Trăm hoa đua nở - cuộc chiến ví điện tử ngày càng khốc liệt

ANTD.VN - Tăng cường kết nối với các dịch vụ, doanh nghiệp, liên tục khuyến mại… các tổ chức cung cấp ví điện tử đang bước vào một cuộc đua giành thị phần gay gắt và vô cùng tốn kém.

Trăm hoa đua nở - cuộc chiến ví điện tử ngày càng khốc liệt ảnh 1Cuộc đua ngày càng khốc liệt, các ví điện tử tung hàng loạt chiêu để giành thị phần

Đua khuyến mại giành thị phần

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép dịch vụ trung gian thanh toán cho 30 tổ chức không phải ngân hàng, trong đó 27 tổ chức cung ứng có ví điện tử. Với lợi thế dân số trẻ, tỷ lệ tiếp cận Internet và sở hữu điện thoại thông minh ở mức cao, mức thu nhập và tiêu dùng đang gia tăng, Việt Nam đang là thị trường tiềm năng cho ví điện tử. Tính đến 2018, cả nước có 4,24 triệu ví điện tử đã được xác thực, liên kết với tài khoản ngân hàng trên tổng số gần 9 triệu ví đăng ký. Giao dịch qua ví điện tử đạt ngưỡng 60 triệu giao dịch/năm, với mức bình quân đạt 200.000 đồng/giao dịch. Hiện tại, cả nước đang có khoảng 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán thông qua ví điện tử. Năm 2018 hệ thống các công ty trung gian thanh toán đã xử lý 214 triệu ví điện tử (tăng 14.66% so với 2017) với giá trị 91.000 tỷ đồng..

Dù là hình thức thanh toán mới mẻ nhưng ví điện tử đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của người dùng do thanh toán nhanh gọn, ít thao tác so với các hình thức thanh toán điện tử khác như Internet Banking (ngân hàng trực tuyến) hay Mobile Banking (ứng dụng ngân hàng trên điện thoại). Đặc biệt, số lượng người dùng ví tăng khá mạnh nhờ vào những giải pháp liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp fintech (trung gian thanh toán), cùng với đó là hàng loạt những khuyến mãi, ưu đãi, hoàn tiền. Có thể kể đến Momo tung hàng loạt khuyến mại, khi mua hàng trên các trang thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến, hóa đơn dịch vụ (điện, nước, điện thoại trả sau…). Viettelpay nổi bật với hoạt động chuyển khoản, mua thẻ cào trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Zalopay và Airpay khuyến mại khi mua thẻ cào game online, mua đồ ăn trực tuyến. Grab by Moca hoàn tiền khủng khi thanh toán hóa đơn tiền điện… Các ngân hàng cũng tặng mã khuyến mại cho khách hàng khi liên kết với ví điện tử.

Không chỉ đơn thuần là một trung gian thanh toán, nhiều doanh nghiệp còn đẩy mạnh việc liên kết với các doanh nghiệp khác để tạo nên một “hệ sinh thái” mà thông qua đó, người dùng có thể thanh toán nhiều loại hàng hóa khác nhau. Chẳng hạn như Moca đã kết hợp cùng Grab để thanh toán các dịch vụ của Grab, thanh toán tiền điện, nạp tiền điện thoại…; AirPay sau khi tích hợp vào Foody trở thành kênh đặt hàng và thanh toán chính thức của Foody cùng dịch vụ giao đồ ăn Now.

Miếng bánh có thực sự lớn?

Theo giới chuyên gia, thời gian tới, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt sẽ phát triển mạnh tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt chiếm hơn 30% trên tổng phương diện thanh toán. Trong 3 năm tới, mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt sẽ chiếm tỷ lệ 50% trên tổng phương diện thanh toán.

