Trải nghiệm lụa Việt Nam và tôn vinh phụ nữ Việt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lễ tôn vinh phụ nữ Việt Nam và trải nghiệm lụa vừa diễn ra tại Hà Nội. Tại đây, nét đẹp về lụa Việt Nam và sứ mệnh tôn vinh vẻ đẹp Việt đã được giới thiệu tới những người tham dự. 

Chương trình do Bộ Ngoại giao tổ chức, nhóm Ban Nữ công và công ty De Silk phối hợp thực hiện nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Nguyễn Quốc Dũng, chủ tịch danh dự nhóm Phụ nữ công đồng ASEAN tại Hà Nội Nguyễn Nguyệt Nga cùng đại sứ các nước, các chị em cán bộ nữ của Bộ ngoại giao đã tới tham dự.

Buổi gặp mặt kỷ niệm Ngày 8/3 đã diễn ra với nhiều hoạt động thú vị như thực hành thắt khăn lụa với sự hướng dẫn của các nhà thiết kế, trình diễn thời trang áo dài lụa, chương trình tọa đàm về lụa với phần tham gia của MC Minh Hà, Giám đốc sáng tạo chương trình Let's Style TV Tôn Hiếu Anh; tham quan và trải nghiệm với các sản phẩm lụa đặc sắc có sự pha trộn giữa kỹ thuật thủ công truyền thống tạo nên chất liệu lụa truyền thống của Việt Nam và các mẫu thiết kế hiện đại do nhà thiết kế gốc Việt hiện đang sinh sống tại Thụy Sỹ, Minh Phạm tạo nên.

Tại chương trình, người tham dự đã được tìm hiểu về lịch sử ngành tơ lụa Việt Nam và sự gắn bó của người phụ nữ với chất liệu tự nhiên này.
Theo đó, phụ nữ Việt Nam ở nhiều vùng miền xưa kia vốn gắn với bãi dâu nong tằm và khung cửi. Lụa Việt Nam cũng gắn với nhiều tên tuổi là nữ giới được dân gian lưu truyền như là công chúa Thiều Hoa, con gái vị vua Hùng Vương thứ 6. Bà là người có tài, xinh đẹp, nhân hậu, có khả năng giao tiếp với muôn loài. Tục truyền, bà được một loài bướm truyền dạy cho cách ươm tơ dệt lụa, và sau đó trở thành bà tổ của nghề lụa Việt Nam.

Nhân vật nữ thứ 2 là công chúa Liễu Hạnh, là người có công truyền dạy người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa và được dân gian tôn thờ. Bà đồng thời là 1 trong tứ bất tử Việt Nam.

Màn trình diễn các sản phẩm lụa thời trang của công ty DeSilk

Màn trình diễn các sản phẩm lụa thời trang của công ty DeSilk

Ngoài ra còn có Vương phi Ỷ Lan, bà xuất thân từ người trồng dâu nuôi tằm, sau trở thành mẫu nghi thiên hạ, vợ của vua Lý Thánh Tông.

Thông tin từ các khách mời cho biết, lụa Việt Nam được đánh giá là một trong những loại tơ lụa tốt hàng đầu thế giới. Sản lượng tơ lụa Việt Nam cũng đứng thứ 6 thế giới và thứ 3 khu vực, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc.

Tơ lụa Việt Nam được sản xuất ở nhiều vùng miền khác nhau, tuy nhiên, Bảo Lộc là nơi có sản lượng cao nhất, chiếm khoảng 70%. Tuy nhiên, phần lớn tơ lụa sản xuất tại đây được xuất khẩu dưới dạng vải nguyên liệu.

Với mong muốn mang được những nét đẹp về văn hóa, phong cách, lịch sử của Việt Nam lên những sản phẩm tơ lụa một cách tinh tế, sang trọng, hiện nay trong nước đã xuất hiện các thương hiệu thời trang sử dụng chất liệu lụa Việt Nam làm chủ đạo, kết hợp với thiết kế hiện đại, trẻ trung.

Bà Văn Thị Hằng, Giám đốc của DeSilk chia sẻ: "Mong muốn của chúng tôi là tạo ra một sản phẩm tơ lụa mà sẽ trở thành niềm tự hào của Việt Nam. Chúng tôi muốn nói với thế giới rằng, Việt Nam cũng có thể sản xuất ra được những sản phẩm tơ lụa mang đẳng cấp thế giới và tự hào ghi trên sản phẩm của mình dòng chữ "Made in Vietnam".