Trải nghiệm không gian văn hóa Mường cổ

ANTĐ - Người Mường ở Hòa Bình có câu: “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động” để nói về sự trù phú, tươi đẹp và cuộc sống văn hóa tinh thần phong phú của người Mường.

Bảo tàng Mường đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho người ưa khám phá

Người yêu xê dịch, tìm hiểu và khám phá khi có cơ hội thường tìm đến một không gian văn hóa Mường cổ, nguyên gốc với những nét văn hóa, đời sống sinh hoạt, không gian thôn bản theo truyền thống cũ. Câu ca lưu truyền để chỉ bốn Mường lớn nhất theo diễn giải về các tên gọi xứ Mường cổ: Mường Bi là vùng đất thuộc huyện Tân Lạc bây giờ; Mường Vang chính là vùng Lạc Sơn; Mường Thàng là huyện Cao Phong; Còn Mường Động chính là vùng Kim Bôi ngày nay. Xứ Mường rộng lớn là như vậy, nhưng do địa bàn sinh sống của người Mường khá gần gũi với người Kinh, ở gần các trung tâm lớn và bằng phẳng, thuận tiện cho việc giao thương, đi lại nên sự ảnh hưởng từ văn hóa, lối sống của người miền xuôi và lối sống hiện đại tác động mạnh mẽ lên văn hóa Mường. 

Có một nơi cách không xa đường Quốc lộ 6, từ ngã ba dốc Cun, thành phố Hòa Bình rẽ theo đường Tây Tiến chừng 5 cây số là Bảo tàng Mường, nơi lưu giữ những nét văn hóa Mường và nó tái hiện như một quần thể xã hội Mường thu nhỏ với 4 khu nhà sàn tương ứng với 4 tầng lớp khác nhau: nhà Lang (nhà của quan Lang, người có địa vị cao nhất trong xã hội Mường), nhà Ậu (nhà của người giúp việc cho quan Lang), nhà Nóc (nhà của tầng lớp bình dân trong xã hội Mường) và cuối cùng là nhà Nóc Trọi (nhà của tầng lớp bần cùng nhất trong xã hội). 

Một điều đáng tiếc là ngôi nhà Lang hiện nay trong Bảo tàng Mường đã không còn sau khi bị hỏa hoạn. Tuy nhiên, những không gian khác của Bảo tàng Mường vẫn còn nguyên vẹn. Bảo tàng Mường vẫn không kém phần hấp dẫn bởi nó không phải là một “bảo tàng chết”, nơi trưng bày những hiện vật để khách chỉ có thể đến xem. Bảo tàng Mường là một “bảo tàng sống”, nơi bất cứ ai đến đây cũng có thể được trải nghiệm một môi trường văn hóa Mường đang tồn tại chân thực như nó vốn có và sẽ tiếp tục được “sống” như thế trong không gian văn hóa Mường. 

Ở đó, du khách được trải nghiệm cuộc sống của người Mường như cùng lắng nghe những câu chuyện sử thi bên bình rượu cần và các món ăn truyền thống, ngủ nhà sàn Mường... Và nếu có đủ thời gian, hãy cùng tìm hiểu phong tục tập quán của người dân xứ Mường ngay ở trong bảo tàng và cả những thôn bản Mường ở ngay bên ngoài bảo tàng, một không gian văn hóa Mường thực thụ.

Đến Bảo tàng Mường còn một điểm vô cùng hấp dẫn cho một hành trình khám phá vào mỗi dịp cuối tuần. Bảo tàng nằm chính ngay đoạn đầu của con đường Tây Tiến chỉ chừng hơn 10 cây số để đến bến đò Thung Nai, Hòa Bình. Đây là điểm đến đầy mời gọi với mênh mông sương sớm mặt hồ và cuộc sống sinh hoạt của những cư dân Mường vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình vô cùng độc đáo. Sau khi khám phá và tìm hiểu về văn hóa Mường tại bảo tàng lớn nhất xứ Mường, những bước chân xê dịch có thể di chuyển tiếp đến Thung Nai, nghỉ ngơi, ăn tối và chuẩn bị sức khỏe cho một ngày lênh đênh sóng nước Thung Nai.