Tràn lan thử nghiệm thuốc chi phí rẻ

ANTĐ - Quy trình thử nghiệm thuốc mới phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt của Hiệp hội Y khoa Thế giới, tuy nhiên, việc phát hiện sai phạm rất khó vì các công ty dược thường thuê “bên thứ 3” - gọi là các CRO (các tổ chức nghiên cứu lâm sàng) tiến hành. Những bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em ở các nước đang phát triển tiếp tục trở thành nạn nhân, thậm chí tử vong do bị biến thành “chuột bạch”, chỉ vì lợi nhuận. 

Nhiều hãng dược phẩm chọn những nước như Ấn Độ để thử nghiệm thuốc mới vì chi phí rẻ

2 năm, 49 trẻ em tử vong 

Năm 2008, quỹ tài trợ Uday Ấn Độ đã công bố một danh sách gây tranh cãi,  tổ chức cứu trợ trẻ em xác định được tên của tất cả các loại thuốc đã được các viện y khoa thử nghiệm. Trong vòng hơn 2 năm, 49 trẻ em đã tử vong trong thời gian nghiên cứu lâm sàng những loại thuốc này. 

Trong số các loại thuốc được thử nghiệm trên trẻ em có thuốc Valsartan chống tăng huyết áp. Loại thuốc này do công ty        Novartis của Thụy Sĩ sản xuất. Công ty Novartis đã phủ nhận mọi liên quan đến các ca tử vong trên. “Các trường hợp tử vong khi tham gia các cuộc thử nghiệm sức khỏe đều rất yếu. Không thể xác định được rằng Valsartan là nguyên nhân gây ra cái chết cho những bệnh nhân này” - Michael Schiendorfer, người phát ngôn hãng Novartis nói. Những lý lẽ trên của các công ty dược phẩm chỉ nhằm biện hộ cho các cuộc nghiên cứu thử nghiệm thuốc mới của mình. 

Năm 2010, sau khi 7 cô gái tử vong trong dự án tiêm phòng vaccine mới ngừa HPV, một loại virus gây bệnh ung thư cổ tử cung - do tổ chức phi lợi nhuận Path tiến hành, nhóm bảo vệ sức khỏe phụ nữ Sama ở New Delhi và tổ chức phi chính phủ Jan Swasthya Abhiyan tiến hành điều tra và phát hiện sự vi phạm đạo đức nghiêm trọng. Sama và Jan Swathya Abhiyan cho biết, các nhà nghiên cứu không hề thông tin cho các bậc cha mẹ và con gái của họ về loại vaccine thử nghiệm.

Một nghiên cứu độc lập từ Trung tâm Nghiên cứu đạo đức và nhân quyền có trụ sở ở   Mumbai đã phát hiện các công ty dược phẩm đa quốc gia nổi tiếng thế giới như GlaxoSmithKline, Johnson & Johnson và AstraZeneca cũng có những hành vi vi phạm đạo đức y khoa trong nghiên cứu thử nghiệm thuốc mới. Theo số liệu chính thức, hơn 1.500 người Ấn Độ thiệt mạng trong những cuộc thử  nghiệm thuốc từ năm 2008.

Tuyên bố Helsinki bị phớt lờ

Tất cả các nghiên cứu y khoa phải được tiến hành theo các tiêu chuẩn y đức của Tổ chức Y tế thế giới và Tuyên bố Helsinki. Tuyên bố Helsinki được Hiệp hội Y khoa Thế giới đưa ra vào năm 1964 và được sửa đổi năm 2008, trong đó lợi ích của bệnh nhân phải được tuyệt đối đảm bảo, các thử nghiệm y khoa phải bảo vệ những người tham gia. “Các nghiên cứu y khoa liên quan đến đối tượng con người, sự khỏe mạnh của các chủ thể nghiên cứu phải được đặt ưu tiên hơn tất cả các lợi ích khác” - Tuyên bố Helsinki nêu rõ và quy định, lợi ích của những người nghèo và thiệt thòi về chăm sóc y tế phải được đặc biệt xem xét.  

Tuy nhiên, không ít các công ty dược khi tiến hành thử nghiệm thuốc đã bỏ qua lời giáo huấn này và hầu như cũng không có sự theo dõi, giám sát việc tuân thủ các quy tắc. Nhiều nhà sản xuất “khoán trắng” việc thử nghiệm những loại thuốc thường gây tranh cãi cho các công ty nhỏ hơn ở các nước đang phát triển, các tổ chức được gọi là tổ chức nghiên cứu lâm sàng (CRO). 

Năm 2008, các tổ chức này ký kết hợp đồng với các công ty dược phẩm lớn lên kế hoạch và thực hiện hơn 9.000 nghiên cứu liên quan đến khoảng 2 triệu đối tượng thử nghiệm ở 115 quốc gia. Doanh số bán hàng lên tới 20 tỷ USD, ước tính tương đương với một phần ba chi phí toàn cầu về nghiên cứu dược phẩm.  

Cuộc đua lợi nhuận

Một số nghiên cứu độc lập cho thấy, hơn một nửa trong số các thử nghiệm thuốc trên toàn thế giới diễn ra ở các nước đang phát triển. Không chỉ chi phí  nghiên cứu thấp hơn, mà nhiều người tham gia còn rất biết ơn bởi họ là những bệnh nhân không có điều kiện để hưởng chăm sóc y tế. Các công ty đã đưa ra “mồi nhử” khi nói rằng chúng được tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt ở Tây Âu, Nhật Bản hay Mỹ.

Nhanh chóng, hiệu quả, đáng tin cậy - các tổ chức nghiên cứu lâm sàng tích cực quảng cáo cho các dịch vụ của mình trên trang web. Những cam kết này được các nhà sản xuất dược phẩm đón nhận nồng nhiệt. Mỗi giai đoạn nghiên cứu lâm sàng càng được nhanh chóng hoàn thành, các công ty càng sớm đưa ra thị trường các loại thuốc mới, lợi nhuận càng cao. Những công ty như Bayer, GlaxoSmithKline và Pfizer  - đều từng thử nghiệm dược phẩm ở Ấn Độ đã công nhận điều này. 

Mới đây, truyền thông Ấn Độ đưa tin, Công ty dược phẩm sinh học AstraZeneca đã bí mật thử nghiệm loại  thuốc Ticagrelor ở Trung tâm nghiên cứu và bệnh viện tưởng niệm Bhopal. Bệnh viện này được thành lập sau khi khoảng 10.000 người tử vong trong vụ thảm họa hóa học ở thành phố Bhopal năm 1984. Những người sống sót được điều trị y tế tại bệnh viện, tuy nhiên, nhiều bệnh nhân trong số này đã trở thành đối tượng thử nghiệm cho một loại thuốc trợ tim khiến 14 người tử vong, tuy nhiên, chẳng có ai đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường cho các gia đình nạn nhân.