Trải nghiệm làm bánh “mùa” giãn cách

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dịch bệnh căng thẳng, giãn cách xã hội hạn chế các hoạt động không thiết yếu, không ra đường nếu không thực sự cần thiết, thế là cả gia đình đều... ở nhà. Dĩ nhiên, ở nhà nếu không phải làm việc online thì nhàn hạ vô cùng. Khối người rảnh quá không chịu được vì xem phim mãi cũng chán, lướt Facebook mãi cũng nhức đầu, đọc sách thì thiếu tập trung, thế là đành phải bày vẽ nấu nướng, ăn uống... Mà “trend” của “mùa” giãn cách 2021 này trên mạng xã hội là làm các loại bánh, không phân biệt vùng miền, lãnh thổ.

Khác với những đợt giãn cách trước, hội “yêu bếp” lao vào nấu phở, làm bún ốc, làm đậu phụ, làm giá đỗ, trồng rau mầm… thì năm nay mốt của các bà nội trợ là làm bánh, từ bánh mỳ Pháp-baguette tới bánh mỳ kiểu Việt Nam, rồi bánh dày, bánh nếp, bánh giò, bánh bao, bánh khúc... Công thức làm bánh thì trên mạng đầy, các clip đủ cả, mọi bài viết hướng dẫn đều khẳng định siêu dễ, thành công ngay từ lần đầu tiên. Quả là những lời hứa hẹn có cánh. Tuy nhiên giữa lý thuyết và thực hành bao giờ cũng cách nhau “một vòng trái đất”, có trải nghiệm mới biết, nhiều khi “yêu bếp” cũng rất dễ... bị lừa.

Trải nghiệm với bánh mỳ

Trong nhiều cuốn sách dạy nấu ăn, đặc biệt là các cuốn sách dạy làm bánh, các chuyên gia ẩm thực, đầu bếp nổi tiếng đều khẳng định, làm bánh mỳ (baguette) là khó nhất vì loại bánh này có nhiều tiêu chuẩn như độ nở của ruột bánh, độ giòn của vỏ bánh lúc nóng và mềm vừa phải lúc nguội, thành phẩm ra mắt màu sắc phải chuẩn. Không phải ngẫu nhiên mà người Pháp bao năm qua vẫn cứ tự hào về baguette. Chính vì thế, nhiều clip dạy nấu ăn trên mạng xã hội khẳng định, nếu làm theo đúng cách thì thành công ngay từ lần đầu tiên là vô cùng… liều.

Thế nhưng, dù không biết tý gì mà cứ một mực tin vào mách nước trên mạng (thành công từ lần đầu), nhiều bà nội trợ vì dịch giã rảnh rang nên cứ thử thôi, mất gì đâu. Đầu tiên là mua nguyên liệu, dụng cụ làm bánh, con lăn bột, thậm chí là mua cả cân để đong nguyên liệu sao cho chuẩn. Thế là mất kha khá tiền, dịch giã khó khăn thế này cũng là một khoản chi đáng kể. Clip trên mạng nói, có thể dùng bột mỳ đa dụng, nhưng “một nguồn tin thân cận” lại mách nước: “Không được, phải là bột mỳ số 13”. Thế là đặt hàng mua bột mỳ số 13. “Men đỏ à? Không được! Phải là men nâu”. Thế là lại đặt mua men nâu. Sau khi đủ cả nguyên liệu mới bắt tay vào làm. Khoản nhào bột, nhồi bột rõ ràng đó là một thách thức lớn đối với những người xưa nay chỉ quen gõ bàn phím. Nghĩa là vừa phải dùng sức, vừa phải căn đo đong đếm thời gian ủ bột. Tạo hình bánh mỳ, nhìn trên clip đơn giản, tự làm mới thấy khó làm sao. Bánh mỳ sau khi tạo hình nướng lên trông hệt cái bánh bao hay bánh ít. Tự an ủi bản thân, kinh nghiệm bao giờ cũng phải được học từ những lần thất bại và “làm lâu sẽ quen”.

Đúng là “có công mài sắt có ngày nên kim”, sau khoảng 3-4 lần phải “thủ tiêu thất bại” vào sọt rác vì không thể ăn được, rốt cuộc tôi cũng làm được mẻ bánh mỳ tạm gọi là thành công, tức là “ăn được”. Bạn bè xung quanh gửi cho danh sách các loại máy nhào bột, máy làm bánh, giá khoảng vài triệu đồng. Mấy lần định mua nhưng rồi ngồi tính toán lại, bánh mỳ ngoài hàng chuẩn chất lượng chỉ có giá vài nghìn/cái. Giờ bỏ tiền mua máy nhào bột về, rồi dăm bữa hết giãn cách, bố mẹ đi làm, con cái đi học, lấy đâu ra thời gian mà bánh trái? Vả lại, máy móc mua cho lắm rồi biết cất đi đâu?

