Tranh cãi không làm nhẹ tội

ANTĐ - Ngày thứ 3 xét xử vụ “đại án” Vinalines cũng là ngày phiên tòa diễn ra căng thẳng và quyết liệt nhất. Luật sư bào chữa cho các bị cáo đồng loạt “phản công” hai vị đại diện VKS bằng những lập luận, chứng cứ gây tranh cãi. 

Dương Chí Dũng: “Tôi không chối tội. Tôi có tội thì tôi phải chịu, nhưng mong tòa án xử lý đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Tôi đề nghị HĐXX hãy làm  rõ ai là người đã ký thỏa thuận
chia cho Vinalines hơn 1,6 triệu USD”.

Cán bộ đăng kiểm “cho qua” chỉ là “nạn nhân”?!

“Nóng” nhất tại phần tranh luận là những quan điểm đối lập nhau xoay quanh đặc tính của ụ nổi 83M. Theo đó, ngay phần bào chữa cho bị cáo cựu cán bộ đăng kiểm, luật sư Phạm Văn Bốn cho rằng Lê Văn Dương chỉ là “nạn nhân” ở vụ án này. Luật sư phân tích, bị cáo Dương đã kiểm tra, xác định và mô tả rất đúng về thực trạng của ụ nổi vào thời điểm khảo sát. Sau này khi lập báo cáo để Cục Đăng kiểm Việt Nam làm căn cứ trả lời Vinalines cũng hoàn toàn trung thực, đó là ụ nổi 83M bị hư hỏng một phần, sản xuất từ năm 1965 và cần phải sửa chữa. Cũng theo luật sư, ý kiến đánh giá của đăng kiểm viên chỉ là căn cứ để chủ đầu tư tham khảo, trước khi quyết định mua hay không mua ụ nổi.

Về bản chất của ụ nổi, luật sư Bốn khẳng định, Hiệp hội Hàng hải quốc tế, trong đó Việt Nam là thành viên xác định ụ nổi là thiết bị để sửa chữa tàu chứ không phải tàu biển. Trong khi đó, cáo trạng lại lấy căn cứ quy định tại Điều 11-Luật Hàng hải và Nghị định 49/2006/NĐ-CP về tàu biển để áp dụng vào ụ nổi là không phù hợp. Phân tích thêm về ụ nổi và tàu biển, luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho cả 3 bị cáo từng là cán bộ hải quan) khẳng định, Công ước HF đã thể chế hóa rất cụ thể thế nào là tàu biển và thế nào là ụ nổi. Cụ thể, ụ nổi là thiết bị chuyên dùng để sửa chữa tàu biển và điểm đặc trưng để phân biệt với tàu biển là nó không thể tự hành. Nữ luật sư lý luận, nếu cho rằng ụ nổi - công cụ chuyên dùng trên biển nên được coi như tàu biển thì áo phao cũng có thể coi là tàu biển. Luật sư Phúc viện dẫn, trong suốt phần thẩm vấn các chuyên gia của Bộ GTVT đều khẳng định tàu biển và ụ nổi là hai đối tượng khác nhau. Vì thế không thể đánh đồng ụ nổi và tàu biển là một.

Đối đáp với các luật sư về quan điểm truy tố trong hành vi cố ý làm trái khi nhìn nhận về ụ nổi, đại diện VKS nói: “Ụ nổi hay tàu biển thì ai cũng biết. Cái này không cần bàn sâu. Cái cần bàn ở đây là quản lý nhà nước đối với loại đối tượng, tài sản này như thế nào mới là điều quan trọng”. Đại diện VKS trích dẫn, theo bộ tiêu chuẩn Việt Nam thì ụ nổi không có định nghĩa nên phải hiểu và coi nó là một con tàu. Mặt khác, trong biên bản kiểm tra, giám định của bị cáo Dương cũng ghi rõ ụ nổi là con tàu.

Trần Hải Sơn trình bày: “Chính vì các anh mà tôi và gia đình tôi mới ra nông nỗi này. Anh Phúc, anh Dũng cho rằng không bàn bạc, nhưng lại xác nhận tỷ lệ ăn chia thì quả thật tôi chẳng biết thế nào. Đây là mâu thuẫn rất lớn, đề nghị HĐXX xem xét”. 

Lượn lờ vòng quanh “hậu quả vật chất”

Với khẳng định ụ nổi không phải là tàu, luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng các bị cáo Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện và Lê Văn Lừng (các cựu cán bộ Hải quan Vân Phong) không phạm tội cố ý làm trái. Vì trên thực tế ụ nổi chỉ là một hàng hóa xuất, nhập khẩu thông thường. Do đó, không thể dùng các quy định về điều kiện nhập khẩu tàu biển để áp vào ụ nổi. Cũng chính vì thế mà nhóm bị cáo hải quan đã áp dụng đúng các quy định về xuất, nhập khẩu hàng hóa thông thường. Luật sư cho rằng tại phiên tòa công khai này, cả 3 bị cáo đều “phản cung” khai lại về nhận thức và quy trình khi làm các thủ tục thông quan ụ nổi 83M nhập vào Việt Nam. Vì vậy luật sư đề nghị VKS và HĐXX ghi nhận. Mặt khác, việc thông quan ụ nổi hoàn toàn dựa vào phương pháp điện tử tự động.

