Chuyện kể ở những nơi trai gái bị “cấm yêu” hàng trăm năm (3)

“Tránh duyên” vì lời "sấm truyền"

ANTĐ - Chỉ vì mâu thuẫn trong việc đất cát của hai thôn dẫn đến việc mâu thuẫn hàng nghìn đời nay. Mẫu thuẫn đến nỗi ghét nhau rồi đặt bia đá thề độc sẽ “không bao giờ lấy nhau, có lấy nhau cũng không hạnh phúc”. Vì thế mà trai gái hai thôn hàng chục thế kỷ nay bị giam hãm trong lời “sấm truyền” đó không dám kết hôn với nhau. Đó là câu chuyện diễn ra ở hai thôn Cổ Loa và Dục Tú thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Đình làng Dục Tú, nơi từng đặt bia đá có lời “sấm truyền” không bao giờ lấy nhau, 
lấy cũng không hạnh phúc

Từ việc được ban đất

Về thôn Dục Tú, chúng tôi được mọi người giới thiệu tới gặp cụ Nguyễn Thị Thúy An, là người giữ chùa của làng. Rất may là được gặp cụ, khi được hỏi về câu chuyện trai gái hai thôn đã gần nghìn năm phải “tránh duyên” cụ chỉ cười và nói: “Đó là chuyện của tổ tiên, tôi cũng chỉ được biết từ cha ông truyền lại mà thôi”. Theo cụ An thì sự việc bắt nguồn từ một mảnh đất Vua Ngô Quyền ban cho bà thứ phi tên Đào Thị Sa dẫn đến việc hai thôn tranh chấp nhau hàng nghìn năm từ đời này qua đời khác. Không ngờ từ mâu thuẫn đó mà trai gái cũng chẳng yêu đương gì nhau luôn.

Tương truyền lại thứ phi Đào Thị Sa vốn là con gái nuôi nhà họ Đỗ trong thôn Dục Tú, vì bố mẹ bị mất sớm nên bà đi làm phận con nuôi. Khi bà lớn lên có một nhan sắc tuyệt trần. Một hôm bà đang cắt cỏ ven đường cạnh cây đa, khi đó Vua Ngô Quyền có việc đi kinh lý qua vùng Dục Tú, quân lính phải đi trước để dọn đường cho vua. Lúc dẹp đến đó lính tráng thấy bà không tránh liền quát tránh để nhường đường cho vua đi. Bà không tránh mà chỉ nhìn quân lính rồi trả lời “người nào có việc người đó, vua có việc của vua, tôi có việc của tôi cớ sao lại bắt tôi nghỉ việc”. Nói rồi bà lại điềm tĩnh cắt cỏ như không có chuyện gì và hát câu: “Tay cầm bán nguyệt xênh xang, trăm ngàn ngọn cỏ đầu hàng tay ta”.

Quân lính thấy bà ngang bướng liền bắt bà lại, rồi tới bẩm báo với vua. Nhà vua thấy sự lạ là một người con gái thôn quê lại dám to gan như vậy liền cho dẫn tới xem mặt. Khi nhìn dung mạo thấy là một thôn nữ tài sắc, người toát mùi hương thơm rất lạ, khẩu khí đối đáp lại rất hiên ngang, khí phách. Thấy vậy vua đem lòng yêu mến bèn đón về cung và lấy làm thứ phi. Khi làm vợ vua, bà Đào Thị Sa đã giúp vua được rất nhiều công trạng. Nhưng ngặt một nỗi là bà lại không sinh hạ cho vua được người con nào. Sau cùng bà chán nản nên xin vua cho lui về quê ở, giữ không được nên vua đành cho bà về và ban cho bà nhiều vàng bạc, châu báu. Nhưng bà không lấy thứ gì chỉ xin vua mảnh đất cho dân làng Dục Tú quê của mình để cày cấy mà thôi. Vua cho bà chọn ở đâu sẽ phong cho ở đó, bà xin cho vua thả quả bầu xuống sông Hoàng Giang chảy qua địa phận của làng, nếu quả bầu trôi đến đâu thì xin vua cắt đất cho dân làng của bà tới đó.

Khi thả, quả bầu trôi đến địa phận làng Cổ Loa thì mắc dừng lại, vua liền chiếu theo cắt đất cho bà đến đó. Sau đó bà mang dân làng Dục Tú khai khẩn, trồng trọt lập nên một cái chợ có tên là Chợ Sa vẫn tồn tại đến ngày nay ở mảnh đất vua ban, dựng lên ngôi làng trù phú. 

Đến cuộc tranh chấp nghìn năm và lời thề “không bao giờ lấy nhau”

Còn dân làng Cổ Loa bỗng dưng mất đất thì ấm ức, cho rằng dân làng Dục Tú lấn chiếm đất của mình và đòi lại. Việc tranh chấp đó diễn ra từ đời này sang đời khác mà không có hồi kết, theo bậc cao niên trong thôn thì thế kỷ nào cũng diễn ra việc tranh giành đòi lại đất giữa hai thôn. 

