thực tế hàng ngày lại không như vậy. Đừng để sự phát triển của phụ nữ Việt Nam thành hình chóp, trên cao thì ít, rồi dần dần đến phổ thông”.