Tranh giả, tranh nhái cần đẩy lui bằng hành lang pháp lý

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tranh Đông Dương cán mốc triệu đô không còn là điều bất ngờ với những người yêu mến hội họa Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu, tranh Việt Nam trên sàn quốc tế đang ở độ “tuổi dậy thì” đầy mạnh mẽ và sẽ còn tiếp tục lập kỷ lục trong thời gian tới.

Tranh triệu đô không còn gây bất ngờ

Bức “Cô gái đội nón lá bên sông” của Mai Trung Thứ vừa được nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong giao dịch thành công với giá 1,5 triệu USD vào tháng 12-2021. Đây là bức tranh triệu đô thứ 9 của mỹ thuật Việt Nam. Trước đó, tháng 5-2019, bức “Nude” của Lê Phổ được bán giá 1,4 triệu USD trong phiên đấu giá “20th Century & Contemporary Art” của Christie’s tại Hong Kong. Cũng tháng 5-2019, bức “Vỡ mộng” của Tô Ngọc Vân được bán hơn 1,1 triệu USD. Tháng 4-2021, bức “Phong cảnh chùa Thầy” của Phạm Hậu đạt mức giá 1 triệu USD. Cũng trong phiên đấu giá Sotheby’s, bức “Chân dung cô Phương” của Mai Trung Thứ đã xác lập kỷ lục với 3,1 triệu USD…

Bức “Trà đàm” của Mai Trung Thứ là độc bản nhưng lại có tới 3 bức xuất hiện trên sàn đấu giá quốc tế

Bức “Trà đàm” của Mai Trung Thứ là độc bản nhưng lại có tới 3 bức xuất hiện trên sàn đấu giá quốc tế

Danh sách các bức tranh đắt giá của hội họa Việt sẽ không dừng lại. Điều này được các nhà nghiên cứu khẳng định chắc như đinh đóng cột bởi độ quý hiếm và độc đáo của tranh Đông Dương. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến cho rằng, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được họa sĩ người Pháp Victor Tardieu và họa sĩ Nam Sơn lập nên đã giúp những họa sĩ Việt Nam được tiếp xúc với văn hóa, văn minh phương Tây đầy mới mẻ qua mỹ thuật. Các học sinh trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được vẽ theo cách Tây, nhưng dùng tâm tình của người Việt. Điều đó đã tạo nên một dòng nghệ thuật hoàn toàn khác biệt với nền hội họa Trung Quốc và Nhật Bản.

Tranh Đông Dương nói riêng và của Việt Nam nói chung sẽ bị mất giá cũng như đánh mất niềm tin trên trường quốc tế nếu tranh giả vẫn tiếp tục tràn lan. Chúng ta chưa có cơ chế xử phạt người nước ngoài tiếp tay cho tranh giả, trong khi tranh giả vẫn tiếp tục lợi dụng các sàn đấu giá quốc tế lớn như Sotheby's, Christie… hoặc tên tuổi của cố vấn nghệ thuật lớn để nâng giá.

Ông Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam

Hiện nay, tranh thời kỳ Đông Dương có một vị trí rất đặc biệt trên thị trường quốc tế. Các nhà đấu giá danh tiếng như Sotheby’s hay Christie đã đặt sàn đấu giá ngay ở châu Á như Hồng Kông hay Singapore để thuận tiện cho việc tổ chức các phiên đấu giá dành cho tranh Á châu. Và trong đó, tranh Đông Dương luôn chiếm một vị trí quan trọng. Tại Pháp, những nhà đấu giá bây giờ vẫn có những buổi đấu giá dành riêng cho nền mỹ thuật Đông Dương. “Nhiều tác phẩm tranh Đông Dương đã nổi tiếng thế giới và có giá trị cao trên sàn đấu giá quốc tế. Việc những tác phẩm của những họa sĩ Đông Dương được “gõ búa” với mức giá triệu đô đã không còn quá lạ lẫm với giới mỹ thuật trong nước và nước ngoài” - nhà nghiên cứu Hải Yến nói.

Giám tuyển Ace Lê hiện đang sinh sống tại Singapore nhận định, tranh Đông Dương mấy năm gần đây tăng giá do đã trải qua thời gian, các nhà sưu tập Việt vẫn thiên về gu duy mỹ và xu hướng hoài cổ, nên chuộng tranh hiện đại với quy tắc thẩm mỹ cổ điển. Giá tranh tăng cao thu hút nhóm đầu cơ đón sóng kiếm lời, ngoài khách Việt gần đây có thêm khách từ Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đông Nam Á...

