Trận sống mái quyền lực

ANTĐ - Ai Cập có thể phải đối mặt với một trận quyết chiến quyền lực khi Tổng thống Mohamed Morsi tuyên bố tiếp tục tại vị trong khi quân đội ra tối hậu thư đòi ông phải chấp nhận "yêu cầu của nhân dân".

Trận sống mái quyền lực ảnh 1
Tình hình Ai Cập đang hết sức căng thẳng khi hàng triệu người xuống đường
 đòi Tổng thống Morsi từ chức


Thời hạn chót theo tối hậu thư đã trôi qua vào lúc 17h ngày 3-7 (giờ địa phương, tức 15h GMT) song Tổng thống Morsi vẫn không có động thái nào để đáp ứng yêu cầu của quân đội Ai Cập. Tổng thống Morsi khẳng định, ông lên cầm quyền một cách hợp pháp thông qua một cuộc bầu cử tổng thống tự do nên ông sẽ tiếp tục tại vị nhằm tìm kiếm các giải pháp giải tỏa căng thẳng chính trị. 

Tổng thống Morsi cũng lên tiếng kêu gọi quân đội Ai Cập rút lại tối hậu thư mà ông cho là sự cảnh báo “can thiệp” này. Ông Morsi một lần nữa khẳng định không lùi bước trước sức ép của quân đội, người biểu tình hay từ quốc tế khi tuyên bố phản đối “bất cứ sự sai khiến nào” đối với tình hình Ai Cập, cả ở trong nước và từ nước ngoài.

Trước những tuyên bố cứng rắn trên đây, quân đội nắm “quyền sinh quyền sát” trên chính trường Ai Cập ngày 1-7 đã ra tối hậu thư đối với Tổng thống Morsi và các chính đảng trong vòng 48 giờ phải “đáp ứng các yêu cầu của nhân dân”. Quân đội khẳng định sẽ công bố “lộ trình tương lai” và các biện pháp nhằm giám sát việc thực hiện lộ trình này trong trường hợp các yêu cầu trên không được đáp ứng. 

Dù quân đội Ai Cập không tuyên bố thẳng song ai cũng biết hàng triệu người dân Ai Cập khi xuống đường biểu tình những ngày qua đã đòi Tổng thống Morsi phải từ chức vì cho rằng ông đã “phản bội cuộc cách mạng mùa Xuân 2011” đã giúp ông lên cầm quyền. Trong khi đã có hơn 22 triệu chữ ký đòi ông Morsi từ chức và tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn thì Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ai Cập, Tướng Abdel Fattah al-Sisi, tuyên bố “quân đội sẵn sàng hy sinh” để bảo vệ người dân. 

Chính vì thế, việc Tổng thống Morsi khăng khăng bác bỏ tối hậu thư của quân đội sẽ đẩy Ai Cập vào cuộc sống mái quyền lực mà phần thua thiệt được giới quan sát cho rằng sẽ thuộc về vị Tổng thống mới lên cầm quyền được 1 năm. Ông Gamaa Islamiya, một trong ít đồng minh còn lại của ông Morsi, cho rằng tuyên bố của quân đội rõ ràng báo trước một cuộc đảo chính.

Song theo ông Islamiya, Ai Cập có thể tránh được đảo chính và đổ máu nếu Tổng thống Morsi quyết định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc tổ chức cuộc bầu cử tổng thống sớm”. Ông Tarek al-Zumar, một đồng minh với chính đảng Anh em Hồi giáo của Tổng thống Morsi, cũng tán đồng chỉ có tổ chức cuộc bầu cử tổng thống sớm mới có thể tránh đổ máu và một cuộc đảo chính quân sự. 

Trong khi Tổng thống Morsi và quân đội sẵn sàng lao vào trận quyết đấu quyền lực thì tình hình Ai Cập đang ngày càng trở nên nguy hiểm. Quan chức Bộ Y tế Ai Cập ngày 3-7 cho biết, các tay súng không rõ danh tính đã xả súng vào cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống Morsi ở Thủ đô Cairo khiến ít nhất 16 người thiệt mạng và 200 người bị thương.

Dù ai thắng, ai thua trong trận chiến quyền lực khốc liệt ở Ai Cập thì  chịu tổn thất nhiều nhất chắc chắn sẽ là người dân đất nước kim tự tháp. Lo ngại bạo lực vượt tầm kiểm soát, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)... đã kêu gọi các bên ở Ai Cập “kiềm chế” và đối thoại chính trị cũng như tôn trọng ý nguyện của người dân.