Tranh luận về những bức ảnh "song sinh"

ANTĐ - Sự xuất hiện của các bức ảnh giống nhau đến từng chi tiết nhưng là của 2 tác giả, ở 2 cuộc thi, 2 cuộc triển lãm khác nhau đang gây ra cuộc tranh luận bất phân thắng bại. Liệu đó chỉ là sự lặp lại khoảnh khắc hay các tay máy bây giờ chỉ thích chọn lối mòn và khoái “đồ ăn nhanh”. 

Bức ảnh “Ba em bé trên cao nguyên Đồng Văn” của Trần Cao Bảo Long

Bức ảnh “Ba chị em Mông” của Trần Thiết Dũng 

Không ai “đạo ảnh” của ai

Dù không có cuộc kiện cáo nào diễn ra và những người trong cuộc luôn khẳng định không “đạo” ý tưởng của nhau nhưng các bức ảnh “song sinh”, giống nhau đến 90%, thậm chí 99% cứ lần lượt được ra ở chính các cuộc thi ảnh quốc tế, các cuộc triển lãm trong nước.

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Trọng Nghĩa với bức ảnh “Một sáng mùa đông” từng bị nghi ngờ đã “đạo” bức ảnh “Vó đánh cá” của Lý Hoàng Long. Điều ngạc nhiên là cả 2 bức ảnh này đều giành HCV tại 2 cuộc thi ảnh quốc tế do FIAP (Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh Quốc tế) tổ chức.

Một trường hợp khác, bức ảnh “Đan lưới” của Phạm Tỵ (đoạt giải Nhất cuộc thi Smithsonian 2015) và một bức ảnh của Trần Nhật Quang (đoạt giải tại cuộc thi ảnh quốc tế HIPA do hoàng tử của Dubai sáng lập) đều “bị” giống nhau như 2 giọt nước. Cả hai đều ghi lại cảnh 2 người phụ nữ cần mẫn ngồi đan lưới, những tấm lưới bồng bềnh như sóng biển.

Tác phẩm “Thả hoa đăng trên sông Hoài” của Kỳ Anh cũng giống với tác phẩm thả đèn tương tự của Phạm Tỵ và Tuấn Phạm. Rồi tấm ảnh ghi hình 3 em bé dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn của Trần Cao Bảo Long cũng khá giống bức “Ba chị em Mông” của Trần Thiết Dũng…

Theo lý giải của tác giả, các bức ảnh giống nhau kể trên là sản phẩm của “tinh thần sáng tạo tập thể”, nghĩa là họ cùng đi sáng tác, cùng chụp một đối tượng, cùng đứng một góc chụp. Chính vì thế, ảnh mới giống nhau đến từng chi tiết như vậy. Giới nhiếp ảnh Việt Nam từng nảy ra cuộc tranh luận rằng, không thể có chuyện 2 bức ảnh do 2 người chụp nếu có cùng góc máy thì chúng cũng không thể giống nhau như cùng một mẹ đẻ ra được.

Bởi lẽ, chi tiết hoặc bố cục của mỗi bức ảnh sẽ phải khác nhau, hoặc chỉ cần nâng máy lên hoặc hạ thấp máy xuống là ảnh đã khác rồi. Nhưng, trường hợp 2 bức ảnh giống nhau đến 99% đoạt Huy chương Vàng FIAP do Lý Hoàng Long và Nguyễn Trọng Nghĩa đã chứng minh điều ngược, nhiếp ảnh vẫn có những cặp “song sinh” ngoài ý muốn từ những cuộc cùng nhau sáng tác. 

Đề cao lòng tự trọng

NSNA Hoàng Thế Nhiệm chia sẻ: “Với các tác phẩm đi sáng tác chung, tôi chỉ để vào bộ sưu tập và nói không với việc đưa những bức ảnh này dự thi hay công bố rộng rãi. Việc này liên quan tới lòng tự trọng của người nghệ sỹ. Cái tôi của người nghệ sỹ nằm ở đâu khi cùng một khung cảnh, một đối tượng nhưng có tới cả chục tay máy cùng bấm một lúc”.  

Tuy nhiên không phải tác giả nào cũng tán đồng quan điểm này. Chỉ cần bức ảnh đó có khả năng “ăn” giải, các tay máy sẽ đưa “đứa con” của mình đi tranh tài cả trong và ngoài nước. Nguyên nhân của hiện tượng sinh đôi, thậm chí sinh ba, sinh tư trong các cuộc thi nhiếp ảnh thực chất bắt nguồn từ chứng bệnh cố hữu: bệnh thành tích.

Thêm một lý do nữa là, đó là trình độ của một nghệ sỹ nhiếp ảnh thường được đánh giá theo số lượng huy chương giành được tại các cuộc thi chứ không phải ấn tượng để lại trong lòng công chúng cùng sự độc đáo, cái tôi của người nghệ sỹ.

Ngay chính như Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam cũng căn cứ vào thành tích của các nhà nhiếp ảnh để kết nạp hội viên. Trong khi ấy, đối với quốc tế, người nghệ sỹ được đánh giá dựa vào quá trình lao động và sáng tạo cá nhân. Sự khác nhau trong đánh giá này đã tác động đến nhận thức của nhà nhiếp ảnh Việt Nam.

Vì thế, đáng lý ảnh đi sáng tác chung với một nhóm các nghệ sỹ chỉ để làm tài liệu thì họ vẫn mang đi thi. Chỉ đến khi xảy ra tranh chấp hoặc bị người xem phát hiện về độ giống nhau bất thường, các tác giả mới lên tiếng thanh minh, giải thích. Để nhiếp ảnh Việt Nam không xuất hiện thêm các cặp “song sinh ngoài ý muốn” thì điều cần thiết chính là sự thay đổi nhận thức trong cách đánh giá giải thưởng đối với sự nghiệp sáng tác và quan trọng hơn, đó chính là lòng tự trọng.