Trắng chưa chắc đã sạch

ANTĐ - Lâu lắm, hôm nọ tôi mới vào quán ăn, phát hiện ra một hiện tượng lạ kỳ: vài gia đình quá sợ giấy ăn nên họ mang theo khăn vải để lau miệng, ông ạ!

- Vẽ chuyện! Đâu đâu, ai ai chả dùng giấy ăn, cuộn giấy vệ sinh để... lau miệng khi ăn, lau mồ hôi, ngoáy mũi khi sụt sịt, lau mặt cho trẻ con và người già, lau nước mắt khi khóc hoặc khi cảm cúm, rồi lau bát, đũa, thìa...

- Bao công dụng, tiện lợi gói trong một tờ giấy, cuộn giấy, nhưng ông có biết nó từ đâu tuồn ra không?

- Lạ gì! Đó là thủ phủ sản xuất giấy ăn, giấy vệ sinh lớn nhất cả nước, có cái tên rất thơ mộng Phong Khê.

- Tên làng nghe đẹp thế nhưng trong ruột là những nhà xưởng ngập nước đen kịt, máy móc hoen gỉ, rêu mốc xanh. Rùng mình nhất là những bể ngâm giấy cũ, ủ hóa chất tẩy rửa, ngầu bọt... 

- Làm ăn bẩn thỉu như thế vì sao giấy vẫn trắng phau, thơm tho? Họ có bí quyết gì hả ông?

- Bí quyết bí ẩn gì đâu! Họ thu gom giấy vụn, kể cả giấy ăn đã chùi mồm vứt trắng xóa trong quán xá, nhà hàng, rồi cho vào bể ngâm đặc hóa chất để nghiền, lọc giấy.

- Kinh khủng hết mức! Thôi từ nay tôi đành ăn xong không lau miệng, chùi mồm còn hơn dùng giấy ăn.

- Từ lâu tôi đã bỏ thói quen “vệ sinh sạch sẽ” đó rồi sau khi biết giấy càng trắng, càng dai, càng thơm thì càng độc hại.

- Ông biết thế, vậy cơ quan quản lý không biết sao cứ để người dân lau miệng bằng giấy tẩm độc?

- Ông hỏi nhầm địa chỉ rồi. Tôi chỉ xin “tiết lộ” thêm: giấy ăn, giấy vệ sinh ra lò cùng một cuộn lớn. Cắt vuông, tẩm nước hoa Tàu thì thành giấy lau “đầu vào”, cắt cuộn thì thành giấy lau “đầu ra”.

- Nghe mà nổi cả ... da gà. Đúng là càng trắng càng độc hại. 

- Tôi rút ra kết luận: Trắng chưa chắc đã sạch, ông ạ!