Nhân triển lãm Asean đầu tiên ở Việt Nam:

Tranh đồ họa tụt hậu xa

ANTĐ - Lần đầu tiên, Việt Nam đứng ra đăng cai tổ chức triển lãm tranh đồ họa Asean, nơi quy tụ các họa sỹ tranh đồ họa trong khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là cơ hội để các họa sỹ Việt Nam “biết mình biết ta” và giật mình về sự tụt hậu.

Tác phẩm đoạt giải nhất “Chuyển động của thiên nhiên” - nữ tác giả người Thái Lan-Aonrudee PornChame

Thụt lùi về kỹ thuật

Trong “rừng hoa” muôn sắc của cuộc triển lãm lần này, các tác phẩm tranh đồ họa của Việt Nam gần như lọt thỏm về mặt kỹ thuật. Nếu như tranh của các nước bạn sắc sảo trong từng đường nét với trình độ tay nghề cao, đủ cả 5 kỹ thuật là in phẳng, in lõm, in cao, in lưới và in đá thì tranh của các họa sỹ Việt Nam vẫn cứ vụng về, tay nghề chỉ ở mức hạng trung và yếu. Cho dù, ở Việt Nam các họa sỹ không ngô nghê hay thua kém so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, nhưng tư duy và quan niệm sáng tác quá coi trọng cảm xúc, đề cao cảm xúc đến mức thái quá đã khiến các họa sỹ nước chủ nhà lơ là kỹ thuật. Trong khi đó, tranh đồ họa lại đặc biệt coi trọng trình độ tay nghề.

Quan niệm cho rằng ý tưởng tác phẩm và nội dung tác phẩm được bộc lộ mới là điều quan trọng nhất đã đẩy các tác phẩm tranh đồ họa Việt Nam vào dòng tranh mang tính dân gian cao. Điểm nổi trội ở đây là sự  nôm na, đại khái, tuy mộc mạc gần gũi nhưng vẫn thiếu sự sang trọng và “cái tầm” nhất định. 

Tác phẩm đoạt giải ba “Chiến tranh 1-chiến tranh 2”- Đỗ Hữu Quyết

Đặc biệt, sự tụt hậu về kỹ thuật không chỉ thấy rõ ở các họa sỹ mà ngay với các thành viên ban giám khảo cũng lúng túng trước những tác phẩm đến từ các nước ASEAN đạt đến trình độ tay nghề điêu luyện và vượt trội. Họa sỹ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã không ngần ngại bày tỏ nỗi băn khoăn của ông khi cầm trên tay một số tác phẩm dự thi đến từ các nước trong khu vực: “Tôi không biết các họa sỹ ASEAN làm thế nào để tạo ra hiệu quả nghệ thuật như vậy. Sau khi nghe anh Lê Huy Tiếp, một chuyên gia hàng đầu về đồ họa Việt Nam giải thích cách làm của các họa sỹ tôi mới… ngớ người ra”. 

Tuy bị tụt hậu so với các nước trong khu vực nhưng trong tổng số 17 giải thưởng do BTC trao tặng thì Việt Nam cũng chiếm đến 6 giải và có đủ cả giải Nhì, Ba và Khuyến khích. Giải thích về cơ cấu giải thưởng có phần khá mâu thuẫn với thực tế của cuộc triển lãm, họa sỹ Vi Kiến Thành, Trưởng BTC cuộc thi trần tình: “Do thời gian phát động và tiến hành triển lãm chỉ diễn ra trong vòng 2 tháng rưỡi nên số lượng tác phẩm các nước bạn tham dự chưa thật sự hùng hậu, các họa sỹ Việt Nam vẫn áp đảo về số lượng. Việt Nam chiếm đến 6/17 giải thưởng của triển lãm tranh đồ họa ASEAN lần thứ nhất cũng là điều dễ hiểu”. 

Tác phẩm đoạt giải nhì “Tứ phủ”-Phạm Khắc Quang

Quá quen với lối mòn

Đặt trong tương quan giữa các tác phẩm tranh đồ họa Việt Nam và các nước bạn, có thể nhận ra điểm hạn chế thứ hai. Đó là sự gò bó về đề tài của các họa sỹ Việt Nam. Các tác phẩm chỉ xoay quanh các đề tài quen thuộc như chiến tranh, nông thôn, phong cảnh hữu tình. Còn họa sỹ các nước bạn lại tỏ ra phóng khoáng về đề tài thể hiện từ tôn giáo, chính trị đến các vấn đề xã hội đều được đưa vào tranh. Chính sự gò bó này đã làm cho “sân chơi” của các họa sỹ Việt Nam trở nên chật hẹp và khó khăn hơn khi phải cạnh tranh giải thưởng với chính họa sỹ nước mình. Các họa sỹ Việt Nam đã mặc định sáng tác theo thói quen từ trước đến nay với các mảng đề tài đã định sẵn để công chúng hiểu điều tác giả muốn nói trong tác phẩm và trở nên lóng ngóng nếu như sáng tác ở các mảng đề tài mới lạ. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, các họa sỹ Việt Nam đang sáng tác trên một lối mòn về đề tài. 

Thế nhưng, ông Lê Huy Tiếp, nguyên Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật-Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành viên BGK cuộc thi lần này đã bác bỏ ý kiến trên và giải thích: “Tôi thấy mừng vì các họa sỹ thế hệ ngày nay vẫn dành nhiều công sức và thời gian để sáng tác về mảng đề tài chiến tranh. Điều này không khó hiểu khi Việt Nam là đất nước trải qua nhiều các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đây là mảng đề tài rất rộng để các họa sỹ của chúng ta sáng tác và diễn đạt suy nghĩ của họ về ký ức đã qua”. Ông Tiếp cũng cho biết thêm: tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là đất nước phát triển số 1 về tranh đồ họa. Rất khó có một quốc gia nào trong ASEAN có thể qua mặt được các họa sỹ Thái Lan. Và tất nhiên, việc một nữ họa sỹ Thái Lan hiện đang là sinh viên trường nghệ thuật đoạt giải Nhất của cuộc thi mang tầm khu vực như triển lãm tranh đồ họa ASEAN không phải là điều quá bất ngờ. 

Nhiều người trong cuộc khi được hỏi về cái được của chủ nhà qua một triển lãm mang tính khu vực, đã khẳng định rằng, đó là cơ hội quý để họa sỹ Việt Nam được dịp hiểu hơn về thế mạnh và nhìn nhận thật hơn về điểm yếu cần khắc phục của mình, nếu không muốn cứ mãi là người đi sau.