Với nhiều năm theo dõi các sàn đấu giá quốc tế, họa sĩ Lê Huy Tiếp - nguyên Chủ tịch Hội đồng đồ họa (Hội Mỹ thuật Việt Nam) khẳng định, tranh Việt có giá triệu đô phần lớn do người Việt mua về. Hay nói cách khác, giá tranh Đông Dương được đẩy lên cao là nhờ các nhà sưu tầm người Việt. “Việc coi mỹ thuật là một kênh đầu tư sinh lời mới trở thành trào lưu được một số người giàu ở Việt Nam quan tâm. Dù muộn hơn so với các nước, song, đó là tín hiệu đáng mừng. Phải nói rằng, tranh Việt trên các sàn đấu giá quốc tế đều là do người Việt quyết định mức giá. Giá tranh lên cao hay xuống thấp cũng là do người Việt” - họa sĩ Lê Huy Tiếp chia sẻ.

Bức “Nhà tranh gốc mít” của Nguyễn Văn Tỵ bị làm giả (bên phải)

Bức “Nhà tranh gốc mít” của Nguyễn Văn Tỵ bị làm giả (bên phải)

Đắt, hiếm nên dễ bị làm giả

Bên cạnh niềm vui mừng và tự hào vì tranh Đông Dương nhận được sự quan tâm của giới đầu tư, dòng tranh này cũng gắn liền với nạn làm tranh giả, tranh nhái tràn lan. Cuối tháng 9-2021, nhà đấu giá Drouot (Pháp) đã đưa lên website rao bán 6 bức tranh được cho của họa sĩ Bùi Xuân Phái và 1 bức được cho là của họa sĩ Lê Phổ. Cả 7 bức tranh này đều bị các họa sĩ trong nước đặt ra nghi vấn tranh giả. Sau đó, họa sĩ Lê Huy Tiếp, bằng sự ảnh hưởng của mình đã thông tin tới nhà đấu giá Drouot. Nhà cái này đã rút 3 bức tranh giả Bùi Xuân Phái, nhưng để lại 3 bức khác vẫn đề tên Bùi Xuân Phái, một bức đề tên Lê Phổ trên website đồng thời cho biết “sẽ không bán, chỉ không thu hồi tất cả tranh để tránh xúc phạm chủ sở hữu”.

Tháng 9-2021, Sotheby’s Hong Kong đã rao bán bức “Nhà tranh gốc mít” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ và lập tức gia đình cố họa sĩ đã lên tiếng khẳng định tranh giả. Đến ngày 5-10, bức bình phong được gỡ xuống. Tháng 10-2021, bức “Trà đàm” của Mai Trung Thứ được đấu giá thành công ở mức gần 15 tỷ đồng trên sàn của Aguttes. Nhưng trước đó, bức “Trà đàm” độc bản lại từng xuất hiện ở nhà Sotheby's các năm 2004 và 2020 và bị giới phê bình Việt Nam cho là tranh giả. Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam bức xúc: “Tôi tin chắc chắn có một đường dây trong và ngoài nước kết hợp cùng nhau, mua chuộc các chuyên gia, làm hồ sơ giả và cuối cùng lại bán cho chính người Việt hoặc các nhà sưu tập chỉ vì mục đích thương mại. Điều đó thật đáng buồn cho nền mỹ thuật Việt Nam bởi nó sẽ bị giết chết bởi những vụ việc như thế này”.

Nhà nghiên cứu Phạm Long cho rằng, việc tranh của các họa sĩ Đông Dương dễ bị làm giả ở nước ngoài do phần lớn các tác giả đã mất. “Chúng ta chỉ có một số văn bản liên quan, nhưng không bảo vệ được các tác phẩm, tác giả cũ (ví dụ từ thời Đông Dương) vì không có bằng chứng của tác phẩm gốc (trừ những tác phẩm còn trong bảo tàng hoặc các nhà sưu tập có tên tuổi). Hiện nay, chưa có các văn phòng luật, luật sư đại diện cho các tác giả nên khó đấu tranh về mặt pháp lý với các thương vụ tranh giả ở nước ngoài”.