Bổ sung cho đồng nghiệp, luật sư Nguyễn Văn Chiến cùng bào chữa cho 3 bị cáo  nhận xét: “Con trâu là con trâu, con bò là con bò” và ụ nổi là hàng hóa thông thường, trong khi đó nhóm cựu cán bộ Hải quan Vân Phong đã áp thuế, phạt chậm nộp thuế rất đầy đủ đối với Vinalines nên họ không những không phạm tội như truy tố mà còn làm lợi cho ngân sách Nhà nước. Về hậu quả vụ án, luật sư Chiến nêu các bị cáo không gây ra bất cứ hậu quả vật chất nào. Giả dụ ụ nổi là tàu biển thì vào thời điểm Vinalines đưa về đến cửa khẩu Khánh Hòa cũng đã gây ra thiệt hại 9 triệu USD rồi. Việc cho nhập vào nội địa hay không cũng không hề làm thay đổi mức độ thiệt hại, thậm chí còn giảm được thiệt hại. Bên cạnh đó, hành vi của nhóm bị cáo cựu cán bộ hải quan là hoàn toàn độc lập với hành vi cố ý làm trái của nhóm bị cáo Vinalines, vì vậy không thỏa mãn tính đồng phạm với các bị cáo khác. Ông Chiến kiến nghị cần phải giám định về tài chính đối với hành vi của các bị cáo hải quan, đồng thời nhóm bị cáo này không phải “chia sẻ” trách nhiệm 337 tỷ đồng thiệt hại… Đối đáp lại các lập luận của luật sư, VKS vắn tắt, toàn bộ hồ sơ kèm theo ụ nổi gồm hợp đồng mua bán, biên bản kiểm định, các chứng từ liên quan và tờ khai hải quan đều thể hiện ụ nổi là tàu. Nói tóm lại hồ sơ pháp lý về hàng hóa đều cho thấy ụ nổi là tàu nên buộc các bị cáo phải áp dụng điều kiện cho phép nhập khẩu tàu biển. 

Khẳng định quan điểm cáo buộc của mình, đại diện VKS nhấn mạnh, chức năng đầu tiên của hải quan là phải ngăn chặn và không cho hàng hóa, sản phẩm không đạt tiêu chuẩn xâm nhập vào nội địa, sau đó mới đến chức năng áp thuế. Phản hồi về phương pháp thông quan điện tử, hai vị giữ quyền công tố khẳng định: “Cho dù là tự động thì khâu đầu tiên cũng phải do con người nhập các thông số vào máy tính”. Chứng minh tính hệ lụy dây chuyền, kiểm sát viên cho biết, tính đến thời điểm vụ án được khởi tố thì ụ nổi 83M đã thiệt hại 555 tỷ đồng. Chính vì thế mà nguyên đơn dân sự đã không dám công bố tại phần xét hỏi và bản thân họ đang đề nghị được thanh lý nhằm giảm thiệt hại.

Cãi lý cho hành vi  tham ô

Trong quá trình tranh luận chiếm phần lớn thời gian của ngày thứ 3 mở tòa, hai vị thẩm phán đã liên tục nhắc nhở các luật sư phải nói đúng và nói trúng vào nội dung cần tranh luận. Ngược lại, không ít luật sư lại lưu ý HĐXX không nên hạn chế thời gian và cắt ngang lời bào chữa của họ. Thế nên đôi lúc hội trường xử án “nóng bừng bừng”. Và một trong những nội dung tranh tụng rất quan trọng nữa là xoay quanh các hành vi của hai cựu “sếp” Vinalines.

Ở hành vi cố ý làm trái trong việc “khai sinh” dự án trái phép, luật sư Trần Đình Triển trước sau đều bác bỏ quan điểm của VKS cho rằng mọi nguồn vốn, tài sản của Vinalines đều là tài sản của Nhà nước. Luật sư Triển nhìn nhận chỉ những dự án có tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng mà sử dụng ngân sách Nhà nước mới thuộc danh mục dự án nhóm A và phải xin phép phê duyệt. Còn ở dự án của Vinalines đã được chấp thuận sử dụng nguồn vốn huy động nên không phải xin phép và hoàn toàn nằm trong quyền hạn của HĐQT.

Góc độ khác, trước khi triển khai dự án và mua ụ nổi 83M, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã có tờ trình cấp có thẩm quyền bổ sung vào quy hoạnh công nghiệp tàu thủy. Tuy nhiên, việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có trình hay không hoặc khi nào trình Thủ tướng Chính phủ thì hoàn toàn nằm ngoài khả năng của Vinalines. Còn về ụ nổi 83M, luật sư Triển nêu quan điểm ụ nổi và tàu biển là hai đối tượng khác nhau nhưng vì chúng ta chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh thiết bị này nên lấy quy phạm tàu biển để áp dụng là không thỏa đáng. Trong khi đó, Điều ước quốc tế Việt Nam tham gia thì chúng ta phải tuân thủ Điều ước quốc tế trước. Luật Hàng hải và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật khẳng định rõ điều này. Sau cùng, luật sư bào chữa cho Dương Chí Dũng nói: “Việc mua ụ nổi là quyết định của cả HĐQT Vinalines nên trách nhiệm thuộc về nhiều người”.

