Tránh lạm phát tâm lý

ANTĐ - Chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội trong năm 2013, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ để đạt được mục tiêu lạm phát thấp hơn năm 2012 với mức tăng khoảng 6-6,5% là một thách thức lớn. Vì vậy phải kiểm soát lạm phát ngay trong tháng 1, quý I vì giá thường tăng vào thời điểm này. Muốn giải quyết thì phải có giải pháp đảm bảo đủ hàng, không để thiếu hàng, sốt giá. Phát huy cơ chế bình ổn giá, không để xảy ra đầu cơ.

Tinh thần quyết liệt trong chỉ đạo của Thủ tướng thể hiện rất rõ khi nhận định rằng, năm 2013 muốn lạm phát thấp hơn mà tăng trưởng lại cao hơn năm 2012 là “không dễ dàng, là thách thức lớn với chúng ta”. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII cuối năm ngoái, người đứng đầu Chính phủ đã nói, khó khăn của nền kinh tế vẫn còn lớn, hạn chế, yếu kém còn nhiều. Bước sang năm 2013, năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2011-2015, đất nước ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề. Trong Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, cuối tháng 12 vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh rằng, bên cạnh những mặt đã đạt được, còn nhiều mặt hạn chế, khuyết điểm đã được nghiêm túc nhìn nhận. Chỉ rõ khuyết điểm không phải là để chê trách mà để làm tốt hơn, để phân tích các nguyên nhân cũng như đề ra được các giải pháp để làm tốt hơn.

Những hạn chế, khuyết điểm đã được nghiêm túc nhìn nhận, theo Thủ tướng là lạm phát được kiềm chế tốt, song các chuyên gia vẫn đánh giá chưa được bền vững, cân đối vĩ mô, sức ép còn lớn. Nếu làm tốt thì kết quả có thể tốt hơn, tăng trưởng cao hơn. Ông cũng thẳng thắn nhận định, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với ba khâu đột phá cho dù đã làm nhưng vẫn còn chậm. Tái cơ cấu đầu tư công theo hướng phải đạt hiệu quả hơn, khắc phục cho được tình trạng dàn trải để nâng cao hiệu quả. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng có chuyển biến nhưng còn lúng túng.

Chính vì vậy, Thủ tướng kêu gọi các địa phương góp ý cho công tác điều hành của Chính phủ cũng như đề ra các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn bởi như sự thẳng thắn nhìn nhận của một Phó Thủ tướng, trong điều hành nền kinh tế  năm 2012, chính sách phản ứng chưa kịp thời. Đồng tình và nhất trí cao với một số nghị quyết mà Chính phủ ban hành trong năm 2013, trong đó có nghị quyết chuyên đề về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu, hỗ trợ thị trường, song nhiều ý kiến cho rằng, các gói giải pháp cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận vốn. Do đó, trong chính sách tiền tệ, cần hết sức lưu ý kiểm soát nguồn cung tín dụng. Nguồn tiền này phải  rót vào sản xuất, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo việc làm và tạo nhiều sản phẩm. Nếu tiếp tục “bơm” vào những lĩnh vực không mang lại hiệu quả dễ dẫn đến tăng gánh nặng nợ xấu và bất ổn thị trường.

Nguyên nhân sâu xa của lạm phát, theo nhận định của giới chuyên gia, là từ cơ cấu kinh tế, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng vốn và yếu kém trong điều hành, trong khi tái cơ cấu kinh tế mới chỉ khởi động. Để tiếp tục kiềm chế lạm phát năm 2013 cần nắm chắc những tác động làm tăng giá, không nên tăng giá đồng loạt để tránh gây lạm phát tâm lý.