Tranh chấp bản quyền truyền hình: “Cuộc chiến” chưa hồi kết!

ANTĐ - Sau hàng loạt công văn gửi đến các Bộ liên quan mà vẫn chưa có kết quả, sáng qua 12-1, VPF tiếp tục gửi công văn kiến nghị lên… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Động thái trên khiến cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình không hề hạ nhiệt như dự đoán của nhiều người.

Tranh chấp bản quyền truyền hình vẫn chưa thể hạ nhiệt

VPF không tin Bộ chủ quản?

Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, VPF đã phát đi hàng loạt công văn kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét tính hợp pháp trong bản hợp đồng giữa AVG và VFF ký ngày 8-12-2010. Ban đầu là công văn gửi VFF về việc không thừa nhận quyền khai thác bản quyền truyền hình của AVG, kế đó là lên Bộ VH-TT&DL, cùng Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông. Còn trong sáng qua, VPF tiếp tục gửi công văn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ. Nội dung các công văn xoay quanh việc VPF khẳng định hợp đồng giữa VFF và AVG vi phạm các khoản trong Luật TDTT và Luật Báo chí.

Điều đáng nói là công văn trên được VPF gửi đi khi mà Thanh tra Bộ VH-TT&DL chưa có kết luận cuối cùng. Cộng với việc kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ (chứ không chỉ riêng Bộ VH-TT&DL) kiểm tra tính pháp lý của bản hợp đồng trên, có thể thấy VPF không tin tưởng vào quyết định của chính Bộ chủ quản. Xét về mặt quản lý, VFF hay Tổng cục TDTT đều là đơn vị trực thuộc Bộ   VH-TT&DL, vậy nên những lo lo lắng về một cuộc thanh tra “cho có lệ” đang diễn ra là có cơ sở.

Hạ hồi phân giải

Trong công văn hỏa tốc gửi tới Bộ VH-TT&DL, Văn phòng Chính phủ đã nêu quan điểm và chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc giải quyết vướng mắc bản quyền truyền hình giải bóng đá quốc gia. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu đích thân Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh chỉ đạo việc thanh tra Hợp đồng bản quyền truyền hình về giải bóng đá quốc gia; đồng thời giải quyết các vướng mắc để đảm bảo giải bóng đá quốc gia được các đài truyền hình trực tiếp, liên tục, rộng rãi cả nước, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Ý kiến trên phần nào khiến Bộ VH-TT&DL có phần bối rối, bởi trước đó, Bộ đã có công văn gửi các Sở trực thuộc yêu cầu tôn trọng quyền lợi của AVG trong khi chờ kết luận của Thanh tra, nhưng hiện tại, công văn này đang đi ngược với chỉ đạo trên.

Trao đổi với chúng tôi vào chiều qua, Người phát ngôn Bộ VH-TT&DL Tô Văn Động cho biết: “Bộ đã nhận được công văn của Thủ tướng. Muộn nhất là trong ngày 13-1, Bộ sẽ có công văn phản hồi và chỉ đạo các Sở, bởi Công văn số 65 của Bộ gửi ngày 9-1 có nhiều điểm trái ngược với chỉ đạo mới đây của Thủ tướng”. Được biết, hiện Bộ đang chờ tư vấn của đoàn Thanh tra trước khi ra công văn phản hồi, trước đó, đoàn thanh tra chính là đơn vị đề nghị các nội dung trong Công văn 65. Dựa vào tình hình hiện tại, kết luận của đoàn Thanh tra (muộn nhất cuối tháng 2-2012) sẽ mang tính quyết định tới việc có thể chấm dứt cuộc tranh chấp bản quyền căng thẳng suốt thời gian qua. Song cũng không ngoại trừ khả năng, VPF không chấp nhận kết luận đó và tiếp tục đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc.

Sau khi gửi công văn đề nghị được hợp tác với AVG, Đài VTC đã có buổi làm việc chính thức với đơn vị này và đôi bên thống nhất lịch tường thuật các trận đấu giải bóng đá chuyên nghiệp. Như vậy, sau VTV, VTC sẽ là đài truyền hình thứ 2 trở thành đối tác của AVG trong việc sản xuất và phát sóng giải bóng đá chuyên nghiệp, phục vụ nhu cầu thưởng thức của người hâm mộ cả nước. Sự hợp tác này cũng phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “bảo đảm giải bóng đá quốc gia được các đài truyền hình truyền hình trực tiếp, liên tục, rộng rãi cả nước, đáp ứng nhu cầu của nhân dân”.  
Đến thời điểm này, bản hợp đồng giữa VFF và AVG vẫn được giữ bí mật. Song theo tiết lộ mới đây của chính AVG, VFF bán cho đơn vị này toàn bộ thương quyền về hình ảnh của các giải đấu chứ không đơn thuần chỉ là bản quyền truyền hình. Theo đó, AVG có thể kinh doanh mọi thứ từ truyền hình đến âm thanh và cả hình ảnh được sử dụng báo chí.

Cụ thể, AVG có thể không cần sản xuất mà vẫn có thể thu phí như cách mà đơn vị này đang áp dụng: chỉ trực tiếp sản xuất hình ảnh 1-2 trận đấu, số còn lại ai cần thì phải thỏa thuận với họ để được nhượng quyền. Kể từ 2012, V-League chính thức đổi tên thành Super League và đang cho thấy nhiều tiềm năng lợi nhuận. Mới chỉ qua 2 vòng đấu, song tên của giải đấu đã xuất hiện trên các trang cá cược nổi tiếng của thế giới. Mỗi vòng đấu diễn ra thu hút hạng ngàn, thậm chí hàng triệu người tham gia đặt cược. Tương lai, lợi ích nó mang lại hẳn sẽ gấp nhiều lần so với cái giá 6 tỷ đồng/năm (lũy tiến 10%) của AVG hay trên 10 tỷ của VPF đưa ra. Là các cá nhân, đơn vị nổi tiếng trong giới kinh doanh, hẳn lãnh đạo VPF và AVG không thể bỏ qua yếu tố sinh lời nhiều như vậy. Và phải chăng đó là một phần động lực khiến đôi bên quyết sở hữu bằng được “miếng bánh” bản quyền và đẩy “cuộc chiến” tới mức căng thẳng như hiện tại.