Từ đòi miệng không được, làng Cổ Loa quay sang kiện lên quan để đòi lại mảnh đất vua ban đó cho bên Dục Tú. Cuộc kiện tụng thì thời nào cũng xảy ra tới tận những năm đầu của thế kỷ XX. Theo như cụ An nhớ thì từ lúc cụ còn nhỏ cũng được chứng kiến cuộc kiện tụng của hai thôn, chính ông nội và cha thân sinh ra cụ An là những người trực tiếp phải lên quan để hầu kiện. Nhưng trớ trêu thay cuộc kiện tụng thế kỷ đó phần thắng lần nào cũng nghiêng về bên làng Dục Tú, chưa một lần nào Cổ Loa được kiện cả. Dục Tú thì suốt ngày phải hầu kiện vì mảnh đất vua ban, còn Cổ Loa thì nhất quyết đòi bằng được mảnh đất từ nghìn xưa. Từ việc đất cát đó dẫn dến dân làng hai thôn cũng kình địch và ghét nhau, người hai thôn coi nhau như nước với lửa, không buôn bán, giao dịch hay tiếp xúc với nhau. Đỉnh điểm là việc dân làng Dục Tú nhiều thế kỷ trước cho lập ngay một bia đá khắc dòng chữ “thề không bao giờ trai gái Dục Tú lấy người Cổ Loa, có lấy thì cũng sẽ không được hạnh phúc”. Trai đinh hai thôn cũng thường xung đột với nhau gay gắt, và có rất nhiều lần xảy ra xô xát từ những cuộc xung đột đó dẫn đến tình cảm giữa hai thôn ngày càng xa cách.

Và sau đó là khoảng thời gian một nghìn năm người ta chứng kiến cảnh trai gái hai thôn không bao giờ kết hôn với nhau. Phần cũng có ác cảm với nhau, phần vì tin vào lời khắc ghi “sấm truyền” ở bia đá của làng Dục Tú nếu có lấy nhau thì cũng sẽ không được hạnh phúc nên trai gái hai làng gần nghìn năm “tránh duyên”. Theo cụ An thì lời nguyền của các cụ là vậy nhưng vẫn có nhiều đôi trai gái hai thôn có tình cảm với nhau. Trong đó có những câu chuyện tình còn được truyền miệng đến tận ngày nay. Nhưng dù sâu đậm đến đâu thì họ vẫn phải chia lìa vì không dám trái với lời “sấm truyền” thề độc năm xưa trên bia đá.

Nghìn năm mới dám bỏ lời “sấm truyền”

Cuộc tranh chấp đất cát rồi cũng có hồi kết một cách tốt đẹp giữa hai làng khi vào nhiều năm trước đây, Dục Tú đã tự nguyện cắt đất chia đôi với Cổ Loa. Từ đó đã chấm dứt được cuộc kiện tụng hàng nghìn năm của hai làng và hiện tại hai bên cùng canh tác, làm ăn trên phần đất đó một cách yên ổn. 

Tuy vụ tranh chấp đã qua nhưng lời “sấm truyền” người dân hai thôn vẫn e sợ, mặc dù chiếc bia đá khắc ghi lời “sấm” năm xưa cũng được dẹp bỏ từ lâu. Phải đến vài chục năm sau thì có một người con trai ở Dục Tú yêu một thiếu nữ ở Cổ Loa say đắm. Mọi người hai thôn đã ngăn cản sợ trái với lời thề độc năm xưa. Nhưng vì tình yêu nên đôi trai gái đó đã vượt qua tất cả để đến với nhau. Và cụ An tiết lộ, hai người đó chẳng ai xa lạ chính là em trai và em dâu của cụ. Bây giờ cả hai đã lên chức ông, chức bà cả rồi và cuộc sống khá hạnh phúc. Từ đó đã thêm những đôi lứa thành đôi giữa hai thôn theo cụ tính thì cũng có khoảng gần chục cặp rồi. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có những cặp trai gái trẻ hiện nay vẫn tin vào lời “sấm truyền” hoặc do các cụ sợ phạm vào lời xưa nên vẫn ngăn cản, mặc cho những đôi lứa trước kia vẫn sống yên ổn, hạnh phúc nhưng họ vẫn không tin tưởng.

Vậy là sau đúng gần một nghìn năm trai gái phải “tránh duyên” ở hai thôn Dục Tú và Cổ Loa thì một kết quả tốt đẹp đã đến. Những cặp “uyên ương” đã có thể đến với nhau dẹp bỏ được lời nguyền tồn tại hàng chục thế kỷ chỉ vì xuất phát từ việc tranh chấp giữa hai thôn. Và giờ đây hai làng đang được chứng kiến những “bông hoa” đang nở rộ từ những tình yêu của đôi lứa hai thôn.

Kỳ 4: Về làng “tỷ phú” nghe chuyện “cấm yêu” vì sợ lời nguyền