Bằng lý lẽ của một nhà giám tuyển, Ace Lê cho rằng, nạn tranh Đông Dương bị làm giả, trước hết là chuyên môn thẩm định lỏng lẻo từ các nhà đấu giá và đội ngũ tư vấn tranh Việt của họ. Thứ hai là hiểu biết và khả năng tái thẩm định hạn chế của những nhà sưu tập. Thứ ba là khung luật và cơ chế xử lý sơ sài với những giao dịch và hoạt động trong vòng kiểm soát của cơ quan quản lý Việt Nam.

Bức “Chân dung cô Phương” của Mai Trung Thứ đang giữ kỷ lục tranh Việt trên sàn đấu giá quốc tế với 3,1 triệu USD

Bức “Chân dung cô Phương” của Mai Trung Thứ đang giữ kỷ lục tranh Việt trên sàn đấu giá quốc tế với 3,1 triệu USD

Ông Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định, tranh Đông Dương nói riêng và của Việt Nam nói chung sẽ bị mất giá cũng như đánh mất niềm tin trên trường quốc tế nếu tranh giả vẫn tiếp tục tràn lan. “Chúng ta chưa có cơ chế xử phạt người nước ngoài tiếp tay cho tranh giả, trong khi tranh giả vẫn tiếp tục lợi dụng các sàn đấu giá quốc tế lớn như Sotheby's, Christie… hoặc tên tuổi của cố vấn nghệ thuật lớn để nâng giá” - ông Lương Xuân Đoàn khẳng định. Ông Lương Xuân Đoàn trông chờ hành lang pháp lý đầy đủ hơn khi Luật Mỹ thuật được ra đời trong một vài năm tới đây. “Tôi được biết hiện Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đang soạn thảo dự thảo Luật Mỹ thuật. Theo tôi, nội dung quy định trong luật này cần được cụ thể hóa, giúp xử lý được những vấn đề mà Nghị định 113/ NĐ-CP năm 2013 về quản lý hoạt động mỹ thuật chưa giải quyết được” - ông Lương Xuân Đoàn cho biết.

Họa sĩ Đỗ Phấn: Độ lùi của thời gian là thước đo mỹ thuật chính xác nhất

Tranh Đông Dương đã trải qua ngót 1 thế kỷ “cọ xát” với thị trường, thị hiếu. Giờ là lúc đã được nhận chân giá trị. Tranh, tượng ở bất kỳ thời đại nào cũng đều cần khoảng thời gian tương tự để chứng tỏ độ bền vững cả về vật liệu và thẩm mĩ. Với mĩ thuật, có lẽ độ lùi của thời gian mới là thước đo chính xác nhất. Người ta không dễ gì tin ngay vào những tìm tòi mới mẻ được quảng cáo dù công phu đến mấy. Tuy nhiên, cũng như mọi nền mỹ thuật, không phải tác phẩm nào của mỹ thuật Đông Dương cũng đều là kiệt tác. Nhiều tranh xấu được ăn theo trong trào lưu này. Và cũng không loại trừ đây là cả một chiến dịch nhằm PR của vài nhà đấu giá quốc tế.

Mặt khác, với mặt bằng hiểu biết của người xem trong nước thì có vẻ như những quảng cáo của nhà đấu giá là đáng tin cậy hơn cả. Chính vì thế giá tranh được đẩy lên cao. Nhưng theo tôi biết thì hầu hết những bức tranh cao giá ấy được các nhà sưu tập Việt Nam mang về, chưa thể đánh giá phẩm chất đích thực của chúng trong các bộ sưu tập thế giới. Đơn giản nhất ta nên hiểu rằng, cái gì bán được giá thì chắc chắn sẽ trà trộn vào đấy không ít đồ giả, hoặc đồ thật nhưng chất lượng không tương xứng với giá tiền.

Mọi quy định dù chưa có ở ta, song thế giới đã có từ lâu. Chúng ta cần một cơ quan nào đó được giao trách nhiệm có tính quốc gia để lên tiếng phủ nhận hoặc công nhận chất lượng của những tác phẩm mỹ thuật. Kèm theo đó cũng cần có một chế tài cụ thể với các hành vi xâm phạm theo luật bản quyền đã có. Ta cũng không nên quá tin vào việc xác nhận của gia đình họa sĩ vì 2 lẽ. Một là bản thân họa sĩ cũng ít người nhớ nổi những tranh mình từng vẽ ra, nói gì đến thân nhân của họ. Hai là vì những lý do phi nghệ thuật khác, người ta có thể xác nhận ngay cả những thứ mình không chắc chắn là đúng.

Yên Vân (Ghi)