Tranh luận quanh việc cấm dạy thêm, học thêm

ANTĐ - Mặc dù chỉ đạo xóa dạy thêm, học thêm mới chỉ là tuyên bố của lãnh đạo TP.HCM nhưng dư âm của nó đang tạo ra làn sóng đồng tình không chỉ của phụ huynh mà cả những người hoạt động trong ngành giáo dục.

Muốn chấm dứt tình trạng học thêm, dạy thêm, nếu chỉ cấm thôi chưa đủ

Mong tạo sự đột phá

Mới đây, tại cuộc làm việc giữa Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, ông Đinh La Thăng cho biết, TP.HCM sẽ chấm dứt dạy thêm học thêm ngay trong năm học tới. Sự việc tiếp tục được dư luận quan tâm khi ngay sau đó, ngày 9-6, một trường học thuộc quận Tân Bình, TP.HCM tuyên bố trả lại tiền học thêm cho phụ huynh với lý do được chỉ đạo không tổ chức dạy thêm, học thêm cho học sinh trong dịp nghỉ hè. Sự việc khiến nhiều phụ huynh ngỡ ngàng bởi việc cho con đi học thêm đã thành thói quen mà không hề tính đến việc con mình thích hay không thích.

Tại Hà Nội, rất nhiều phụ huynh cũng quan tâm tới vấn đề này. Chị Vũ Cẩm Hà, phụ huynh học sinh trường THCS Đống Đa, quận Đống Đa chia sẻ: “Cấm dạy thêm là rất đúng, vì học thêm, dạy thêm theo tôi chỉ là dạy trước chương trình, những em không có điều kiện học sẽ khó theo được, vì tới khi vào học chính, những người đi học thêm đã học rồi, thầy cô giáo sẽ không nhiệt tình giảng bài nữa. Đây là lý do vì sao phụ huynh cứ phải “tự nguyện” cho con đi học thêm”.

Muốn chấm dứt tình trạng học thêm, dạy thêm, nếu chỉ cấm thôi chưa đủ

Trong khi đó, nhiều giáo viên bức xúc cho rằng, cấm dạy thêm là vô lý vì đây là nguồn thu chính đáng do lương giáo viên thấp, chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Ngoài ra, dạy thêm, học thêm còn xuất phát từ nhu cầu có thực do nhiều gia đình muốn gửi gắm con em học thêm để bồi dưỡng, nâng cao các kiến thức có được từ trên lớp. Tuy nhiên, giải thích này chưa nhận được sự đồng tình của phụ huynh. Phụ huynh cho rằng, làm nghề giáo viên thì cần hiểu yêu cầu đặc thù của công việc để yêu nghề, giữ được đạo đức nhà giáo thay vì biến nhà trường thành nơi làm kinh tế. 

“Nếu so với nhiều nghề khác, nghề giáo cũng chỉ vất vả tương đương và thu nhập cũng không thấp. Nếu nói lương giáo viên thấp thì hãy nhìn xem ngành nào lương cao? Ngành y tế vất vả trực đêm, áp lực vì công việc liên quan đến tính mạng con người nhưng lương có cao đâu? Ngành xây dựng mưa nắng dãi dầm, nhưng lương cũng vậy, không có đãi ngộ đặc biệt...

Với đa số các thầy cô ở nông thôn, không có thu nhập từ dạy thêm, học thêm vậy sao họ vẫn nhiệt tình với công việc?”, ông Nguyễn Tiến Thành, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Việt Hưng thắc mắc. “Tôi mong việc cấm dạy thêm, học thêm của TP.HCM sẽ thành công, đem đến sự đột phá cho ngành giáo dục để cả nước học tập, thực hiện”, ông Thành bày tỏ.

Cần giải quyết từ “gốc”

Bà Trần Thị Hải Yến, Giám đốc điều hành trường THCS Alpha, Hà Nội cho rằng, việc TP.HCM cấm giáo viên dạy thêm, học thêm là một hành động đúng, được sự ủng hộ của đa số cha mẹ học sinh nhưng đó chưa phải là cái gốc. Bà Trần Thị Hải Yến cho rằng, giải quyết dạy thêm, học thêm cần làm triệt để hơn và cần bắt đầu đi từ việc tuyển chọn sinh viên của trường ĐH Sư phạm, từ việc xây dựng chính sách dành cho giáo viên.

“Để giáo viên của trường không phải lo dạy thêm, lãnh đạo nhà trường phải tính toán trả lương cho họ đủ sống, bồi đắp thêm giá trị sống để họ yên tâm. Lương trung bình là 8-9 triệu đồng, chưa phải là dư giả nhưng cũng khiến giáo viên tạm thời không phải lo đến dạy thêm. Tuy nhiên, với các trường công lập quả thật giáo viên không đủ sống nếu chỉ hưởng mức lương hiện nay”, bà Trần Thị Hải Yến phân tích.

Ngoài chính sách về lương và những kỹ năng cần có cho giáo viên, bà Trần Thị Hải Yến nhấn mạnh sự cần thiết thay đổi cơ chế thi cử. “Tôi vẫn mong muốn khi con mình bước vào lớp 10 sẽ không còn phải chạy đua luyện thi như bây giờ. Học 1 và thi 10, toàn đề khó và bắt buộc phải luyện chứ không phát huy tính sáng tạo, tư duy cá nhân. Không học thêm làm sao thi nổi”, bà Yến chia sẻ.