Tranh chấp bản quyền truyền hình: Không ai chịu ai

ANTĐ - Cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình vẫn chưa thể đi đến hồi kết, khi các bên đều cho rằng mình có lý và không ai chịu ai. Những mối lo ngại ngày một gia tăng và tất cả đều đang chờ đợi sự vào cuộc của các cơ quan hữu trách.

Tranh chấp bản quyền đang rất cần các Bộ liên quan đứng ra làm trọng tài

Người hâm mộ chịu thiệt

Đã qua 2 vòng đấu, nhưng tính hấp dẫn của Super League 2012 không phải thể hiện trên sân, mà nổi bật qua cuộc “đại chiến” tranh chấp bản quyền truyền hình giữa VPF, AVG và VFF. Đỉnh điểm là việc Công ty CP Viễn thông và Truyền thông An Viên đã gửi Công văn số 12/TTAV-CV cho Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Cục Quản lý phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử tố cáo hành vi “Xâm phạm bản quyền truyền hình hợp pháp” của Đài Truyền hình KTS VTC trên sân Lạch Tray hôm 7-1.

Trước đó, VFF - đơn vị ký hợp đồng 20 năm với AVG, đã gửi Công văn 14/CV-LĐBĐVN đề nghị các BTC sân không cho các đài truyền hình khác tác nghiệp khi chưa được phép của AVG. Động thái trên của VFF vô tình “kéo” các CLB vào cuộc chiến bản quyền truyền hình, vốn đang rất nóng bỏng. Và như trần tình của Trưởng BTC sân Lạch Tray, ông Phạm Văn Hùng thì “lãnh đạo VFF không thống nhất nên làm khó chúng tôi ở dưới. Mục đích của BTC sân là phục vụ người hâm mộ nên muốn mở cửa đón càng nhiều Đài vào sân càng tốt”.

Từ chỗ tưởng như được thỏa mãn cơn khát bóng đá khi VPF (đơn vị được cấp phép tổ chức giải) “bật đèn xanh” cho các Đài vào sản xuất, phát sóng thì nay mỗi vòng đấu, người hâm mộ chỉ được xem vỏn vẹn 2-3 trận. Song trong bối cảnh này thì dù có muốn phục vụ nhu cầu khán giả, các Đài (trong đó có VTC) cũng lực bất tòng tâm. Rõ ràng, khi mà những tranh chấp bản quyền truyền hình giữa các bên chưa chấm dứt thì người chịu thiệt… không phải VPF, AVG hay VFF mà chính là người hâm mộ.

Chưa thấy Bộ nào có ý kiến

Với việc “kéo” các CLB vào, VFF đang khiến cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình càng thêm phức tạp. VPF đưa ra các luận chứng chứng minh hợp đồng 20 năm giữa AVG và VFF là trái luật. VFF cũng có “cái lý” của mình khi cho rằng đơn vị này chưa bàn giao (bằng văn bản) tổ chức 4 giải quốc nội cho VPF, cùng việc VPF cần tôn trọng và có nghĩa vụ thực hiện các điều khoản mà VFF đã ký với AVG. Về phần mình, AVG cũng đưa ra nhiều lý luận thuyết phục, khẳng định “chủ quyền” của mình. Những văn bản “cầu cứu” đã được các bên gửi lên các cơ quan chức năng liên quan như Bộ VH-TT&DL, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp và Cục Quản lý phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử… nhưng chưa có phản hồi.

Với tư cách cơ quan quản lý trực tiếp, Bộ VH-TT&DL đã chỉ đạo trực tiếp Tổng cục TDTT rà soát, xử lý sự việc. Nhưng đáng tiếc, vai trò của tổ chức này trong vụ tranh chấp vẫn còn khá mờ nhạt. Một lãnh đạo Tổng cục cho biết: “Chủ trương của Bộ và Tổng cục là các bên ngồi lại với nhau để hòa giải. Nhưng cả VPF lẫn AVG lại đi chọn giải pháp “chạy đua” công văn. Hiện Tổng cục đã thành lập Tổ công tác, nhưng Tổ này chỉ có thể nắm bắt sự việc và báo cáo lên Bộ. Còn nếu VPF hay AVG và VFF đưa nhau ra tòa, Tổng cục không thể can thiệp vì vượt thẩm quyền cho phép”. Như vậy, dù rất muốn thì Bộ VH-TT&DL cũng khó đứng ra làm trọng tài dàn xếp vụ việc. Và VPF, AVG, VFF và cả người hâm mộ cả nước đang chờ đợi công văn phúc đáp và sự can thiệp của những cơ quan còn lại, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông, nơi có tiếng nói pháp lý quan trọng trong cuộc “đại chiến” bản quyền truyền hình này.