Tiếp tục bảo lưu quan điểm Dương Chí Dũng không phạm tội tham ô, luật sư Ngô Ngọc Thủy chốt, hơn 1,6 triệu USD là của Công ty AP và của Công ty TNHH Phú Hà. Không có căn cứ để nói số tiền đó là của Vinalines vì hợp đồng giữa Công ty AP và Công ty Phú Hà là hợp pháp. Luật sư Thủy bày tỏ, việc ông Dũng nhận 10 tỷ đồng chỉ có lời khai của Trần Hải Sơn và các nhân chứng không trực tiếp, lại là người thân của bị cáo này nên không đáng tin cậy. Từ đó, luật sư Thủy khẳng định không đủ chứng cứ để quy kết cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines tham ô tài sản. Về nội dung này, đại diện VKS nêu rõ, căn cứ vào hợp đồng thỏa thuận chia khoản tiền 9 triệu USD mua ụ nổi 83M giữa Công ty AP, một công ty môi giới của Nga và bên thứ 3 (ngày 7-7-2007) được thu thập qua biện pháp tương trợ tư pháp cho thấy hơn 1,6 triệu USD thuộc sở hữu của Vinalines. Đối chiếu với lời khai của bị cáo Sơn, nhân chứng cùng các chứng cứ khác thì việc tham ô 28 tỷ đồng của Dương Chí Dũng cùng đồng phạm là chính xác.

Sau phần tranh luận và cũng là lúc hết thời gian làm việc trong ngày thứ 3 liên tục, chiều 14-12, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội tuyên bố sẽ đưa ra phán quyết vào chiều nay, 16-12. 

Lời nói sau cùng


Dương Chí Dũng: “Vì không hiểu hết các văn bản chỉ đạo của cấp trên nên tôi đã gây ra những sai phạm này. Nhưng những sai phạm của tôi chỉ xuất phát từ sự nóng vội vì muốn thể hiện, muốn làm được một điều gì đó cho ngành hàng hải. Bởi thực tế là thời điểm ấy, Vinashin chỉ đóng mới tàu mà không hề sửa chữa. Mỗi lần tàu hỏng hóc phải đưa ra nước ngoài tốn kém cả triệu USD. Tôi không hề tham lam hay vì lợi ích cá nhân. Về tội tham ô, tôi hoàn toàn không biết, không bàn bạc, chỉ đạo ai và cũng không nhận một đồng nào của anh Sơn. Vì vậy kính mong HĐXX xem xét, minh oan cho tôi”. Sau cùng, cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines còn tranh thủ đọc bài thơ 4 câu để thể hiện sự gắn bó, nhiệt huyết với ngành hàng hài.

Mai Văn Phúc: “Tôi cũng đồng tình với anh Dũng là mong tòa án hãy làm rõ ai là người thỏa thuận chia cho Vinalines hơn 1,6 triệu USD. Tôi không bàn bạc hay thỏa thuận gì với ông Gooh cả, bởi tôi chỉ gặp ông ấy đúng một lần trong vài phút ở tổng công ty và chỉ chào hỏi xã giao thôi. Anh Sơn đổ cho tôi nhận 10 tỷ đồng là không đúng, lời khai của nhân chứng không khách quan. Mấy chục năm công tác chưa bao giờ tôi làm điều gì không phải với lương tâm cả. Nếu tham ô một đồng nào thì tòa xử tôi mười lần án tử hình tôi cũng xin chịu”. Dứt lời, cựu Tổng Giám đốc Vinalines sụt sịt khóc.    

Trần Hữu Chiều: Trước hết bị cáo xin nói rõ hơn về mùi hôi thối của ụ nổi vào thời điểm được đưa về tới cảng Vân Phong để tránh sự hiểu nhầm của mọi người. Đó chính là mùi của các con hà bám vào ụ nổi từ khi nó còn để dưới biển. Sau hơn chục ngày vận chuyển, những con hà này chết nên có mùi tanh hôi. Bị cáo tin rằng không ai cố ý làm trái để phải ra đứng trước vành móng ngựa lúc cuối đời. Sức khỏe của bị cáo giờ rất yếu và chẳng biết có còn cơ hội để về gặp lại gia đình nữa không. Về tội tham ô bị cáo bị oan vì số tiền 340 triệu đồng là nằm trong khoản vay hơn 1 tỷ đồng của anh Sơn. Nhưng sau này anh Sơn chỉ lấy lại một tỷ đồng, số tiền còn lại anh ấy nói biếu anh bồi dưỡng. Vì vậy bị cáo đề nghị HĐXX xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo về tội tham ô.  

Trần Hải Sơn: Bị cáo đã nhận thức được sai lầm, tội lỗi của mình rồi. Bị cáo chỉ mong HĐXX định tội, định người một cách công bằng nhất.