Tranh đồ họa Việt Nam tụt hậu ngay trong khu vực

ANTD.VN - Sau 4 năm gặp lại, triển lãm tranh đồ họa các nước ASEAN-Việt Nam 2016 đã làm người xem choáng ngợp trước sự vượt trội của các họa sỹ Thái Lan cả về kỹ thuật và nghệ thuật. Trong khi ấy, nước chủ nhà Việt Nam lại tỏ ra yếu thế, tụt hậu đến mức, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm phải thốt lên: “Nhiều kỹ thuật mới và lạ đã được các họa sỹ Thái Lan sử dụng thuần thục trong tranh mà các họa sỹ Việt Nam chưa từng được biết đến”… 

Tranh đồ họa Việt Nam tụt hậu ngay trong khu vực  ảnh 1Tác phẩm khắc gỗ “Công trình cho con” của Nguyễn Khắc Hân 

Không cập nhật kỹ thuật sáng tác

Sự cách biệt giữa đồ họa Thái Lan và Việt Nam thực chất không có gì đáng ngạc nhiên. Bởi các họa sỹ Thái có truyền thống làm đồ họa cả trăm năm nay và được đào tạo bài bản tại các trường đại học mỹ thuật. Không riêng trong khu vực ASEAN, Thái Lan là nước có nghệ thuật đồ họa phát triển bằng các nước ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc. So với kỳ liên hoan đầu tiên cách đây 4 năm (2012), các họa sỹ Việt Nam đã có sự đầu tư kỹ lưỡng hơn cho các tác phẩm dự thi. Về kích thước, tranh đã to hơn, cũng bớt đi sự kể lể rườm rà hoặc mộc mạc đến khó hiểu và đã xuất hiện một số tác phẩm “đến đầu đến đũa”. 

Tuy nhiên, tất cả mới chỉ dừng lại ở sự cải thiện chính mình, còn khi “đem chuông đi đánh xứ người”, đồ họa Việt Nam rất khó để bứt phá và ghi dấu ấn. Nguyên nhân của tình trạng này không hẳn do các họa sỹ Việt Nam không tài năng bằng các họa sỹ trong khu vực mà chính phương tiện kỹ thuật hạn hẹp, sự đầu tư cho vật tư hạn chế đã khiến đồ họa Việt Nam gặp khó khăn.

Do chiến tranh và điều kiện kinh tế, cách đây 20 năm Việt Nam mới có máy in kẽm và cách đây 10 năm mới có máy in đá. Hiện nay, các nguyên vật liệu phục vụ cho quá trình sáng tác của các họa sỹ đồ họa ở ta cũng rất khó khăn, nếu không muốn nói là không có để sử dụng. Mực in đá, mực in kẽm chuyên dùng cho nghệ thuật không bán trên thị trường, thay vào đó, các họa sỹ đã phải dùng mực in offset nên chất lượng tác phẩm rất thấp. Các bản kẽm lớn dùng trong in ấn hoàn toàn không có nên kích thước tranh thường nhỏ. 

Tranh đồ họa Việt Nam tụt hậu ngay trong khu vực  ảnh 2Tác phẩm “Ngập ngừng” của tác giả Natchaya Wangsilabat (Thái Lan) đoạt giải Ba triển lãm tranh đồ họa các nước ASEAN 

Khách hàng thúc đẩy giúp họa sỹ sáng tác

Chính sự thiếu thốn về phương tiện kỹ thuật đã dẫn tới các bức tranh đồ họa Việt Nam có chất lượng rất thấp. Nếu để nắng chiếu vào thì chỉ 3 ngày sau, màu in đã bay hết, do chất liệu giấy để in tranh thường là giấy văn phòng, không phải loại giấy chuyên dùng có giá tới 4USD một tờ và mực in cũng được tận dụng. Cũng do sáng tác trong điều kiện thiếu thốn nên các kỹ thuật in, dù không mới trên thế giới nhưng lại bỗng trở nên lạ lẫm với các họa sỹ Việt Nam.

Nhìn tổng thể về ngành đồ họa Việt Nam rất đáng lo ngại, không chỉ còn là sự tụt hậu về kỹ thuật mà sự nhận thức của những người làm nghề đã đẩy đồ họa vào thế khó. Những họa sỹ có tài của ngành đồ họa thường lại sống bằng… hội họa và không biết từ bao giờ, chỗ đứng của đồ họa luôn bị xem thường trong nhìn nhận của giới làm nghề và những người yêu nghệ thuật. Có thể, trong con mắt của công chúng, những tác phẩm đồ họa  không phải độc bản đã ít nhiều bị giảm giá trị. 

Thị trường nghệ thuật thế giới lại cho thấy điều ngược lại, các tác phẩm đồ họa lại rất tiện lợi cho quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế bởi sự gọn, nhẹ và lượng khách hàng thường đông đảo do giá tranh rất… bình dân. Hơn thế, lực lượng sáng tác đồ họa cũng rất ít ỏi đã làm cho nhu cầu sử dụng nguyên liệu tốt vốn đã khan hiếm lại càng gặp nhiều khó khăn hơn. Một lý do nữa khiến đồ họa không được ưa chuộng tại Việt Nam là vì kỹ thuật in tác phẩm thấp, chưa đảm bảo cho việc trưng bày và lưu giữ ở điều kiện thông thường. Do vậy, để đồ họa Việt Nam được đánh giá đúng và có hướng đi tích cực, các họa sỹ Việt Nam cần nâng cao chất lượng tác phẩm bằng việc sử dụng nguồn vật tư chuẩn. Khi cầu tăng lên thì ắt cung sẽ xuất hiện.

Bên cạnh đó, trước sự tụt hậu về mặt kỹ thuật, Nhà nước cần định hướng để đồ họa Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại bằng việc cho nhập máy móc, vật tư phục vụ nhu cầu học tập của sinh viên tại các trường đại học, xây dựng và hình thành các trung tâm nghệ thuật đồ họa… Đây chỉ là một số điều kiện cần, còn để đồ họa “sống khỏe, sống tốt” thì chính khách hàng nội địa mới giúp thúc đẩy các họa sỹ sáng tác nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn cho các tác phẩm luôn được đánh giá cao ở cái tình đậm đà trong tranh, sự gần gũi và thân thuộc rất đặc trưng của tâm hồn Việt.