Tranh cãi xung quanh việc các nhà hát công lập "đóng khung" diễn viên trong "Thử nghiệm" và "Truyền thống"

ANTD.VN - Trước việc hàng loạt các nhà hát công lập đồng loạt đổi tên đoàn biểu diễn sang Truyền thông và Thử nghiệm, Cổ điển và Đương đại, không ít những người yêu mến sân khấu cho rằng, việc đổi tên này đã vô tình "đóng khung" diễn viên trong một thể loại, thay vì khuyến khích họ chịu đổi mới, "sống" dưới ánh đèn sân kấu với nhiều dạng vai khác nhau...

Trước đây, các nhà hát công lập thường đặt tên đoàn biểu diễn là đoàn 1, đoàn 2. Nhưng với cơ chế mới, các nhà hát đã đồng loạt đổi tên đoàn biểu diễn thành Đoàn nghệ thuật Thể nghiệm, Đoàn nghệ thuật Truyền thống hay Đoàn kịch Đương đại và Đoàn kịch Cổ điển. 

Việc đổi tên này đã vấp phải các ý kiến trái chiều khi cho rằng đã làm thay đổi tiêu chí sáng tạo trên sân khấu khi khoanh vùng và lập rào chắn trong lối diễn của các nghệ sỹ. 

Nếu như trước đây, đoàn 1 và đoàn 2 của mỗi nhà hát vẫn diễn các hình thái kịch, tuồng khác nhau thì nay, việc đổi tên đoàn là Đương đại hay Cổ điển sẽ sinh ra những bất cập như biến nghệ sỹ, diễn viên kịch nói vốn phải đa dạng trong mọi loại vai nay trở thành diễn viên kịch nói chuyên những vai cổ điển hay chuyên những vai đương đại. Hơn nữa, kịch nói vốn là mũi nhọn phản ánh đời sống lẽ nào có 2 đoàn với tên gọi trên khiến tỷ lể cổ điển và đương đại phải là 50/50? 

Nhà hát Kịch Việt Nam dựng "Nghêu, Sò, Ốc, Hến"

Sân khấu kịch hát cũng vậy. Bấy lâu nay, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng có Đoàn 1 và 2. Nay đổi tên thành đoàn tuồng Truyền thống và đoàn tuồng Thử nghiệm rõ là cứ thấy... sao sao. Thử nghiệm thì đơn vị nghệ thuật nào cũng đều tìm tòi cái mới để thử nghiệm. Mà thử nghiệm là quá trình đúc rút tìm tòi mang tính cách tân phải vài năm, thậm chí cả chục năm, vài chục năm mới có vấn đề cần thử nghiệm và thử nghiệm thành công thì không còn là thử nghiệm nữa.

"Vậy mà lại có đoàn Thử nghiệm tức là hàng năm phải có cách tân quả là lạ. Mà không có đột phá cách tân thì vở như đoàn truyền thống nhưng phải gọi là vở thể nghiệm khiến khán giả và cả người trong nghề hoang mang, xem chả biết thử nghiêm vấn đề gì ! Sao không thể như trước là đoàn 1 đoàn 2 thậm chí là đoàn 3", nhà biên kịch Lê Quý Hiền lập luận. 

Trước thắc mắc của không ít người, NSƯT Xuân Bắc, Phó giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, dù là đoàn kịch Cổ điển hay đoàn kịch Đương đại thì điều quan trọng nhất vẫn hướng tới giá trị của tác phẩm. Với đoàn kịch Cổ điển thì đã có sẵn vốn các tác phẩm hay, nổi tiếng nhưng với đoàn kịch Đương đại thì nhà hát sẽ phải hướng tới những vấn đề thời sự, nóng bỏng của đời sống xã hội hiện tại như đề tài về phòng chống tham nhũng, đồng tiền chi phối mọi quan hệ xã hội, sự băng hoại đạo đức trong gia đình…

Hơn thế, NSƯT Xuân Bắc còn tiết lộ, đề án thay đổi tên đã được Ban giám đốc xây dựng từ năm 2018. Việc thành lập Đoàn kịch Cổ điển là thực hiện chức năng nhiệm vụ của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ban Giám đốc muốn dàn dựng các tác phẩm kinh điển của Việt Nam và thế giới để khán giả có cơ hội thưởng thức những giá trị nghệ thuật của sân khấu và của văn hoá các nước qua các tác phẩm. Lâu nay chỉ có Nhà hát Kịch Việt Nam có quy định rất rõ về nhiệm vụ này, và vì vậy việc dàn dựng các tác phẩm kinh điển luôn nằm trong kế hoạch hằng năm của đơn vị, song song với kế hoạch dàn dựng các tác phẩm hiện đại. 

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, đoàn nghệ thuật Truyền thống tập hợp các nghệ sĩ tên tuổi, đạt độ chín trong nghề tham gia những tác phẩm được xây dựng sẽ phải thực sự chỉn chu, mẫu mực. Lực lượng nghệ sĩ trẻ sẽ tập hợp đông hơn ở Đoàn nghệ thuật Thể nghiệm để được rèn giũa nghề cũng như tạo “sức trẻ” cho nghệ thuật tuồng với những thể nghiệm đổi mới từ đề tài, phương thức dàn dựng.

Nhà hát Tuồng Việt Nam ra mắt lứa diễn viên mới

NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ, dẫu là đoàn nghệ thuật Thể nghiệm hay Truyền thống thì nghệ sĩ của nhà hát cũng phải bám sát truyền thống để làm cơ sở bảo tồn và phát triển. Việc chia thành 2 đoàn trong nhà hát sẽ thuận lợi trong việc điều phối, tổ chức biểu diễn cho các nghệ sĩ khi tham gia biểu diễn, đi lưu diễn độc lập. Ban giám đốc Nhà hát muốn hướng tới hai phong cách dàn dựng để tạo sự chuyên sâu, phù hợp khả năng cho các đạo diễn, ê kíp sáng tạo và nghệ sĩ biểu diễn. 

Để giải thích rõ thêm cho việc thay đổi tên đoàn của các nhà hát, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng: “Việc thay đổi cơ cấu tổ chức các đoàn của các nhà hát phải kèm theo những quy định cụ thể về tổ chức do Bộ VHTTDL đã ban hành. Việc đoàn này mang tên “thể nghiệm”, đoàn kia mang tên “truyền thống” chỉ là một danh xưng mà thôi, theo đó các đoàn cũng sẽ có nội hàm hoạt động riêng theo tiêu chí riêng. Chúng tôi mong rằng có “thể nghiệm” thì các đoàn nghệ thuật truyền thống cũng tránh việc “gieo vừng ra ngô” mà những người làm nghệ thuật vẫn luôn lo lắng”.