Trang sử hùng tráng về những chuyến tàu không số

ANTĐ - 14 năm ròng, những con tàu không số với những người lính dũng cảm, kiên cường đã đi liên tục 2.047 chuyến, vận chuyển 150.000 tấn vũ khí, 80.000 lượt cán bộ, chiến sĩ ra Bắc vào Nam. Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành con đường huyền thoại không chỉ với những người lính kiên trung giữa muôn trùng sóng gió.

Trang sử hùng tráng về những chuyến tàu không số ảnh 1

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Quốc với những kỷ vật trong thời gian tham gia tàu không số

Quyết hy sinh chứ không làm lộ bí mật

Những chuyến đi đó đã ăn sâu trong ký ức cựu chiến binh Nguyễn Đình Quốc, nguyên Thiếu úy, Thuyền phó hàng hải đoàn tàu không số. Nhập ngũ năm 1964 khi mới tròn 23 tuổi thì cũng cuối năm đó ông Nguyễn Đình Quốc lên chuyến tàu không số đầu tiên vận chuyển 75 tấn vũ khí vào Trà Vinh. Mỗi chuyến đi thông thường ròng rã khoảng 7 ngày đêm và phải di chuyển liên tục 24/24h để tránh địch phát hiện. 

Khi tham gia vận chuyển vũ khí vào Nam, giai đoạn đầu, tàu đi gần bờ, đến năm 1965 việc đi lại trên biển rất khó khăn do quân Mỹ đã phong tỏa các cửa biển nên tàu phải đi xa bờ, vì vậy thời gian vận chuyển kéo dài hơn. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù và những cơn sóng dữ. Nhưng những người lính vẫn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao.

“Những con tàu không số ấy đều mang theo 1 tấn thuốc nổ TNT được bí mật để ở đầu và đuôi tàu. Nếu không may bị địch phát hiện thì toàn bộ thuốc nổ TNT được trang bị trên tàu sẽ được kích nổ, quyết hy sinh chứ không để tàu rơi vào tay giặc làm lộ bí mật” - người lính già Nguyễn Đình Quốc kể lại - “Chúng tôi đều tự nhủ với nhau dù phải hy sinh cũng không bao giờ được để địch phát hiện ra bí mật của những chiếc tàu không số. Mỗi chuyến đi đều như những lần truy điệu sống mà chẳng ai thấy lo lắng, chỉ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”.

Hai tay run run lần lại những bức ảnh, những kỷ vật đã sờn góc, ông Nguyễn Đình Quốc nhớ như in những kỷ niệm về bao người đồng đội kiên trung... Tết Mậu Thân năm 1968, khi chiến trường miền Nam bước vào giai đoạn quyết liệt nhất cũng là lúc những con tàu không số lên đường nhiều nhất. Đã có những con tàu một đi không trở lại và viết nên trang sử hào hùng. Tàu 165 do Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm chỉ huy cùng 17 cán bộ, thủy thủ vượt biển vào bến Vàm Lũng, Cà Mau.

Nhưng khi tàu vào đến vùng biển phía Tây Nam thì bị tàu chiến, máy bay Mỹ bám đuổi và tấn công dồn dập. Sau nhiều giờ kiên cường chiến đấu, đạn hết, cán bộ chiến sỹ liên tiếp bị thương và hy sinh, Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm đã quyết định lao thẳng vào đội hình địch rồi kích nổ con tàu. Tất cả thủy thủ đều hy sinh.

Tàu 43 do Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng chỉ huy khi chỉ còn cách Sa Kỳ, Quảng Ngãi vài chục hải lý thì xuất hiện nhiều tàu địch áp sát, bao vây và có thêm thêm tàu Mỹ hỗ trợ. Kiên quyết không đầu hàng địch, tất cả các thủy thủ đều cầm súng chuẩn bị cho một trận chiến không cân sức. Và sau trận đánh đó, con Tàu 43 cùng những người lính dũng cảm đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng biển khơi, chỉ một số ít thủy thủ đoàn còn sống sót bơi được vào bờ an toàn. Tàu 235 do Thuyền trưởng Phan Vinh chỉ huy gặp địch tại vùng biển Nha Trang, sau nhiều giờ chiến đấu không cân sức, tất cả đã đồng tâm nhất trí kích nổ con tàu, quyết không để vũ khí rơi vào tay địch. Thủy thủ, chiến sỹ hy sinh gần hết…

Chuyến tàu đặc biệt nhất

Trong những chuyến đi trên những con tàu không số huyền thoại đó, ông Nguyễn Đình Quốc còn vinh dự được chở một vị khách đặc biệt. Đây cũng là hành khách nữ duy nhất đi vào miền Nam trên một con tàu không số, đó chính là phu nhân của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, lúc ấy được gọi là chị Năm Vân, tên thật là Thụy Nga.

