Tranh luận quanh chuyện phát ấn ở Hoàng thành Thăng Long

ANTĐ - Chiều qua, 26-2, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức một cuộc tọa đàm khoa học về chiếc ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long năm 2012-2014. Không chỉ làm rõ hơn lai lịch của chiếc ấn đặc biệt này, các nhà nghiên cứu cũng bày tỏ quan điểm về việc phát huy giá trị, đồng thời tranh luận xung quanh vấn đề “nóng”: Có nên phát ấn ở Hoàng thành trong ngày đầu xuân hay không?

Tranh luận quanh chuyện phát ấn ở Hoàng thành Thăng Long ảnh 1Ấn “Sắc mệnh chi bảo” được trưng bày tại cuộc tọa đàm, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu và giới truyền thông

Phát hiện chấn động tại Vườn Hồng

Trong đợt khai quật khu khảo cổ học Vườn Hồng năm 2014 (hố khai quật G18, khu G), ấn “Sắc mệnh chi bảo” được tìm thấy trong tầng văn hóa nguyên vẹn, không bị xáo trộn thời Trần (thế kỷ 13-14), cùng phát hiện còn có nhiều hiện vật gỗ, gốm sứ… cùng niên đại.

PGS.TS Tống Trung Tín - nguyên  Viện trưởng  Viện Khảo cổ học cho biết, ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” ngay sau đó được các nhà khảo cổ học quan tâm bởi tính độc đáo.

Bắt đầu từ tháng 10-2014 đến tháng  12-2015, ấn được nghiên cứu chỉnh lý và trưng bày sơ bộ tại phòng trưng bày của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Chiếc ấn trở nên nổi tiếng và được dư luận đặc biệt chú ý bắt đầu từ việc ngày 9 Tết âm lịch vừa qua (16-2-2016), Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội lần đầu tổ chức thể nghiệm lễ khai ấn tại khu vực điện Kính Thiên.

Tranh luận quanh chuyện phát ấn ở Hoàng thành Thăng Long ảnh 2

PGS.TS Hoàng Văn Khoán là người đăng đàn phát biểu đầu tiên, ông khẳng định, căn cứ vào chứng cứ khoa học là phát hiện khảo cổ, đối chiếu với Đại Việt sử ký toàn thư cùng căn cứ vào các mẫu chữ trên ấn và tiền cổ đời Trần thì rõ ràng ở đây có sự trùng khớp nhau. Ấn được làm bằng loại gỗ rất cứng, vết son đậm còn in trên mặt ấn, chứng tỏ nó đã được sử dụng nhiều lần.

Sau 700 năm dưới lòng đất, mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn, kể cả dấu son. Song, đặc biệt nhất là mặt ấn chỉ dày 0,5cm và núm ấn đã không còn. Theo GS Lê Văn Lan, căn cứ trên một số thư tịch cổ, thời điểm chính xác là ấn được tạo tác trong vòng 10 ngày từ 19 đến 29 tháng Giêng năm 1258 tại vị trí nay thuộc huyện Hưng Hà, Thái Bình, đời vua Trần Thái Tông. Tuy nhiên, giả thiết của GS Lê Văn Lan sau đó được nhiều nhà nghiên cứu xác định là thiếu căn cứ.

PGS.TS Trịnh Sinh cho biết, có nhiều ý kiến nghi ngờ, tại sao chất liệu gỗ lại có thể tồn tại bền vững trong khoảng thời gian 700 năm mà không hư hại. Ông Sinh đưa ra ví dụ về việc tìm thấy mộ thuyền Châu Can còn nguyên vẹn tại Phú Xuyên - Hà Nội, niên đại cách đây 2.500 năm, để minh chứng gỗ là chất liệu tương đối bền vững. 

