Tranh dân gian... ế hàng

ANTĐ - Chơi tranh dân gian là thú vui tao nhã của nhiều gia đình những ngày giáp Tết. Tuy nhiên, để tìm được sản phẩm tranh chính gốc từ các thương hiệu nổi tiếng như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống… lại không hề đơn giản.

Khách du lịch tìm về tận làng tranh Đông Hồ để sở hữu những bức tranh dân gian

Tranh thật khó tìm

Sở hữu một tuyệt phẩm của các dòng tranh dân gian có tiếng như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng… để trong nhà là thói quen của nhiều gia đình mỗi dịp Tết cận kề. Có thể chơi và treo quanh năm nhưng để cảm nhận được cái đẹp và ý nghĩa đủ đầy của loại tranh này phải chờ đến những ngày đầu năm mới. Dòng tranh Đông Hồ với nhiều tác phẩm phong phú như “Vinh Hoa – Phú Quý” trong đó có hình tượng em bé trai ôm chú gà và em bé gái ôm chú vịt, tượng trưng cho ước muốn hiển đạt với đủ đức hạnh như nhân, nghĩa, tín, dũng, văn võ song toàn, duyên dáng, dịu hiền, ước muốn sinh nở; tranh “Gà đàn”, “Lợn âm dương” cầu chúc sung túc, an nhàn…, tranh Hàng Trống có tác phẩm nổi bật là tranh “Lý ngư vọng nguyệt” thể hiện rõ nét triết lý âm dương hòa hợp, ước nguyện đỗ đạt, vượt vũ môn của các sỹ tử… Ngoài ra, các bộ tranh Tứ quý, Tứ bình… cũng là sản phẩm được nhiều người ưa chuộng bởi nó mang lại nét xuân huyền diệu, tươi tắn… 

Tuy những năm trở lại đây, số lượng người mua tranh Tết giảm dần nhưng khi có nhu cầu, chỉ cần một vài thao tác tìm kiếm cũng dễ dàng tìm ra vô số đầu mối kinh doanh tranh Tết trên mạng. Các sản phẩm từ tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt xã hội, tranh truyện dân gian, tranh lịch sử, cảnh vật… đều được rao bán công khai, với đủ kích cỡ 37x52cm, 50x70cm, 60x80cm, 80x110cm… Giá cả có phần dao động, có bức chỉ có vài chục nghìn đồng nhưng cũng có bức lên đến chục triệu đồng. Nhưng đáng ngạc nhiên hơn là những bức vẽ tay, hoàn toàn không có bản khắc gỗ, nhìn gần thì nhiều chi tiết sai, màu cũng có phần rực hơn bình thường nhưng vẫn khẳng định là tranh Đông Hồ vẽ tay. Bởi vậy, người mua tranh cũng không khỏi băn khoăn liệu đó là tranh thật hay chỉ là một bản vẽ phác họa, vô hồn, không rõ nguồn gốc. Đó là chưa kể những bức tranh in sẵn được sản xuất hàng loạt để đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

“Lý ngư vọng nguyệt” là đỉnh cao của dòng tranh Hàng Trống

Phai mờ bản sắc

Có một điều đáng buồn là đi khắp Hà Nội cũng khó lòng tìm thấy nơi bày bán một bức tranh Tết của những dòng tranh dân gian nổi tiếng, vì giờ không gian giới thiệu những dòng tranh này dường như không còn. Với dòng tranh Hàng Trống nức tiếng một thời, hiện tại trên con phố này cũng không có một cửa hàng nào còn bán. Hỏi ra thì chỉ còn một địa điểm duy nhất nằm trong con ngõ sâu hun hút trên phố Cửa Đông, cũng chính là căn nhà của nghệ nhân Lê Đình Nghiên – người được coi là truyền nhân cuối cùng của tranh Hàng Trống.

Nghệ nhân này cho biết, tranh Hàng Trống đều được vẽ thủ công rất cầu kỳ, không thể làm giả được. Số lượng tranh hiện còn lại rất ít, hầu như vẽ đến đâu bán đến đấy. Trong số đó có những bộ tranh giá trị đã hoàn toàn biến mất hoặc chỉ còn lưu lại trong các bảo tàng hoặc nằm trong tay một số người sưu tập tranh, vì bản thân ông cũng không thể tái hiện được. Tranh Đông Hồ cũng chỉ được bán tại một cửa hàng nhỏ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, ở phố Chân Cầm, với số lượng ít ỏi khó lòng đáp ứng nhu cầu thị trường. Bởi vậy nhiều người đã tìm về tận làng tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) để mua tranh. Tuy nhiên, theo thời gian, những bức tranh ở đây cũng ít nhiều rơi vào tình trạng “tam sao thất bản”, khi so sánh các bản vẽ cũng thấy thiếu, thừa một vài chi tiết như chữ Hán, chữ Nôm, màu được sử dụng dần chuyển sang màu công nghiệp. Điều này vô tình làm mất đi những nét tinh tế, nhẹ nhàng trong tranh dân gian truyền thống, được coi là tinh hoa của dòng tranh Đông Hồ. Nhiều cơ sở cũng đã thay đổi cách thức kinh doanh bằng cách “cải tiến” mẫu mã, hoặc bán tranh in sẵn chứ không làm thủ công như trước. 

Tranh Tết dân gian kết tinh những phong vị truyền thống, thể hiện sự tài hoa, khéo léo của người nghệ nhân, và cũng là một nét đẹp văn hóa tinh thần của người dân đất Việt. Nhưng đáng tiếc, dường như nó đã dần đánh mất chỗ đứng ngay tại chính  nơi sản sinh ra dòng tranh này.