Tranh cãi xung quanh bức tượng Adolf Hitler quỳ gối

ANTĐ - Bức tượng Adolph Hitler quỳ gối cầu nguyện trong sân của khu Warsaw Ghetto (khu sống tập trung của người Do Thái trước đây), nơi từng có hàng trăm ngàn người Do Thái bị Đức Quốc xã cưỡng bức phải sống trong những điều kiện vô nhân đạo trong suốt Thế chiến II đã làm không ít người bất đồng, tức giận bởi họ cho rằng việc đặt bức tượng Hitler ở đây là một sự xúc phạm.
Trung tâm Simon Wiesenthal, một tổ chức bảo vệ người Do Thái, đã mô tả quyết định để bức tượng ngay tại nơi ở tập trung của người Do Thái trước đây là một “sự kích động ngu xuẩn, làm tổn thương ký ức về những nạn nhân người Do Thái của Đức Quốc xã”, tạp chí The Guardian viết.
Trước Thế Chiến II, Warsaw là nơi có cộng đồng người Do Thái lớn nhất ở Ba Lan và châu Âu, nhiều thứ hai trên toàn thế giới sau New York. Trong Thế Chiến II, có khoảng 300.000 người Do Thái trong khu sinh sống tập trung này đã chết, phần lớn vì đói và bệnh tật và sau khi bị gửi đến những trại tập trung, nơi họ sau đó sẽ bị giết chết.

Bức tượng Hitler quỳ gối cầu nguyện có thể nhìn thấy qua một khe hở trên cánh cổng gỗ

Theo AP, những người tổ chức lý luận rằng bức tượng trên nhằm mục đích kích thích suy nghĩ của người tham quan. Trong catalogue trưng bày có ghi rằng nghệ thuật “có thể buộc chúng ta phải đối mặt với sự xấu xa của thế giới”.
Bức tượng được nghệ sĩ người Ý Maurizio Cattelan làm vào năm 2001, có tên “HIM”, đã thu hút được sự chú ý của hàng ngàn người xem kể từ lúc nó được dựng lên ở Warsaw vào tháng trước.
Phần thân bức tượng là của một nam sinh đang quỳ gối cầu nguyện còn phần đầu được làm giống đầu của Hitler. Trước khi được dựng ở Ba Lan, bức tượng này đã được giới thiệu ở nhiều triển lãm, vị trí thường là ở cuối hành lang và phần lưng quay về phía người xem. Chỉ khi nào đến gần người xem mới thấy khuôn mặt của Hitler. Thời báo New York đã miêu tả bức tượng này sau khi nhận xét một cuộc triển lãm tại Bảo tàng Guggenheim năm 2011 là “Hitler như một cậu học sinh đang quỳ gối cầu xin sự tha thứ”.

Qua cánh cổng gỗ là hình hài một nam sinh đang quay lưng
 quỳ gối cầu nguyện nhưng là khuôn mặt của Hitler khi nhìn từ phía trước

Cattelan đã tạo được hiệu quả tương tự ở khu Warsaw Ghetto, nơi bức tượng có thể nhìn thấy qua một lỗ trên chiếc cổng bằng gỗ. Cattelan làm việc và sinh sống tại New York được đánh giá là nghệ sĩ châm biếm nổi tiếng khi tạo ra một vụ tranh cãi khác không kém phần gay gắt tại Warsaw khi tạo ra tác phẩm hình nộm Giáo hoàng John Paul II đang bị một thiên thạch đè nát. Tác phẩm có tên “La Nona Ora” hay “Giờ thứ Chín” cũng được đem đi triển lãm tại Ba Lan, một quốc gia có rất đông tín đồ Thiên Chúa sinh sống.
Zofia Jablonska, 30 tuổi, chia sẻ với AP rằng cô thấy nơi dễ nhìn thấy bức tượng nhất là ở “chính nơi mà hắn sẽ giết người”.
Michael Schudrich, giáo trưởng Hồi giáo tại Ba Lan, đã được báo cáo về vụ việc trên nhưng ông tin rằng nó có giá trị giáo dục rất cao. Ông nói “Thay vì thể hiện sự ủng hộ Hitler, bức tượng thể hiện ý nghĩa khác đó là thậm chí ma quỷ còn ẩn nấp trong hình hài một học sinh đáng yêu đang cầu nguyện”.