Trận mưa lũ lịch sử ở Quảng Ninh: Lý giải nguyên nhân gây thiệt hại nặng nề

ANTĐ -  Trận mưa dữ dội đổ xuống Quảng Ninh đã gây thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng và làm lộ ra những bất cập trong phát triển đô thị. 
Trận mưa lũ lịch sử ở Quảng Ninh: Lý giải nguyên nhân gây thiệt hại nặng nề  ảnh 1

Mưa lũ ở Quảng Ninh được cho là diễn biến bất thường của thời tiết, khó dự đoán chính xác

Quy hoạch đô thị bất cập

Lý giải về trận mưa bất thường diễn ra ở Quảng Ninh, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, đây là hiện tượng bất khả kháng. Ngày 23-7, đã xuất hiện rãnh thấp với một vùng áp thấp nằm trên Vịnh Bắc bộ. Quảng Ninh nằm ở phía Tây của vùng áp thấp này nên đã hứng mưa lớn, tập trung chủ yếu ở các huyện ven biển, TP Cẩm Phả và Hạ Long. Trung tâm DBKTTV Trung ương nhận định, đợt mưa này là dạng thời tiết có tình thế nguy hiểm, lượng mưa lớn, tập trung, cấp tập trong thời gian ngắn. Đây cũng là hiện tượng hiếm gặp trong vòng 50 năm qua.

Trận mưa lũ lịch sử ở Quảng Ninh: Lý giải nguyên nhân gây thiệt hại nặng nề  ảnh 2

Ông Bùi Minh Tăng, nguyên Giám đốc Trung tâm DBKTTV Trung ương cho rằng, địa hình ở vùng Quảng Ninh rất phức tạp, nhiều moong mỏ sâu, bãi thải than lớn như những quả núi nhân tạo, kết dính kém nên khi gặp mưa lớn dễ gây ra sụt lún, sạt lở. Trong khi đó, các đô thị lớn, vùng kinh tế trọng điểm của Quảng Ninh như TP Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Vân Đồn… đều nằm ven biển, nơi trọng tâm gây mưa của vùng áp thấp trên Vịnh Bắc bộ.

Ngoài nguyên nhân mưa lớn, tình hình ngập lụt ở Quảng Ninh trầm trọng hơn còn do tỉnh này là vùng khai thác than trọng điểm, quá trình khai thác đã tạo ra những bãi xỉ than lớn, gặp lượng mưa cực lớn làm trôi bùn đất, cát từ bãi thải xuống khu dân cư ở dưới, gây cản trở dòng thoát nước, khiến lũ thoát chậm hơn. “Qua đây có thể thấy, việc quy hoạch đô thị của Quảng Ninh cũng như một số tỉnh, thành phố ven biển cần phải xem xét lại trong bối cảnh biến đổi khí hậu, mưa lũ, bão đều cực đoan hơn”, ông Bùi Minh Tăng nêu ý kiến.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho rằng, trong lịch sử, Quảng Ninh từng ghi nhận những trận mưa lớn hơn. Đơn cử, ở trận mưa vào tháng  7-1986 tại Cửa Ông, trong một ngày, lượng mưa đạt kỷ lục 400mm. “Mức độ của đợt mưa ở Quảng Ninh vừa qua chưa kỷ lục bằng đợt mưa năm 1986. Tuy nhiên, đợt mưa này có điểm khác là mưa kéo dài hơn nên tổng lượng mưa trong một đợt lớn. Ngoài ra, vào thời điểm năm 1986, thiên nhiên còn nguyên sơ, chưa bị tác động nhiều như hiện nay. Các đô thị lớn cũng chưa đông đúc nên việc tiêu thoát nước cũng dễ dàng hơn”, ông Lê Thanh Hải nhận định.

Không thể dự báo sạt lở

Nói về các “quả núi than nhân tạo” ở Quảng Ninh, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT lo ngại: “Chúng tôi đặc biệt lo ngại về tình trạng sạt lở ở Quảng Ninh. Tỉnh nên mời các cơ quan chuyên môn đánh giá lại vấn đề này”. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng cho rằng, Bộ Công Thương và tỉnh Quảng Ninh cần phối hợp, cử các chuyên gia có kinh nghiệm đánh giá lại các bãi thải than ở Quảng Ninh để có giải pháp lâu dài, phù hợp. 

Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhìn nhận, sau đợt mưa lũ lịch sử, địa phương cần xem xét lại hệ thống thoát nước tại TP Cẩm Phả, Hạ Long; quy hoạch một số khu dân cư ven đồi, hạ lưu các bãi thải than. Đặc biệt, cần đưa ra phương án tối ưu với các bãi thải than trên địa bàn. “Chỉ một bãi thải than bị vỡ, sẽ gây ra hậu quả rất lớn. Hạ lưu các bãi thải than đều là các khu dân cư, nếu bị vỡ, nước, bùn thải than sẽ tràn ngập, không thể dùng máy móc hay sức người cào ra được”, ông Nguyễn Đức Long nhìn nhận.

Mỗi trận mưa, lũ lịch sử đi qua để lại cho các địa phương những bài học lớn về công tác quy hoạch đô thị, về cái giá phải trả khi khai thác tài nguyên quá mức. Trong khi đó, ngay cả các trung tâm dự báo hiện đại trên thế giới tại Mỹ, Nhật Bản… cũng chưa thể dự báo chính xác được những hiện tượng thiên nhiên cực đoan, bất thường như sạt lở đất…

“Công nghệ hiện đại chỉ có thể cảnh báo sớm về mưa với lượng mưa phổ biến chứ không thể cảnh báo được những điểm mưa cực đoan tới cả 1.000mm như tại Quảng Ninh. Chúng ta cũng không thể cảnh báo được các điểm sạt lở, lũ quét vì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, địa hình, địa chất”, ông Bùi Minh Tăng chia sẻ.