Tràn lan “xẻ thịt” vỉa hè, chiếm lòng đường làm nơi trông giữ, đỗ ô tô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vỉa hè tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngang nhiên bị chiếm dụng làm nơi đỗ xe, thậm chí cả lòng đường những tuyến phố vốn được xem là kiểu mẫu về trật tự đô thị cũng rơi vào cảnh bát nháo.

Dịch bệnh đã được kiểm soát sau 2 năm, cuộc sống sinh hoạt đã trở lại nếp cũ nhưng tình trạng quản lý trật tự đô thị trên địa bàn Hà Nội chưa được siết lại. Tình trạng vỉa hè ngang nhiên bị chiếm dụng làm nơi đỗ xe, thậm chí cả lòng đường. Những tuyến phố vốn được xem là kiểu mẫu về trật tự đô thị cũng rơi vào cảnh bát nháo.

Ghi nhận của phóng viên nhiều ngày qua cho thấy, các tuyến phố lớn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt… đều rơi vào cảnh bị chiếm dụng cả lòng đường và vỉa hè làm nơi để xe máy và ô tô.

Vỉa hè khu vực ngã tư Lý Thường Kiệt-Phan Bội Châu dù rộng đến 5m nhưng cũng bị lấn chiếm hết, khiến đô thị nhếch nhác, người đi bộ không còn chỗ lách.

Vỉa hè khu vực ngã tư Lý Thường Kiệt-Phan Bội Châu dù rộng đến 5m nhưng cũng bị lấn chiếm hết, khiến đô thị nhếch nhác, người đi bộ không còn chỗ lách.

Đây là 3 tuyến phố được TP Hà Nội cho phép trông giữ xe dưới lòng đường, đồng thời cấm dừng, đỗ xe ở bên đường còn lại để đảm bảo trật tự văn minh đô thị. Nhưng kể từ đầu năm 2022 đến nay, các tuyến phố này rơi vào cảnh bát nháo, ô tô dừng, đỗ vô tội vạ, vỉa hè bị chiếm dụng toàn bộ để làm nơi đỗ ô tô của các cá nhân, công sở và nhà hàng.

Ô tô dàn hàng 3 trên phố Phan Bội Châu. Theo ghi nhận, đây toàn bộ là phương tiện của các cá nhân vào ăn trưa tại quán Ăn Ngon, 18 Phan Bội Châu

Ô tô dàn hàng 3 trên phố Phan Bội Châu. Theo ghi nhận, đây toàn bộ là phương tiện của các cá nhân vào ăn trưa tại quán Ăn Ngon, 18 Phan Bội Châu

Đoạn vỉa hè Lý Thường Kiệt, khu vực ngã tư Phan Bội Châu- Lý Thường Kiệt thường xuyên rơi vào cảnh toàn bộ vỉa hè rộng rãi đến 5m bị lấn chiếm để trông giữ ô tô. Ô tô được xếp thành hàng hai, thậm chí hàng ba trên vỉa hè, rồi dưới lòng đường. Người đi bộ khi lưu thông qua khu vực Phan Bội Châu- Lý Thường Kiệt chỉ còn biết len lỏi hoặc “liều mình” đi xuống lòng đường.

Người đi bộ bất lực, phải lưu thông xuống dưới lòng đường

Người đi bộ bất lực, phải lưu thông xuống dưới lòng đường

Đặc biệt, khu vực Phan Bội Châu, đoạn qua quán Ăn Ngon tại 18 Phan Bội Châu, phường Cửa Nam, Hoàn Kiếm toàn bộ vỉa hè và lòng đường khu vực này đã biến thành “sở hữu” riêng của nhà hàng khi mà ô tô, xe máy đỗ tràn lan không một kẽ hở.

Cũng cần phải nhắc rằng, vỉa hè các tuyến phố lớn trên địa bàn Hà Nội hiện nay đều có thiết kế đường riêng cho người khiếm thị đi lại. Nhưng, với tình trạng lấn chiếm vỉa hè, đỗ xe ô tô tràn lan như hiện nay thì người khiếm thị nếu có đi lại theo lối dành riêng thì chỉ còn cách…đâm vào ô tô.

Chị Nguyễn Thùy Trang, làm việc tại tòa nhà Pacific-83 Lý Thường Kiệt bức xúc: “Buổi trưa chúng tôi thường phải đi bộ ra ngoài ăn nhưng không bao giờ được đi trên vỉa hè mà phải đi xuống lòng đường chung với xe cộ, rất nguy hiểm. Thật khó hiểu, toàn bộ vỉa hè hai bên đường Phan Bội Châu khu vực quán Ăn Ngon này biến thành sở hữu riêng của nhà hàng, chiếm dụng làm nơi đỗ xe mà không bị xử lý, trong khi UBND Phường Cửa Nam ở ngay đối diện?”.

Đối diện quán Ăn Ngon là UBND phường Cửa Nam nhưng không hiểu sao tình trạng chiếm dụng toàn bộ vỉa hè, lộn xộn ngày nào cũng xảy ra

Đối diện quán Ăn Ngon là UBND phường Cửa Nam nhưng không hiểu sao tình trạng chiếm dụng toàn bộ vỉa hè, lộn xộn ngày nào cũng xảy ra

Chị Trang đặt vấn đề, giả sử khi chị không có vỉa hè để đi mà phải đi xuống dưới lòng đường, nếu xảy ra tai nạn giao thông thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Còn trên phố Lý Thường Kiệt, ở mỗi ngã tư giao cắt, cơ quan chức năng đều cắm biển cấm dừng, đỗ nhưng vô tác dụng. Ô tô vẫn đậu, đỗ tràn lan, không những đỗ trên vỉa hè mà còn ngang nhiên xếp hàng dài dưới lòng đường, đặc biệt một số đoạn như đối diện khách sạn Melia, đoạn công trình đang xây dựng trụ sở SHB…

Phố Lý Thường Kiệt cấm dừng, đỗ xe một bên đường nhưng bất chấp biển báo cấm, ô tô vẫn đỗ tràn lan

Phố Lý Thường Kiệt cấm dừng, đỗ xe một bên đường nhưng bất chấp biển báo cấm, ô tô vẫn đỗ tràn lan

Biển cấm có như không trên phố Lý Thường Kiệt

Biển cấm có như không trên phố Lý Thường Kiệt

Ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, việc tổ chức đô thị của Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn nói chung vẫn chưa theo hướng ưu tiên cho người đi bộ để tiếp cận các phương thức vận tải công cộng. Vỉa hè vẫn để kinh doanh, để trông giữ phương tiện, người đi bộ không có lối đi.

“Chúng ta phải quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông để làm sao đáp ứng nhu cầu đi lại một cách hợp lý cho người dân. Quy định pháp luật của chúng ta hiện chưa đủ, chưa mang tính bắt buộc thực hiện nên các đô thị vẫn ưu tiên không gian cho chung cư, công trình hạ tầng mang lại lợi ích kinh tế hơn hạ tầng giao thông”- ông Minh nhìn nhận.