Con tàu rời Hải Phòng vào một đêm đầu năm 1965 khi Tết Nguyên đán cổ truyền đang đến thật gần. Trong chuyến đi ấy, nhiều lần con tàu phải khéo léo lần qua trước mũi kẻ thù. Đơn cử như khi tàu đến hải phận Philippines thì gặp máy bay địch. Phía địch đánh điện hỏi: “Tàu gì?”. Trong tình thế nguy nan ấy, ông Nguyễn Đình Quốc và các đồng đội đã quyết định chọn một lá cờ của một nước khác để kéo lên và đánh tín hiệu trả lời: “Tàu đánh cá”. “Lúc ấy, dưới giàn lưới đánh cá, anh em đã cầm chắc tay súng, đạn đã lên nòng sẵn sàng chiến đấu. Nếu tình huống xấu nhất xảy ra chúng tôi sẽ đưa chị Năm Vân xuống xuồng cao su và có các đồng chí bơi cùng xuồng quyết bảo vệ an toàn cho chị”, ông Nguyễn Đình Quốc nhớ lại. Chỉ một tình huống nhỏ như thế trong thế nguy nan luôn sẵn sàng ập đến mà không có sự xử trí khôn khéo của những người lính thì những mất mát chẳng thể nào đong đếm được. 

Cuối cùng, mọi người không giấu được niềm vui khi nhìn thấy ánh đèn ám hiệu phía trước. Con tàu được hướng dẫn đi vào Rạch Gốc, Cà Mau. Khi tàu cập bến, đồng đội trên bờ, dưới tàu mừng rỡ ôm chầm lấy nhau vì chuyến tàu chở vũ khí đã an toàn sau hải trình vượt biển vô cùng gian nan, nguy hiểm. “Trên biển chỉ có mênh mông sóng nước. Anh em chúng tôi ai cũng cảm phục trước sự dũng cảm, kiên cường của chị Năm Vân. Đặc biệt chị Năm Vân nấu ăn rất ngon. Những bữa cải thiện do chị nấu anh em vừa ăn vừa tấm tắc khen”, ông Nguyễn Đình Quốc kể lại. 

Trang sử hùng tráng về những chuyến tàu không số ảnh 2

Hy sinh thầm lặng giữa thời bình

Đến tháng 11-1970, Thiếu úy Nguyễn Minh Quốc, Thuyền phó Tàu 176 chở 75 tấn vũ khí vào Bến Tre. Đêm 21-11-1970, bị địch phát hiện, tất cả các thủy thủ đã chiến đấu anh dũng và bắn cháy tàu địch. Nhưng do Tàu 176 bị hỏng máy, Thiếu úy Nguyễn Đình Quốc và đồng đội đành phải hủy con tàu bằng bộc phá. Khi ông bơi vào tới bờ thì bị địch phát hiện, bắt giữ. Từ Sài Gòn chúng chuyển ông xuống Cần Thơ rồi ra Phú Quốc. Đó là những năm tháng chịu nhiều đòn roi tra tấn dã man của kẻ định, nhưng ông vẫn kiên cường không khai báo. Đến năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết ông mới được trao trả. 

Vẫn biết những chuyến tàu không số mang trong mình sứ mệnh thiêng liêng và phải tuyệt đối giữ bí mật. Và quả thật, cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước sau nhiều năm giải phóng thì những tin tức về con đường Hồ Chí Minh vĩ đại trên biển mới được hé lộ, khiến nhiều người kinh ngạc và khâm phục. Giờ đây, trong căn nhà nhỏ ở phố Đại Từ, quận Hoàng Mai, Hà Nội, mái tóc đã bạc trắng nhưng ông Nguyễn Đình Quốc vẫn không khỏi khắc khoải nhớ về những đồng đội đã cùng sát cánh và mãi mãi không trở về.

Ông từ chối nói về hoàn cảnh của mình mà chỉ bảo: “Tôi may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi không một nấm mồ. Và vẫn còn những người đã hy sinh nhưng chưa được xác nhận. Còn sức khỏe, tôi sẽ vẫn đi để xác minh bằng được cho anh em”. Rồi ông lật giờ từng trang tài liệu của một bạn tù Phú Quốc - người chiến sỹ đã hy sinh do bị địch tra tấn dã man vẫn chưa được xác nhận Liệt sỹ…