Tranh chấp bản quyền truyền hình: "VFF phải chịu trách nhiệm"

ANTĐ - Thay mặt Hội CĐV Việt Nam, Phó chủ tịch Trần Song Hải đã có những chia sẻ đầy tâm huyết xung quanh vấn đề tranh chấp bản quyền truyền hình, vốn đang rất nóng hiện nay.

PV: Quan điểm của anh về “cuộc chiến” bản quyền truyền hình giữa VPF, AVG và VFF như thế nào?

Ông Trần Song Hải: Theo dõi sự việc từ đầu đến giờ, có thể thấy các bên đều có những bằng chứng chứng minh mình đúng. VPF đưa ra 2 luận điểm, căn cứ trên Luật TDTT và Luật báo chí để khẳng định bản hợp đồng 20 năm ký giữa AVG và VFF là sai luật. Trong khi, AVG họ cũng có lập luận riêng để bảo vệ chính kiến của mình. Tôi không muốn đề cập tới tính đúng-sai của VPF và AVG.

PV: Vậy anh có nghiêng về “phe” nào không?

- VPF ra đời với tôn chỉ là làm trong sạch và phát triển bóng đá Việt Nam, việc họ lên tiếng đòi bản quyền thực chất cũng để phục vụ người hâm mộ. Trong khi AVG cũng không đáng trách. Bởi rõ ràng sau khi ký hợp đồng với VFF, họ đã đầu tư nhiều tiền của, xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực để thực hiện chiến lược dài hơi, trước mắt là 20 năm “gắn bó” với bóng đá Việt Nam. Vậy nên việc họ phản đối VPF, hay mới đây là tố cáo Đài VTC vi phạm bản quyền xét cho cùng cũng là để đảm bảo quyền lợi chính đáng. Tôi cho rằng, nguyên nhân để xảy ra những bất đồng trên là do VFF đã quá vội vàng khi đặt bút ký bản hợp đồng có thời hạn tới 20 năm. Nếu họ chỉ ký hợp đồng 3 hoặc 5 năm, tôi nghĩ có lẽ mọi chuyện đã không căng thẳng như hiện nay.

Người hâm mộ mong các bên hãy vì lợi ích và sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

PV: Nhắc lại việc Đài VTC được các CĐV Hải Phòng ủng hộ, còn Hội CĐV Việt Nam thì sao?

-Theo tôi việc các CĐV đất Cảng treo băng rôn ủng hộ, tạo sức ép lên BTC sân hay thậm chí còn hộ tống đoàn PV Đài VTC vào tác nghiệp tại sân Lạch Tray hôm 7-1, cũng chỉ vì muốn người hâm mộ nước nhà có thể theo dõi trực tiếp trận đấu, chứ chẳng phải do yêu quý VTC hay ghét AVG. Mong muốn của người hâm mộ cả nước là được xem càng nhiều càng tốt các trận đấu, chất lượng đảm bảo, bình luận viên sâu sắc. Nhiều năm qua, khán giả truyền hình đã quen với việc xem bóng đá trên các kênh truyền hình truyền thống của VTV, VTC. Giờ bảo xem của AVG, thậm chí nhiều người còn chẳng biết kênh TTAV của đơn vị này phát sóng băng tần nào, chất lượng hình ảnh ra sao, bình luận viên có hay không… nên chưa muốn đổi “khẩu vị”. Còn nếu sau này TTAV phát triển, phổ cập toàn quốc thì tôi nghĩ khán giả sẽ dễ dàng chấp nhận.

PV: Theo quan điểm của anh, việc tranh chấp bản quyền nên giải quyết theo hướng nào?

- Tôi ủng hộ với quan điểm của Bộ VH-TT&DL là các bên liên quan ngồi lại với nhau để thống nhất một phương án chung, có lợi cho tất cả. Chứ cứ đấu công văn với nhau thế này, vừa chẳng giải quyết được vấn đề, trái lại còn khổ các Đài như VTC và cả người hâm mộ. Căn cứ theo tình trạng hiện nay, có vẻ như đại diện các bên đều không muốn ngồi lại với nhau để giải quyết. Và nếu cứ tiếp diễn thì những sự cố như tại sân Lạch Tray hôm 7-1 sẽ lan rộng khắp các sân cỏ cả nước và có chiều hướng nghiêm trọng hơn. Khi đó, hậu quả khó lường và đáng nói hơn là sẽ chẳng ai đứng ra chịu trách nhiệm bởi trên thực tế Super League hay hạng Nhất hiện nay đang ở tình trạng vô chủ. Nguy hiểm hơn, nếu sự việc tiếp tục nghiêm trọng, nhiều khả năng Tòa án thể thao FIFA sẽ vào cuộc. Khi đó, chính bóng đá Việt Nam sẽ phải chịu thiệt hại về nhiều mặt. Điều này đi ngược hoàn toàn với tôn chỉ đề ra của cả VPF lẫn AVG. Ngoài ra, VFF cũng phải chịu trách nhiệm, bởi họ là căn nguyên của vấn đề. Nếu không thể tự giải quyết, thì rất cần sự vào cuộc của các Bộ liên quan, giải quyết triệt để vấn đề theo pháp luật.

PV: Anh và Hội CĐV Việt Nam muốn nhắn nhủ gì tới VPF, AVG hay VFF không?

- Rất rất mong họ sẽ vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam mà sớm giải quyết tranh chấp, mang lại thứ bóng đá sạch và phổ biến hình ảnh của nó để người hâm mộ Việt Nam được thưởng thức một cách trọn vẹn.