Được xem là nhà nghiên cứu ấn chương học hàng đầu ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Công Việt bày tỏ quan điểm, mỗi một chiếc ấn, bao giờ cũng có 2 bộ phận, núm (thân) và đế (mặt). Song, hiện vật này chỉ có một nửa, tức là phần mặt, chiếc ấn bị gãy làm đôi, vết gãy ngọt và khít, khi chắp nối không gãy chữ. Như thế có thể nghĩ tới  phương án, phải chăng hiện vật khi xưa đã gãy đôi như thế rồi. Liệu có  phải đó là một dạng tỷ tiết (sau phát triển thành hổ phù), nó được dùng để ban mật chỉ, mật dụ. Nếu là một dạng mật dụ thì cực kỳ giá trị, bởi chưa từng có quốc gia nào tìm được một hiện vật như thế này. 

Ấn quý không thể phát tán tràn lan

Đó là ý kiến của rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa có mặt tại cuộc tọa đàm về ấn “Sắc mệnh chi bảo”. Nhà nghiên cứu Lê Quốc Việt gay gắt: “Chẳng nhẽ Hoàng thành Thăng Long hết sự kiện hay sao mà lại đem Quốc tỷ ra ban phát vô cớ. Nếu đây thực sự là ấn quý thì không thể sử dụng tùy tiện”. GS.TS Vũ Minh Giang khẳng định, đây đúng là chiếc ấn tạm mà vua Trần dùng giải quyết việc nước trong lúc đánh quân Nguyên Mông.

Ý nghĩa của chiếc ấn này lớn, vì thế phải trân trọng, nếu đem ra đóng ấn để phát tràn lan thì rất dễ hỏng, còn làm một quả ấn khác y hệt thì không nên. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn - Ủy viên Hội đồng văn hóa Quốc gia thẳng thắn: “Phát huy giá trị di vật thế nào thì cần phải nghiên cứu kỹ, nếu không khéo sẽ gây ra cảnh phát ấn, cướp ấn hỗn loạn như ở đền Trần (Nam Định) thì không chấp nhận được”.

Phát biểu kết luận cuộc tọa đàm, GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, ấn “Sắc mệnh chi bảo” là hiện vật quý, nằm ở địa tầng ổn định đời Trần, sau Lý và trước Lê sơ, vì thế loại bỏ nghi ngờ ngụy tạo. Không ai độn thổ xuống đó mà đặt vào được cả.

Ông sẵn sàng bảo vệ quan điểm này đến cùng. GS Phan Huy Lê cũng cho biết, thời gian tới cần nghiên cứu thêm, kỹ càng chất liệu gỗ, xác định niên đại bằng phương pháp hiện đại nhất, trên cơ sở nghiên cứu, so sánh, đối chiếu nguồn sử liệu. Và chắc chắn, đây là ấn để đóng vào sắc dụ phong thần, phong thưởng quan lại. “Đừng ai cho rằng, năm 1400 Trung Quốc mới có ấn “Sắc mệnh chi bảo” thì trước đó Việt Nam không thể có loại ấn này được. Biết đâu, Trung Quốc học tập Việt Nam thì sao, vì thế cũng cần nghiên cứu thêm thư tịch cổ Trung Quốc”- GS Phan Huy Lê nhấn mạnh. 

Đối với việc phát huy chiếc ấn quý, GS Phan Huy Lê kết luận, cần bảo quản tốt, vì đây là chất liệu gỗ, có thể hư hại do thời tiết. Nhất định phải phát huy, nhưng phát huy thế nào thì lại phải nghiên cứu. Có thể sẽ tìm hình thức như lưu niệm hay kỷ vật chứ tuyệt đối không tổ chức khai ấn rồi đóng ấn và phát ấn rộng rãi như ở đền Trần (Nam Định).

Đại Việt sử ký toàn thư có đôi dòng hiếm hoi viết về một chiếc ấn gỗ dùng trong thời kháng chiến chống quân Nguyên Mông như sau: "Năm Đinh Tỵ (1257), khi vua thân hành thống lĩnh quân đi chống giặc, quan giữ ấn giấu ấn báu lên rường điện Đại Minh, chỉ đem ấn nội mật đi theo. Giữa đường, ấn ấy bị mất. Giấy tờ trong quân không có ấn. Vua sai thợ khắc gỗ làm ấn. Đến khi xa giá về kinh, lại có người đem dâng chiếc ấn bị mất, ấn báu giấu đi vẫn còn nguyên ở chỗ cũ".

Tin cùng chuyên mục