Trải lòng của người chuyển giới làm "tạp kỹ pêđê"

ANTĐ - Là con trai nhưng Du thích mặc đồ nữ, để tóc dài, chơi búp bê, nhảy dây nên thường bị bạn bè trêu chọc. Lớn lên bị cha mẹ, cậu dì mắng và đuổi khỏi nhà, Du sống lang thang trên đường phố rồi đi hát đám ma, làm mại dâm.

Du 19 tuổi - một người chuyển giới từ nam sang nữ (tức sinh ra trong cơ thể nam nhưng lại nghĩ mình là nữ, thường hay gọi “bóng lộ” hoặc pêđê).

Sinh ra với hình hài con trai nhưng từ nhỏ Du luôn nghĩ mình là con gái. Cậu để tóc dài, mặc váy và chơi những trò của nhi nữ nên thường bị bạn trêu chọc. Bố mẹ khuyên con không được bèn mắng “đồ bệnh hoạn”. Có một lần mặc áo tay bồng đi học, bị thầy cô yêu cầu đi thay áo, Du xấu hổ nên bỏ học luôn. Năm 12 tuổi bị cậu, dì gọi là “pêđê dơ”, Du tức tối cãi lại thì bị chửi và đuổi ra khỏi nhà.

Từ đó cậu bé sống lang thang vất vưởng trên đường phố, tối lại tìm công viên ngủ. Du kết thân với những "chị em" chuyển giới như mình, được rủ đi thử giọng và từ đó theo chân họ đi hát ở các đám ma.

Một màn trình diễn trong chương trình
Một màn trình diễn trong chương trình "tạp kỹ pê đê" ở đám tang.

“Trước đó tôi cũng đi xin việc làm nhưng nhiều chỗ nói thẳng là 'ở đây không mướn pêđê'. Tôi phụ bán quán cơm vỉa hè, họ nói 'pêđê vô đây chỉ ăn trộm ăn cắp chứ gì'. Một thời gian sau đói quá nên em đành đi hát đám ma rồi làm 'vài việc khác'”, câu chuyện cuộc đời được chủ nhân nó kể tiếp.

Theo lời Du, một gánh "tạp kỹ pêđê" cũng có bầu sô đàng hoàng, cứ khi nào có "sô" họ sẽ điện thoại cho các "đào". Một đội hát đám ma thường có khoảng chục người, trong đó những người phẫu thuật chuyển đổi giới tính thường được yêu thích hơn và được trả thù lao cao hơn. Riêng trong nhóm đã phẫu thuật chuyển giới cũng được xếp hạng A+, A được trả lương cao hơn, hạng B, C có cát sê rẻ hơn.

Cũng như những đồng nghiệp làm nghề này, hàng đêm Du phải diện váy ngắn nhảy múa rồi cởi dần cho đến khi chỉ còn bikini hai mảnh để mua vui cho người xem. Thậm chí "diễn viên" đang biểu diễn, một số ông tuổi xồn xồn còn xông lên sân khấu đòi "sờ hàng", không cho sờ thì không có tiền bo nên cũng đành chịu...

Đến nay Du đã đi diễn trong đám ma được 2 năm, nhưng vì giọng không hay nên đang chuyển dần sang diễn xiếc múa lửa. Khi diễn, muốn được nhiều tiền “boa” thì phải chịu thoát y. Du kể: “Có lần tôi diễn, mặc cái áo rộng nên bị bén lửa cháy sợ quá”.

Du vẫn mặc quần áo con gái, để tóc dài, một mực quả quyết: “Bây giờ cắt tóc ngắn thì tôi hổ thẹn bản thân hơn. Thà mất việc làm còn hơn là đánh mất bản thân, không gì bằng được sống là chính mình”.

Một "diễn viên" khác tên Luân (27 tuổi) cho biết, hát đám ma là công việc duy nhất đem lại thu nhập cho mình trong lúc này. Trông Luân tóc dài, trang điểm và mặc áo bó, quần soóc ngắn, chẳng khác gì con gái. Luân không ngại bộc bạch: “Ở Sài Gòn nhiều 'bóng lộ' nên người ta nhìn biết tôi là pêđê ngay. Chỉ tính riêng những đội hát đám ma cũng đã có vài trăm người như tôi".

Chàng trai kể, thu nhập từ việc hát đám ma rất bấp bênh vì tùy thuộc vào tiền bo của khách. Trung bình mỗi "khán giả" boa khoảng 10.000 đến 20.000 đồng, hôm nào nhiều khách thì cũng được mấy trăm nghìn, còn không thì chỉ được vài chục, chưa đủ tiền xăng xe, quần áo và mỹ phẩm.

Luân bảo: “Không thể xin được việc khác khi nhìn em thế này".

Khảo sát mới đây của nhóm nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế, Xã hội và Môi trường (iSEE) cho thấy vấn đề khó khăn nhất của cộng đồng người chuyển giới hiện nay là không tìm được việc làm. Một số người dấn thân vào nghề múa hát ở đám tang, thậm chí mại dâm. Như một thành viên nhóm "tạp kỹ pêđê" bộc bạch: “Hát đám ma nhục lắm, tủi lắm chứ. Chúng tôi cũng mong muốn xã hội chấp nhận, có công việc đàng hoàng". Trong khi một số khác thì bày tỏ lo lắng cuộc sống sau này sẽ khó khăn hơn nếu nghề này bị cấm.

Nhóm nghiên cứu cho rằng do biểu hiện bên ngoài khác giới tính sinh học, những người chuyển giới thường dễ bị nhận ra và có nguy cơ bị kỳ thị và phân biệt đối xử hơn so với người đồng tính. Nguyên nhân, có sự phân biệt đối xử của người tuyển dụng do định kiến chuyển giới là những người “bệnh hoạn” hoặc trộm cắp. Vì thế người nào có chút vốn liếng thì tự kinh doanh như mở cửa hàng hoặc dịch vụ trang điểm, làm tóc, chăm sóc móng tay...

Nhóm nghiên cứu này còn ghi nhận nhiều trường hợp người chuyển đổi giới tính bị kỳ thị ngay trong gia đình và trường học, khiến họ chán nản bỏ học sớm. "Không bằng cấp khiến cho việc kiếm một công việc càng khó khăn hơn. Sự phân biệt đối xử khiến các em ít nhận được sự chu cấp và đầu tư từ gia đình, nhiều lúc nặng nề đến nỗi các em phải bỏ nhà sống lang thang", đại diện nhóm nghiên cứu nói.

(* Tên nhân vật đã được thay đổi).