Đây là lý do hàng loạt công ty, quỹ đầu tư ngoại đã không ngần ngại rót vốn đầu tư để đón đầu xu hướng này. Có thể kể đến ví điện tử MoMo hồi đầu năm đã nhận được 100 triệu USD từ Warburg Pincus - một quỹ đầu tư hàng đầu của Mỹ. Trước đó, ví điện tử này cũng đã nhận khoản đầu tư 28 triệu USD của 2 đối tác ngoại   (Goldman Sachs với 3 triệu USD, Standard Chartered Private Equity với 25 triệu USD). Trong khi đó, ZaloPay cũng có “ông lớn” VNG đứng sau; Công ty Moca “bắt tay” với Grab; SEA Group (Singapore) hợp tác với Công ty CP Phát triển thể thao điện tử Việt Nam (VED) triển khai dịch vụ thanh toán AirPay… Thế nhưng, ví điện tử có thực sự đang “hốt bạc” tại Việt Nam? Trên thực tế, không ít doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này đang bị lỗ nặng. Đơn cử, tính đến cuối năm 2018, ví điện tử Momo đã lỗ lũy kế gần 1.000 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Zion cũng báo lỗ 177 tỷ đồng chỉ trong năm 2018 với sản phẩm ví ZaloPay. Đây là 2 trong số những ví điện tử có nhiều người dùng nhất hiện nay.

Ông Phạm Thành Đức, Tổng Giám đốc MoMo từng thừa nhận, thị trường ví điện tử đang cạnh tranh rất khốc liệt và không dễ cho các fintech. Bởi với mức hoa hồng dưới 1% thì phải có hàng triệu người dùng và hàng tỷ lần giao dịch thì doanh nghiệp mới có lợi nhuận như kỳ vọng. Do đó, thị trường thanh toán của ví điện tử không phải là miếng bánh béo bở như nhiều người nghĩ và đầu tư ví điện tử cần xác định lâu dài. 

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước cũng từng cho biết, chỉ có khoảng 20% trong số các đơn vị cung cấp ví điện tử hiện nay có lãi từ các giao dịch, phần còn lại được đánh giá là “không ổn định”. Việc thua lỗ trong hoạt động đầu tư ví điện tử không phải khó lý giải, bởi đa phần các doanh nghiệp hiện nay đang chọn đánh đổi lợi nhuận lấy thị phần, “giành mâm” để chờ thời cơ. Những ví điện tử luôn dẫn đầu thị trường hiện nay chủ yếu lôi kéo được khách hàng nhờ mạnh tay tung các chương trình khuyến mại hấp dẫn, mua hàng trên các trang thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến, thanh toán hóa đơn dịch vụ như điện, nước, điện thoại trả sau, chiết khấu và ưu đãi cao… Có thể nói, các ví điện tử ở Việt Nam vẫn đang “sống bằng tiền của nhà đầu tư”, nghĩa là đang dựa vào bệ đỡ tài chính từ các tổ chức quốc tế.

Chặng đường còn khá xa

Những tổ chức cung ứng ví điện tử còn lại, không có tiềm lực tài chính mạnh được dự đoán là sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này. Bởi thị trường dù đang “trăm hoa đua nở”, nhưng nhiều tổ chức vẫn chưa có hướng đi rõ ràng và bền vững, chủ yếu chạy theo cơn sốt ví, sốt trung gian thanh toán.

Trong khi đó, dù thương mại điện tử tại Việt Nam đã khá phát triển nhưng theo số liệu thống kê gần đây của  Standard Chartered thì tỷ lệ trả tiền mặt khi mua sắm online (COD) ở nước ta vẫn đang ở mức cao hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á (90,17%). Điều này cho thấy, thói quen dùng tiền mặt của người Việt vẫn là một rào cản lớn đối với ví điện tử. Nhưng thói quen có thể thay đổi nếu các ví điện tử thực sự xây dựng được một hệ sinh thái đủ lớn để thanh toán được gần như tất cả mọi thứ trong đời sống chỉ thông qua chiếc điện thoại di động. Ở Việt Nam, chưa có ví điện tử nào làm được điều này. Những ví điện tử tên tuổi như Momo, ZaloPay, Airpay... tuy phát triển rất mạnh để phục vụ một lượng lớn người dùng, nhưng các dịch vụ vẫn chủ yếu là thanh toán hóa đơn, chuyển tiền... 

Trong khi nhìn sang Trung Quốc, chỉ với 2 ví điện tử là Alipay của Alibaba và WeChat Pay của Tencent, người dân có thể thanh toán mọi thứ, từ các loại hóa đơn, ăn uống, viện phí, mua sắm, du lịch, thậm chí là đi chợ... bằng chiếc điện thoại di động.

Những tổ chức cung ứng ví điện tử còn lại, không có tiềm lực tài chính mạnh được dự đoán là sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này. Bởi thị trường dù đang “trăm hoa đua nở”, nhưng nhiều tổ chức vẫn chưa có hướng đi rõ ràng và bền vững, chủ yếu chạy theo cơn sốt ví, sốt trung gian thanh toán.