Bánh trái mùa dịch

Không chỉ có bánh mỳ là công cụ trải nghiệm trong thời gian “sống chậm” một cách hữu ích nhất, mà làm bánh bao cũng là một phong trào từng lên tương đối cao. Bột làm bánh bao ở siêu thị bán sẵn, dạy làm cũng rất rõ ràng. Nguyên liệu làm nhân thì phức tạp hơn bánh mỳ một chút, tức là có thịt băm, mộc nhĩ, miến, hạt tiêu, trứng muối hoặc trứng luộc, có người thích cho thêm lạp sườn. Nhân được xào cho ngấm mắm muối, vỏ bánh được nhào bột kỹ, để nở và cán mỏng theo hình tròn. Khâu tạo hình bánh bao cũng là một thử thách, nhưng chẳng sao, bánh bao miễn hình hơi bẹt là được rồi....

Cũng giống như bánh mỳ, để làm được một cái bánh bao ngon, vỏ nở mềm là chuyện không đơn giản. Nhân bánh có thể giống nhau, nhưng vỏ bánh nhất quyết phải theo công thức chuẩn và đương nhiên, để có được chuẩn phải là kinh nghiệm. Nếu chỉ quên một vài chi tiết nhỏ thôi, bánh sẽ cứng không thể ăn được. Vì là mùa dịch, hàng quán đóng cửa, nhu cầu bánh trái tự làm tăng, nhiều nơi nảy ra ý tưởng bán vỏ bánh bao đông lạnh. Nghĩa là, người mua chỉ việc rã đông vỏ bánh, cán bột, rồi thêm nhân bánh và tạo hình. Để bột nghỉ khoảng 20 phút thì đem hấp. Công đoạn khó khăn của việc tự làm bánh rút ngắn chỉ còn lại 1/3.

Không chỉ có vỏ bánh bao, các loại bánh mỳ, bánh ngọt tươi cũng được nhiều trang mạng xã hội rao bán. Bánh được tạo hình và cấp đông, mua về chỉ việc rã đông, cho vào lò nướng với nhiệt độ và thời gian được hướng dẫn trên bao bì. Thế là đỡ bao nhiêu khó khăn vất vả mà vẫn có tiếng là tự làm bánh.

Bánh khúc cũng có thể làm tại nhà vào mùa thu, không cần đợi đến mùa xuân khi rau khúc mọc đầy cánh đồng. Rau khúc được hái từ mùa trước, cấp đông rồi khi ăn mới đem ra chế biến và trộn bột. Hơn 100 nghìn đồng/cân bột bánh khúc, các bà nội trợ chỉ việc lên mạng đặt hàng, nhận hàng rồi ngâm đậu, ngâm gạo, xào thịt làm nhân mà thôi.

Đối với những người ít khi phải vất vả với bếp núc, bánh trái thì thành công gặt hái được từ thành phẩm bánh khúc cao hơn rất nhiều 2 loại bánh kể trên. Bột bánh có lá khúc được chia nhỏ ra từng phần, cán dẹt bao ngoài, nhân bánh được làm từ đậu xanh nấu chín cùng thịt xào qua với nước mắm, hạt tiêu cho ngấm. Bánh khúc được lăn qua một lớp gạo nếp đã vo và ngâm khoảng 2-3 giờ. Cứ thế hấp trong chõ, bao giờ bột trong lại, phần gạo bao phía ngoài mềm thành xôi là bánh chín.

Tạm kể ra đây 3 loại bánh đầu tiên trong phong trào làm bánh mùa dịch của các bà nội trợ vốn buộc phải “yêu bếp” trong thời gian giãn cách. Tất nhiên, danh sách bánh trái nên thử trong thời gian rảnh còn dài, nào là làm bánh cuốn bằng chảo chống dính, làm bánh cuốn từ bánh đa nem (bánh tráng), làm bánh giò mà không cần lá chuối, làm bánh xèo... Hơn 50 ngày Hà Nội giãn cách xã hội, nhiều khi cứ đùa nhau rằng, mải miết học nấu ăn thế này khéo sau khi hết dịch, Hà Nội toàn “siêu đầu bếp”. Vào bếp mùa dịch đối với những người xưa nay không thiết tha gì chuyện nấu nướng hay không đủ thời gian cho căn bếp của mình, chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thú vị dù món ăn đó thành công hay thất bại.

Hơn 50 ngày Hà Nội giãn cách xã hội, nhiều khi cứ đùa nhau rằng, mải miết học nấu ăn thế này khéo sau khi hết dịch, Hà Nội toàn “siêu đầu bếp”. Vào bếp mùa dịch đối với những người xưa nay không thiết tha gì chuyện nấu nướng hay không đủ thời gian cho căn bếp của mình, chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thú vị dù món ăn đó thành công hay thất bại.