Trần lãi suất huy động còn 6%/năm

ANTĐ - Từ ngày 18-3, lãi suất tiết kiệm VND kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 7% xuống 6%/năm, lãi suất huy động tối đa bằng USD giảm từ 1,25% xuống 1%/năm. Cùng với lãi suất huy động, một loạt các lãi suất điều hành khác cũng được điều chỉnh. 

Trước việc cắt giảm lãi suất kỳ hạn ngắn, nhiều khách hàng đã chuyển tiền sang gửi các kỳ hạn dài

Cơ sở để giảm lãi suất cho vay

Bà Nguyễn Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, trên cơ sở điều kiện, diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, để tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, NHNN đã chính thức ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất. Theo đó, từ hôm nay (18-3), lãi suất tiết kiệm VND kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 7% xuống 6%/năm. Lãi suất huy động tối đa bằng USD cũng giảm từ 1,25% xuống 1%/năm. Một loạt các mức lãi suất điều hành khác cũng được điều chỉnh cùng thời điểm. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 7%/năm xuống 6,5%/năm, lãi suất chiết khấu từ 5% còn 4,5%/năm. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn của NHNN với các ngân hàng từ 8% được điều chỉnh xuống 7,5%/năm... 

Đánh giá về tác động của việc giảm lãi suất lần này, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho rằng: “Giảm lãi suất huy động sẽ là cơ sở để giảm lãi suất cho vay. Với mức giảm lần này, khả năng huy động vốn của các tổ chức tín dụng sẽ không bị ảnh hưởng. Số dư tiền gửi tại các ngân hàng vẫn gia tăng từ sau Tết. Trong bối cảnh hiện nay, việc gửi tiền vào ngân hàng theo tôi vẫn là kênh an toàn và hiệu quả nhất. Tôi tin xu hướng này vẫn được xã hội chấp nhận”. 

Theo ông Trần Xuân Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV): “Trong một tháng qua, người dân cũng nhạy bén với khả năng sẽ giảm trần lãi suất huy động, nhiều người đã chuyển qua gửi các kỳ hạn dài và nguồn vốn này tăng rõ rệt. Hiện nay tăng trưởng huy động vốn cao hơn tăng trưởng tín dụng, nên việc hạ trần lãi suất huy động là hợp lý để các ngân hàng tạo sự cân bằng, cũng như góp phần giảm lãi suất cho vay và kích thích thêm tăng trưởng tín dụng. 

Tín dụng nhúc nhích tăng

Bà Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết: “Tín dụng tính đến 13-3 vẫn tăng trưởng âm 1,05% so với cuối năm 2013. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu tháng 3 tới nay thì tín dụng đã tăng 0,13% so với cuối tháng 2, đây là tín hiệu đáng mừng sau 2 tháng giảm liên tục trước đó”.

Tín dụng tăng trưởng chậm chạp song đại diện NHNN khẳng định, năm nay NHNN vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 12-14%. Theo Phó Thống đốc NHNN  Nguyễn Đồng Tiến: “Giảm lãi suất chỉ là một trong những biện pháp điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tiền tệ cũng chỉ là một trong những giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô. Do vậy, việc giảm lãi suất tạo cơ sở khuyến khích tăng trưởng tín dụng cũng như tăng trưởng kinh tế nhưng cũng đòi hỏi nhiều biện pháp đồng bộ khác của các cơ quan quản lý”. 

Về các giải pháp khuyến khích tăng trưởng tín dụng, đại diện NHNN cho biết: “Việc đưa lãi suất xuống là cơ sở để các tổ chức tín dụng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đồng thời những biện pháp chỉ đạo của NHNN thông qua các giải pháp như gắn kết giữa hệ thống tổ chức tín dụng với doanh nghiệp, với khách tạo mối liên kết hỗ trợ sản xuất kinh doanh từ đó tháo gỡ các khó khăn trong việc xem xét cho vay, giải ngân vốn cũng là những biện pháp để kích thích tín dụng. Ngoài ra cũng có những biện pháp đang tiếp tục được thực hiện như xem xét cơ cấu lại nợ, dành những chương trình thí điểm”.